Như báo Công lý đã đưa tin, ngày 29/1, Công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng có liên quan đến một vụ tại axit trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 16h15p ngày 18/1 (tức ngày 27 Tết), chị L.T.H. (SN 1992, trú xã Luận Khê, huyện Thường Xuân) điều khiển xe máy chở theo con trai 8 tuổi và chị gái đi từ thôn Buồng về thôn Kha, xã Luận Khê.
Về đến khu vực nghĩa trang thôn Buồng thì bất ngờ bị 2 người đàn ông đi xe máy ngược chiều, ép vào lề đường sau đó tạt axit về phía xe chị H. khiến 3 người đi trên xe bị thương ở vùng mặt, tay.
Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Thường Xuân đã huy động lực lượng vào cuộc xác minh. Đến ngày 24/1 (tức ngày mùng 4 Tết Quý Mão), công an xác định được người điều khiển xe máy gây ra vụ tạt axit là Lê Văn Cường (SN 1991; trú xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa).
Ba đối tượng Lợi (trái), Cường và Anh
Triệu tập Cường đến cơ quan Công an, Cường khai nhận đã được Lê Xuân Anh (SN 1999; trú xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa) thuê chở đi tạt axit với giá 5 triệu đồng.
Tại cơ quan Công an, Lê Xuân Anh đã khai nhận được Đỗ Viết Lợi (SN 1981; trú xã Thiệu Hợp) thuê đi tạt axit với giá 30 triệu đồng.
Qua đấu tranh, Lợi khai nhận vào năm 2020 (dù đã có vợ con) nhưng đã nảy sinh tình cảm và qua lại với chị H. là nhân viên quán karaoke tại huyện Thiệu Hóa. Đến khoảng tháng 10/2022, chị H. muốn chấm dứt tình cảm nên chặn mọi liên lạc với Lợi và bỏ về tỉnh Bắc Giang làm việc.
Để trả thù nhân tình vì níu kéo tình cảm không thành, Lợi đã mua axit và thuê Lê Xuân Anh tạt axit vào người chị H. Sau đó, Anh đã rủ Cường cùng thực hiện hành vi trên.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Đồng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hành vi của các đối tượng có tính chất côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe và tính mạng của người khác. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự các đối tượng để phục vụ công tác điều tra là có căn cứ, đúng trình tự thủ tục.
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo luật sư Đồng, trong vụ án này, thương tích của nạn nhân đã rõ, tuy nhiên để có căn cứ, áp dụng một chế tài tương xứng với tính chất và mức độ, hậu quả của hành vi mà các đối tượng gây ra cho nạn nhân, thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định tỷ lệ thương tích, khám nghiệm hiện trường, thu thập lời khai của những người liên quan, xác định chất lỏng tạt vào người nạn nhân là loại axit gì, lượng axit mà các đối tượng sử dụng có khối lượng ra sao, vị trí và tư thế tạt… để củng cố hồ sơ và có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng.
Hình phạt mà các đối tượng có thể đối mặt tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả hành vi đã gây ra, trong đó đối tượng chủ mưu cầm đầu mua axit và thuê các đối tượng khác tạt axit phải chịu trách nhiệm chính, các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi là đồng phạm với vai trò thực hành tích cực.
“Hành vi tạt axit tấn công người khác theo quy định pháp luật là hành vi nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả mới chuẩn bị axit mà chưa tạt vào người nạn nhân thì vẫn có căn cứ xử lý các đối tượng nếu hành vi được xem là chuẩn bị công cụ để phạm tội theo quy định tại khoản 6, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 201, thì đã phải chịu hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”, luật sư Đồng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng đối chiếu với tình huống vụ án trên có thể thấy nạn nhân đã có thương tích cụ thể, hành vi tấn công nạn nhân bằng dung dịch axit gây bỏng mặt và tay của các đối tượng là khá nguy hiểm, hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết Dùng axit nguy hiểm để gây thương tích cho nạn nhân, hành vi có tính chất côn đồ, có tổ chức có sự bàn bạc phân công giữa các đồng phạm.
Về trách nhiệm bồi thường các đối tượng phải thực hiện đối với nạn nhân, luật sư Khuyên cho biết, đối với hành vi dùng axit để tấn công xâm hại sức khỏe nạn nhân dẫn tới thương tích cụ thể cho nạn nhân, các đối tượng này phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản bồi thường gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.