Đại biểu tham gia tập huấn phát biểu góp ý về các chính sách về tuyển sinh - Ảnh: H.U
Ông Phạm Như Nghệ, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và đào tạo, cho biết năm nay có 879.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, tăng rất nhiều so với 790.000 thí sinh năm 2021 và 650.000 của năm 2020. Trong buổi trao đổi sáng 5-7, rất nhiều ý kiến từ các trường băn khoăn về việc xét tuyển với những thí sinh đăng ký xét tuyển sớm không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các trường thực hiện nghiêm việc mỗi thí sinh chỉ được xét trúng tuyển một phương thức vào một ngành dù thí sinh đăng ký nhiều phương thức khác nhau.
Nhiều trường đại học cho biết không ít thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều phương thức vào một ngành trong cùng trường đại học. Nếu chỉ xét trúng tuyển một phương thức thí sinh sẽ thắc mắc về quyền lợi của mình. Trong trường hợp thí sinh đủ điều kiện vào nhiều ngành cùng trường thì như thế nào?
Đại diện Đại học Đà Nẵng kiến nghị cho phép xét trúng tuyển toàn bộ phương thức thí sinh đã đăng ký và nhập dữ liệu vào hệ thống tuyển sinh chung của bộ. Ông Tô Văn Phương - trưởng phòng đào tạo Trường đại học Nha Trang - cũng cho rằng nên xét trúng tuyển toàn bộ các phương thức để thí sinh lựa chọn, đảm bảo các quyền lợi sau này của thí sinh như xét thủ khoa đầu vào, học bổng.
Trao đổi về những băn khoăn này, ông Phạm Như Nghệ khẳng định thí sinh trúng tuyển nhiều phương thức nhưng cuối cùng cũng chỉ chọn một. Do đó trường chỉ xét thí sinh trúng tuyển một phương thức để gửi dữ liệu về bộ và thông báo trúng tuyển có điều kiện theo phương thức đó để thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Như vậy phần mềm tuyển sinh đỡ phải chỉnh sửa, quyền lợi thí sinh vẫn đảm bảo.
Theo ông Nghệ, toàn bộ thí sinh đã được trường xét trúng tuyển có điều kiện nếu đăng ký xét tuyển trên hệ thống phải được trúng tuyển chính thức sau khi tốt nghiệp THPT. Để đảm bảo quyền lợi, ông Nghệ khuyến cáo thí sinh cần sử dụng một số chứng minh nhân dân hay căn cước công dân xuyên suốt quá trình đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển.
Ông Nghệ lưu ý tại thời điểm đăng ký dự thi, có thể thí sinh chỉ có chứng minh nhân dân 9 số, sau đó lại có căn cước công dân 12 số. Thí sinh khi đăng ký xét tuyển phải sử dụng số chứng minh nhân dân đã đăng ký trước đó để tránh thông tin sai lệch, ảnh hưởng quyền lợi.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề liên quan tới các thay đổi kỹ thuật của kỳ tuyển sinh năm nay, đặc biệt là việc đăng ký xét tuyển, lọc ảo, xác nhận nhập học đều được thực hiện trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và đào tạo. Đại diện Đại học Quốc gia TP.HCM kiến nghị cho các trường xuất tệp danh mục ngành lên hệ thống vì hiện nay phải thực hiện thủ công gõ tên ngành, mã ngành, phương thức xét tuyển...
Còn đại diện Trường đại học Công nghệ TP.HCM băn khoăn thí sinh xét học bạ đủ điều kiện trúng tuyển nhưng khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ, liệu thí sinh có được đổi ngành, đổi phương thức, tổ hợp, thậm chí không đăng ký vào ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển hay không.
Đại diện Viettel - đơn vị phát triển phần mềm - cho rằng việc cập nhật thay đổi phần mềm cần phải có thời gian. Viettel ghi nhận và sẽ đánh giá, thông báo có thể cập nhật dữ liệu từ tệp được hay không.
Về lệ phí đăng ký xét tuyển, ông Phạm Như Nghệ cũng cho biết lệ phí đăng ký xét tuyển năm nay là 20.000 đồng/nguyện vọng, giảm 5.000 đồng so với năm trước. Thí sinh từ Huế trở ra sẽ chuyển khoản lệ phí xét tuyển cho Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Thí sinh từ Đà Nẵng trở vào chuyển khoản cho Học viện Bưu chính viễn thông tại TP.HCM.
TTO - Xét trúng tuyển tất cả các phương thức đăng ký vào một ngành hay chỉ một phương thức? Thí sinh có được xét trúng tuyển có điều kiện vào nhiều ngành cùng một trường? Đây là băn khoăn không chỉ của thí sinh mà còn của các trường đại học.
Xem thêm: mth.91843753250702202-cuht-gnouhp-tom-neyut-gnurt-tex-coud-ihc-hnis-iht-hnagn-iom/nv.ertiout