Sáng 5/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật mới được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Những điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Tại tuổi họp báo, giới thiệu những điểm mới về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết luật gồm 7 chương, 157 điều. Trong đó, luật sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam.
Đáng chú ý, về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tại Hiệp định Thương mại dịch vụ Việt Nam - EU (EVFTA) được ký ngày 30/6/2019 có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Việt Nam cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của EU thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực. Do đó, để chủ động thực hiện cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bổ sung quy định về thành lập chi nhánh tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.
Về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm, theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài.
"Để đảm bảo rõ ràng, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm", ông Nguyễn Đức Chi nói.
Toàn cảnh buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật mới được Quốc hội Khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 3. Ảnh: Thắng Quang.
Cùng với đó là những sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua về bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tải bảo hiểm, bảo hiểm vi mô.
Về giải quyết tranh chấp, luật bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.
Về đăng ký thành lập doanh nghiệp, luật bổ sung quy định sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, luật đã sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
Về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.
Luật cũng bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm....
Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực rủi ro cao
Trả lời báo chí tại buổi họp báo về việc Luật Kinh doanh bảo hiểm cấm doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, cách tiếp cận mới của luật là thay vì quy định doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư cái gì, luật mới quy định không được làm cái gì, trong đó có quy định không được kinh doanh bất động sản, là lĩnh vực rủi ro cao.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Thắng Quang.
Tuy nhiên, theo vị Thứ trưởng, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng.
Cùng với đó mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.
Về hướng xử lý Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện đang có gần 1.000 tỷ đồng nhưng Luật mới không tiếp tục duy trì, Thử trưởng Nguyễn Đức Chi nói sẽ nghiên cứu một số phương án, trong đó có phương án tiếp tục quản lý quỹ để sử dụng theo mục đích trước đây và một vài phương án nữa. "Về việc này, chúng tôi sẽ lấy ý kiến nhân dân để lựa chọn phương án hiệu quả nhất", ông thông tin.
Theo Thắng Quang
Nhà đầu tư