Đòi nợ kiểu... khủng bố
Bà Vũ Thị Yến, ngụ P.Tam Bình, TP.Thủ Đức cho biết, vấn nạn đòi nợ kiểu khủng bố với đủ chiêu trò, cắt ghép hình ảnh, tung thông tin cá nhân lên mạng xã hội vu khống, bêu riếu, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức... tái diễn ngày càng nhức nhối, gây ra nhiều hệ lụy, bất bình trong xã hội. Chúng không chỉ gọi điện... cho người thân để quấy rối, chúng còn lấy hình ảnh của nạn nhân rồi cắt ghép, đưa ảnh lên bàn thờ.
Ngoài ra, những kẻ đòi nợ còn mạo danh có người thân là "em chồng, em họ, người quen..." đang nợ tiền chúng để gọi điện đến nhằm đe dọa. Theo bà Yến, dù bà cũng như người thân không vay tiền nhưng mỗi khi nhận được những cuộc gọi như thế cũng cảm thấy hoang mang và không biết phải xử lý như thế nào.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng, 60 tuổi, chưa một lần vay tiền ở các app cho biết, ông bị những kẻ đòi nợ lên Facebook cá nhân lấy hình ảnh của ông với gia đình người bạn chụp chung rồi vu khống ông ngoại tình với vợ bạn. Nguyên nhân là một đứa "cháu họ xa bên vợ" đã vay tiền của một công ty tài chính quá hạn nhưng chưa trả.
Theo ông Dũng, hiện nay có rất nhiều ứng dụng cho vay tiền online rất đơn giản như người vay chỉ cần chụp hình ảnh CCCD hay CMND là có thể được giải quyết, giải ngân một cách nhanh chóng. Vì vậy, các đối tượng xấu thường tìm cách lấy thông tin cá nhân của người khác, sau đó chụp ảnh và gửi vào những ứng dụng này để vay tiền nhằm chiếm đoạt.
Nói về tình trạng vay tiền trên các app online, cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần nêu cao cảnh giác, không chia sẻ hình ảnh CMND và CCCD lên mạng xã hội, không cho các đối tượng chụp ảnh CMND và CCCD, đồng thời báo cáo ngay với cơ quan công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời nếu xuất hiện tình trạng này.
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Văn Hậu, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự, người vay tiền có nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn. Đồng thời, nếu hai bên thỏa thuận việc vay vốn có lãi thì bên vay phải trả đủ cả gốc và lãi theo đúng thời gian đã quy định trừ trường hợp có quy định khác. Điều này cũng có nghĩa là, nếu một người không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.
Trao đổi về vấn đề này, một vị Phó Giám đốc Sở TTTT TPHCM cho biết, đây là nội dung Sở và CATP đang khẩn trương phối hợp xử lý. Thực tế trong thời gian qua, tình trạng người dân thường xuyên nhận được điện thoại, tin nhắn, thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến cuộc sống, uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân.
Để mọi người không vướng vào việc tiếp tay cũng như thỏa hiệp với hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng "xã hội đen", vị Phó giám đốc đề nghị, người dân khi bị đối tượng đòi nợ một cách vô cớ có thể ghi âm cuộc gọi, lưu lại tin nhắn, lưu lại hình ảnh cắt ghép sai sự thật để cung cấp cho Sở TTTT và cơ quan công an nhằm làm cơ sở xử lý và can thiệp trong trường hợp cần thiết.
Xử lý app "đen"
Theo Luật sư Hậu, hiện tượng người không vay tiền nhưng vẫn bị các app đòi nợ không hiếm gặp. Bằng nhiều thủ đoạn, đặc biệt là gọi điện khủng bố, các app này liên tục làm phiền các nạn nhân. Theo quy định tại điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, khi sử dụng điện thoại để đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, các app cho vay tiền có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Cũng theo Luật sư Hậu, đây là hành vi vi phạm pháp luật nên khi bị gọi điện làm phiền, khủng bố tinh thần, nạn nhân có thể thực hiện biện pháp sau: Trước hết, người bị làm phiền cần phải giải thích rõ ràng cho người gọi điện nếu không vay hoặc không quen với người vay các khoản nợ từ các app cho vay tiền online. Khi nói chuyện với nhân viên của các app vay vốn này, người bị làm phiền cần phải hỏi rõ thông tin của app vay vốn. Đồng thời, yêu cầu người gọi điện đòi nợ cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. Nếu có thể, khi nghe các cuộc điện thoại đòi nợ, các nạn nhân có thể bật ghi âm cuộc gọi hoặc lưu lại tin nhắn để làm bằng chứng nếu sau này cần cung cấp cho cơ quan chức năng.
Ngoài ra, khi không vay tiền mà bị gọi điện đòi nợ làm phiền, nạn nhân có thể chặn cuộc gọi, tin nhắn làm phiền bằng các ứng dụng có sẵn trên điện thoại của mình. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của mình và người thân, bạn bè cho các đối tượng gọi điện đòi. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, nạn nhân có thể trình báo cơ quan công an nơi cư trú, tránh tâm lý e ngại, thậm chí thỏa hiệp cho qua, vô hình chung tạo điều kiện cho các đối tượng tiếp tục hành vi vi phạm pháp luật.