Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi cho việc bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1.000 tỉ đồng, trong đó Hà Nội và TP.HCM chiếm hơn 200 tỉ đồng. Thế nhưng chất lượng bộ máy có được cải thiện tương xứng với chi phí và tâm sức của nhiều người hay không vẫn là dấu hỏi.
Theo Thông tư 10/2017 của Bộ Nội vụ, việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm nhằm cung cấp thông tin về mức độ nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ sau khi được bồi dưỡng. Đồng thời chia sẻ cho các cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ những thông tin khách quan về chất lượng bồi dưỡng. Từ đó, các cơ quan, đơn vị có kế hoạch cải tiến chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với các cơ quan quản lý trực tiếp, việc đánh giá này cũng là một cơ sở để thẩm định sự tiến bộ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm sắp xếp, bổ nhiệm, sàng lọc hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng của cả bộ máy.
Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, cùng với đó tinh giản biên chế đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của nhiều bộ, ngành, địa phương, công tác đánh giá như trên là rất cần thiết. Chưa kể, những vụ việc tiêu cực nổ ra thời gian qua tiếp tục đòi hỏi nâng cao chất lượng bộ máy tương xứng thực tiễn.
Theo khảo sát do Viện Khoa học tổ chức nhà nước thực hiện mới đây, có tới 37% số người được hỏi chưa từng được tiếp cận bộ công cụ đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Người được đánh giá đạt rất nhiều, thậm chí giành 8, 9 điểm nhưng chất lượng nhân sự không tăng. Đó là thực tế khiến nhiều người trong cuộc và cả những nhà quan sát, nghiên cứu trăn trở.
Ngoài thói quen du di, cảm tính trong đánh giá nhân sự đã trở thành văn hóa từ nhiều năm nay, việc cải thiện công cụ đánh giá là bài toán cần lời giải triệt để và nhanh chóng.
Phương pháp đánh giá theo quy định hiện hành thiên về định tính và phụ thuộc nhiều vào con người. Những yếu tố này kéo theo tình trạng thiếu chính xác, để tình cảm cá nhân len lỏi vào việc đánh giá.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá được định lượng chính xác, chi tiết, dựa nhiều vào công nghệ, hạn chế tối đa bàn tay của con người là giải pháp khả thi khắc phục những tồn tại hiện nay. Muốn thế, cần xây dựng chương trình bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm vị trí công tác, có đơn vị đánh giá độc lập, việc đánh giá đi vào từng chi tiết nhỏ, từ cơ sở vật chất đến giảng viên, nội dung đào tạo.
Có thể xem công tác đánh giá tương tự tổ chức thi và chấm thi tại một số nền giáo dục tiên tiến: Xây dựng bộ câu hỏi hoàn chỉnh; mỗi người được khảo sát có tài khoản độc lập; toàn bộ phần trả lời được chuyển qua mạng đến đơn vị thống kê, thẩm định độc lập để cho ra kết quả khách quan nhất.
Điều kiện kỹ thuật đủ đáp ứng yêu cầu này. Vấn đề lớn nhất vẫn là quyết tâm thay đổi tư duy, thói quen để không chỉ tránh lãng phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm trong việc bồi dưỡng nhân lực, mà còn tránh lãng phí cơ hội nâng cao chất lượng bộ máy phục vụ dân, cũng là cơ hội phát triển của đất nước.