Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, xăng dầu là loại vật tư chiến lược. Đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Việc quản lý giá xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đúng theo quy định trong Luật Giá.
Đây cũng là mặt hàng trong diện Nhà nước bình ổn giá, Nhà nước sử dụng các công cụ như Quỹ bình ổn giá, thuế, trợ giá... để điều chỉnh giá. Giá xăng dầu có tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc bình ổn giá là hết sức quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên họp này được tổ chức nhằm đưa ra biện pháp thiết thực và kịp thời trong bình ổn giá xăng, dầu, mỡ nhờn. Qua đó góp phần thực hiện chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, giảm chi phí cho doanh nghiệp và cho người dân.
Sáng nay (6/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm 2022, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng cao.
Giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần, trong đó giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần. Đặc biệt, tại kỳ điều chỉnh ngày 21/6/2022, giá xăng trong nước thiết lập mức cao nhất trong lịch sử.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. Giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình
Sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cần có giải pháp kịp thời để thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong năm 2022, cũng như kiểm soát lạm phát trong 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, để giảm giá xăng dầu, về cơ bản có thể sử dụng giải pháp điều chỉnh chính sách thuế. Tuy nhiên đây là giải pháp tình thế chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn vì giá xăng dầu trong nước có tính biến động và phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thế giới. Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng của yếu tố cung - cầu thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết: Đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề nghị của Chính phủ trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn so với quy định hiện hành. Việc này nhằm kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.
Về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, căn cứ tình hình giá xăng dầu trên thị trường trong nước và để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đa số ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhất trí giảm thuế về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ.
Giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng
Theo Tờ trình, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau:
Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít;
Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít;
Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít;
Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít;
Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg;
Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!