Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ thực hiện nội soi phế quản cho bệnh nhi - Ảnh: T.LŨY
Có nhiều trẻ được bác sĩ điều trị theo phác đồ viêm thanh khí quản, thì triệu chứng thở rít có giảm nhưng chậm và kéo dài sau đó. Thậm chí có trẻ nhập viện nhiều lần vì thở rít chưa tìm ra nguyên nhân, điều trị không hết hẳn, gia đình lo lắng không biết trẻ mắc chứng bệnh mãn tính nào.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhân Mỹ, phó khoa nội tổng hợp (Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ), cho biết khoa khám bệnh từng tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ có triệu chứng khò khè, thở rít, nhiều trường hợp thở rít liên tục có khó thở, đa số trước đó điều trị theo phác đồ viêm thanh khí quản, triệu chứng giảm nhưng không hết hẳn.
Như trường hợp bệnh nhi N.T.K. (12 tháng tuổi, ở Cần Thơ) mới đây. Gia đình nói bé bệnh 2 ngày, thở rít, khò khè, lúc nhập viện tình trạng bệnh nhi thở rít liên tục, có khó thở.
Các bác sĩ cho nhập viện tại khoa cấp cứu, xử trí thở rít mức độ trung bình bằng khí dung Adrenaline 1‰ và sử dụng thuốc tiêm kháng viêm. Ngay sau đó, bé được chuyển khoa nội tổng hợp để điều trị tìm nguyên nhân gây thở rít.
Các bác sĩ khoa nội tổng hợp đã hội chẩn và nhờ hỗ trợ của khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) để tìm nguyên nhân. Bệnh nhi được nội soi phế quản ống mềm, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Nhi đồng 1.
Sau nội soi, các bác sĩ tìm ra nguyên nhân thở rít tái phát nhiều lần là mềm sụn thanh quản type 3, nắp thanh môn phù nề (nghĩ nhiều đến nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản). Sau đó bé được điều trị thuốc chống trào ngược và vitamin D3, xuất viện trong tình trạng hết hẳn thở rít và khò khè.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhân Mỹ, mềm sụn thanh quản là bất thường bẩm sinh của sụn thanh quản, là nguyên nhân thường gặp nhất gây thở rít ở trẻ em, trong đó trên 70% sẽ giảm triệu chứng khi bé lớn từ 18-24 tháng.
Trong số này, nhiều trẻ có thể kèm thêm trào ngược dạ dày thực quản, thường gây sặc, nôn ói, chậm tiêu, ho và có thể sụt cân.
Hiện nay, với phương pháp nội soi thanh quản, phế quản bằng ống mềm là phương pháp tối ưu để chẩn đoán xác định triệu chứng thở rít ở trẻ, nội soi giúp đánh giá loại và mức độ nặng của mềm sụn thanh quản, tìm những tổn thương phối hợp và tìm dấu trào ngược đi kèm, đánh giá độ di động của nắp thanh môn.
Đồng thời, nội soi phế quản còn giúp bác sĩ tìm và loại trừ các nguyên nhân gây thở rít khác như: dị vật đường thở, hay các bất thường bẩm sinh của đường thở như u nhú đường hô hấp, hẹp dưới thanh môn, nang thanh môn, màng ngăn thanh quản, hẹp thanh quản, vòng nhẫn mạch máu, liệt dây thanh…
Vì vậy, khuyến cáo các gia đình khi chăm sóc trẻ, khi thấy có biểu hiện thở rít, khò khè tái đi tái lại, nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa khi để được các bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân để chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư suckhoe@tuoitre.com.vn (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.
TTO - Sáng 11-4, ThS.BS Hà Hoàng Minh - trưởng khoa hồi sức cấp cứu - điều trị tích cực Bệnh viện Nhi Thanh Hóa - cho biết bệnh viện vừa nội soi gắp thành công nắp bút bi trong phế quản em Phạm Nhật Hào (9 tuổi, trú xã Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa).