vĐồng tin tức tài chính 365

Toàn cảnh vi phạm mua sắm chống dịch Covid-19 trên cả nước

2023-01-30 07:55

Cuối năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam. Khi ấy, ngoài những con số thống kê về thiệt hại xảy ra, một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là công tác mua sắm phòng chống dịch.

Nhiều dấu hỏi đặt ra về quy trình đấu thầu, giá cả, chất lượng… các loại sinh phẩm, trang thiết bị y tế (TTBYT), nhất là trong bối cảnh vụ án tiêu cực liên quan đến kit test Việt Á mở màn bằng việc bắt giam hàng loạt cán bộ y tế và nhân viên Công ty Việt Á.

Để có câu trả lời, tháng 1.2022, Thanh tra Chính phủ (TTCP) lần lượt công bố quyết định thanh tra mua sắm phòng chống dịch tại Bộ Y tế, TP.Hà Nội và TP.HCM. Song song với đó, thanh tra các bộ, ngành, địa phương cũng đồng loạt tiến hành các cuộc thanh tra với cùng nội dung trong phạm vi phụ trách.

Và sau gần 1 năm “căng não”, ngành thanh tra đã hoàn thành một trong những chuyên đề thanh tra được chờ đợi nhất từ trước tới nay, qua đó “điểm mặt” nhiều vi phạm, thậm chí một số vụ việc có dấu hiệu hình sự.

Ngành thanh tra hoàn thành một trong những chuyên đề được chờ đợi nhất từ trước tới nay, qua đó “điểm mặt” nhiều vi phạm trong mua sắm phòng chống dịch Covid-19 (ảnh minh họa)

phúc bình

Gần 5.000 gói thầu vi phạm

Tài liệu từ TTCP cho thấy, cơ quan này trực tiếp lập 3 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, TP.Hà Nội và TP.HCM; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra theo đúng quy định, tiến độ.

Tổng cộng có 9/20 bộ, ngành và 61/63 tỉnh, thành phố thành lập đoàn thanh tra; riêng các bộ, ngành không lập đoàn thanh tra do mua sắm số lượng ít nên chỉ kiểm tra, tổng hợp, báo cáo. Lực lượng thanh tra đã thanh tra 21.383 gói thầu (đạt 59,23%) với tổng giá trị 15.475 tỉ đồng (đạt 59,36%).

Kết quả thanh tra phát hiện quá trình mua sắm có nhiều thiếu sót, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đầu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm. Việc này diễn ra ở nhiều địa phương, với 54/61 tỉnh, thành và 4.992/15.909 gói thầu vi phạm. Trong đó, một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Cá biệt, có địa phương tỷ lệ vi phạm tại các gói thầu lên tới 100% như Hà Tĩnh và TP.Đà Nẵng; Hải Phòng 95,8%, Quảng Trị 95,2%, Bình Thuận 90,7%, Cần Thơ 89,3%, Vĩnh Long 85,5%...

Do vậy, cơ quan thanh tra đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Trong đó, TTCP chuyển 16 vụ việc, thanh tra bộ và thanh tra tỉnh chuyển 24 vụ việc.

Riêng 16 vụ việc của TTCP, có 2 vụ chuyển hồ sơ (việc mua sắm 2 gói thầu vật tư y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.HCM) và 14 vụ chuyển thông tin (tại Bộ Y tế 3 vụ, tại TP. Hà Nội 6 vụ và tại TP.HCM 5 vụ).

Lực lượng chức năng phong tỏa một ổ dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội

phúc bình

2 vụ việc có dấu hiệu hình sự

Tại Bộ Y tế, TTCP phát hiện nhiều vi phạm liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; ban hành một số văn bản gây hiểu lầm về công bố giá bán TTBYT; quản lý không chặt chẽ việc tiếp nhận vắc xin; công tác chỉ đạo, hướng dẫn mua sắm chống dịch còn chậm; một số đơn vị để xảy ra lãng phí nguồn vốn mua sắm…

Đặc biệt, TTCP kiến nghị chuyển thông tin sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định đối với 3 vụ việc.

Thứ nhất là việc thẩm định, phê duyệt giá gói thầu và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ Y tế đối với một số gói thầu (hệ thống nội soi phế quản, model CV-170 của hãng Olympus; máy X-quang di động kỹ thuật số, model FDR Nano/DR-XD1000 của hãng Fujifim) có dấu hiệu vi phạm điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ hai là việc mượn hàng hóa, mua sắm của Viện Pasteur TP.HCM trong giai đoạn 2020 - 2021 có dấu hiệu vi phạm điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015; trong đó có một số doanh nghiệp cho Viện Pasteur TP.HCM mượn hàng hóa, nhập khẩu hàng dùng nghiên cứu khoa học (RUO), dùng trong phòng thí nghiệm (LUO).

Thứ ba là việc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc trúng nhiều gói thầu của các bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế với quy mô và giá trị lớn. Sau khi trúng thầu, công ty không trực tiếp mua từ đơn vị nhập khẩu hoặc đơn vị ủy quyền mà mua qua nhiều đơn vị trung gian để cung cấp cho BV, dẫn đến giá TTBYT bị nâng cao (giá trúng thầu gấp 2 - 3 lần giá nhập khẩu).

Nhiều vụ việc liên quan đến mua sắm phòng chống dịch Covid-19 được cơ quan thanh tra chuyển sang công an để xem xét, xử lý (ảnh minh họa)

duy tính

Chênh lệch giá hàng trăm tỉ đồng

Tại Hà Nội, TTCP phát hiện hàng hóa trong 58 gói thầu cung cấp TTBYT cho 31 BV đều được mua bán qua nhiều công ty trung gian, trong thời gian ngắn, mỗi lần giá lại tăng cao, dẫn đến giá trúng thầu cao hơn nhiều lần giá nhập khẩu.

Thực tế, tổng giá trị trúng thầu của 58 gói là hơn 134 tỉ đồng, trong khi giá trị nhập khẩu và phụ kiện mua thêm chỉ gần 62 tỉ đồng, chênh lệch lên tới hơn 72 tỉ đồng. Sau khi được UBND TP.Hà Nội yêu cầu, các nhà thầu đã giảm giá nhưng số tiền chênh vẫn còn hơn 49 tỉ đồng.

Ngoài ra, CDC Hà Nội và 11 BV trên địa bàn còn ký hợp đồng mua sắm hơn 73 tỉ đồng các loại hóa chất, sinh phẩm, vật tư, kit xét nghiệm. Số tiền chênh lệch được xác định cũng lên tới hơn 35 tỉ đồng, sau khi giảm giá vẫn còn chênh hơn 33 tỉ đồng.

Từ những dấu hiệu bất thường trên, TTCP kiến nghị chuyển thông tin 6 vụ việc để Bộ Công an giao cơ quan chức năng xác minh, làm rõ theo quy định.

Trong số này, có 7 gói thầu mua sắm 7 máy X-quang di động kỹ thuật số do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc cung cấp cho 7 BV, với tổng giá trị hơn 30 tỉ đồng, chênh lệch gần 20 tỉ đồng (sau khi giảm giá vẫn chênh 12 tỉ đồng).

Hay như 6 gói thầu mua sắm vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm do Công ty 3TK cung cấp cho CDC Hà Nội với tổng giá trị gần 41 tỉ đồng, chênh lệch hơn 20 tỉ đồng. Hoặc 4 gói thầu mua sắm 8 máy lọc máu liên tục do Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông cung cấp cho 4 BV có giá chênh lệch hơn 6 tỉ đồng.

Riêng tại TP.HCM, tổng số tiền chênh lệch trong công tác mua sắm chống dịch được cơ quan thanh tra xác định lên tới gần 80 tỉ đồng (ảnh minh họa)

t.n

Vi phạm từ sở y tế cho tới các BV lớn

Tại TP.HCM, do thời gian có hạn, TTCP chỉ kiểm tra ngẫu nhiên nhưng cũng phát hiện hàng loạt gói thầu mua sắm TTBYT có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường. Tổng số tiền chênh lệch được cơ quan thanh tra xác định lên tới gần 80 tỉ đồng.

Trong đó, Sở Y tế TP.HCM mua sắm 229 TTBYT phục vụ phòng chống dịch. Số TTBYT này có tổng giá vốn gần 21,4 tỉ đồng, nhưng sau khi qua các bước đấu thầu và tới tay chủ đầu tư thì chúng “đội giá” lên tới gần 62,5 tỉ đồng, chênh lệch hơn 41 tỉ đồng.

Tương tự, ở các BV lớn trên địa bàn (BV Bệnh nhiệt đới, BV Nhi đồng 1 và 2, BV Nhi đồng TP.HCM), TTCP cũng phát hiện nhiều gói thầu mua sắm có sự chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu và giá nhập khẩu, với tổng số tiền khoảng 39 tỉ đồng.

Đáng chú ý, TTCP nhận thấy 2 gói thầu mua khẩu trang y tế, trang phục chống dịch do CDC TP.HCM làm chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, với số tiền thiệt hại 6,3 tỉ đồng.

Cùng với đó là 2 gói thầu mua sắm trang phục chống dịch với tổng trị giá gần 2 tỉ đồng tại BV Từ Dũ và gói thầu mua sắm vật tư y tế phòng chống dịch trị giá hơn 1,8 tỉ đồng tại BV Nhi đồng TP.HCM, có dấu hiệu thông thầu.

Vì vậy, TTCP kiến nghị chuyển các vụ việc nêu trên cùng thông tin về các gói thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường đến Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định.

Kiến nghị hàng loạt vấn đề

Ngoài việc chuyển các vụ việc sang cơ quan công an và kiến nghị xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan, TTCP cũng kiến nghị hàng loạt vấn đề mang tính vĩ mô để ngăn chặn tình trạng vi phạm trong lĩnh vực mua sắm TTBYT.

Theo đó, Bộ Y tế cần sớm trình Chính phủ kế hoạch xây dựng luật Quản lý TTBYT; ban hành các thông tư, hướng dẫn cụ thể về lĩnh vực này; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành thông tư thay thế nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện đấu thầu TTBYT tại các cơ sở y tế công lập.

Để tránh yếu tố trục lợi, Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định trong thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong quản lý giá khi xây dựng giá kế hoạch mua sắm; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh khi nhận hàng hóa nhập khẩu là vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm... phải có đầy đủ tài liệu hợp pháp để chứng minh tính hợp lệ.

Đặc biệt, Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh báo cáo, tổng hợp số liệu hàng RUO, LUO đã mua sắm, sử dụng; phối hợp với Bộ Tài chính chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm các doanh nghiệp nhập khẩu hàng RUO, LUO trực tiếp hoặc bán cho doanh nghiệp khác cung cấp cho các cơ sở y tế sử dụng không đúng mục đích.

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật Đấu thầu theo hướng quy định cụ thể về “trường hợp cấp bách ” và việc áp dụng hình thức “chỉ định thầu rút gọn ” khi xảy ra trường hợp cấp bách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu thầu, xử lý nghiêm các vi phạm khi lựa chọn nhà thầu.

Xem thêm: mth.7594451581-coun-ac-nert-91-divoc-hcid-gnohc-mas-aum-mahp-iv-hnac-naot/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Toàn cảnh vi phạm mua sắm chống dịch Covid-19 trên cả nước”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools