Bác sĩ CKI Hoàng Văn Triều (đơn vị y học thể thao, khoa chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về những điều cần biết khi chăm sóc vết thương tại nhà.
Bác sĩ Hoàng Văn Triều nói: "Vết thương là một dạng tổn thương gây mất tính liên tục của da và mô dưới da do các nguyên nhân khác nhau khiến da bị rách, cắt, đâm thủng hoặc chấn thương do một lực tác động mạnh. Việc rửa và chăm sóc vết thương tại nhà đúng cách sẽ giúp nhanh lành vết thương và tránh các biến chứng không đáng có.
Tần suất thay băng vết thương: Trung bình 1 lần/ngày hoặc khi vết thương chảy nhiều dịch gây thấm ướt gạc thì tần suất sẽ tăng lên, hoặc các vết thương đặc biệt khác thì cần có hướng dẫn của bác sĩ".
Các nguyên tắc chăm sóc vết thương
Nguyên tắc vô trùng: Rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi thực hiện chăm sóc vết thương
Rửa từ sạch ra vùng dơ: Rửa bắt đầu từ vùng miệng vết thương ra vùng xung quanh. Lưu ý đối với các vết thương hở thì không dùng trực tiếp Povidine Iod (thuốc đỏ), cồn, oxy già trực tiếp lên miệng vết thương mà chỉ được rửa bằng nước muối sinh lý vô trùng.
Vì khi vết thương đang lành, vùng miệng vết thương sẽ mọc các mô hạt giúp lành vết thương. Nếu chúng ta dùng các chất sát khuẩn khác có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các mô hạt khiến chậm lành vết thương (điểm này cần lưu ý vì nhiều người đang rửa vết thương bằng cách dùng Povidine đậm đặc và oxy trực tiếp lên vết thương nhằm tránh nhiễm trùng).
Các thao tác chăm sóc vết thương
Gạc sạch vô trùng thấm vào nước muối sinh lý và rửa miệng vết thương. Cần tuân thủ nguyên tắc từ miệng vết thương ra vùng xung quanh. Có thể dùng Povidine Iod để rửa xung quanh vết thương vì giúp sát khuẩn xung quanh và tiêu diệt các vi khuẩn thường trú trên vùng da lành.
Lau khô vết thương bằng gạc sạch và băng vết thương nhằm tránh để vết thương tiếp xúc với môi trường xung quanh.
Có thể tắm hoặc làm ướt vết thương được không?
Vẫn tắm như bình thường vì cần giữ vệ sinh vùng da xung quanh để tránh có nhiều vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tuy nhiên nên tránh làm ướt vết thương. Vì khi ướt, môi trường nước sẽ có nguy cơ dẫn vi khuẩn từ không khí vào vết thương gây nhiễm trùng. Nếu tắm hoặc sinh hoạt mà lỡ làm ướt vết thương thì nên thay băng vết thương, thay lại gạc mới.
Vì sao nhiều lúc chạy bộ thấy chân nặng nề?
21/01/2024 08:08
Không ngâm vết thương vào nước ấm hoặc ngâm cơ thể vào bồn tắm. Vì khi ngâm lâu sẽ làm cho lớp biểu bì trên da chúng ta mềm ra và có nguy cơ gây hở miệng vết thương, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
Không bóc vảy vết thương khi vết thương đang lành.
Theo dõi vết thương: Trong quá trình chăm sóc nếu thấy vết thương sưng, nóng, đỏ đau, chảy dịch thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám để được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh tình trạng nhiễm trùng vết thương diễn tiến. Nếu đến trễ đôi khi sẽ khiến vùng nhiễm trùng lan rộng, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Chấn thương có thể đến với bất cứ ai, chơi môn thể thao nào từ chạy bộ, đá bóng, bơi lội, võ thuật... Tập golf cũng có thể làm gãy xương sườn.