Từ trái sang: Two Seated Woman (Vũ Cao Đàm), Child Fishing By The Lake (Mai Trung Thứ), The Bridge (Mai Trung Thứ) - Ảnh: SOTHEBY'S
Triển lãm mang tên "Hồn xưa bến lạ", diễn ra từ ngày 11 đến 14-7 tại khách sạn Park Hyatt Saigon (quận 1, TP.HCM). Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ACE LÊ - giám tuyển khách mời của chương trình trưng bày, ngõ hầu giới thiệu đến độc giả về triển lãm đặc biệt này.
Từ trái sang: Jeune femme à l’éventail (Lê Phổ), Traditional Musician (Lê Thị Lựu), Jeune Fille (Mai Trung Thứ) - Ảnh: SOTHEBY'S
Một triển lãm đầu tiên ở rất nhiều khía cạnh
* Anh đánh giá thế nào về quy mô, vai trò của triển lãm "Hồn xưa bến lạ"?
- Về mặt lịch sử mỹ thuật, đây sẽ là một trong những triển lãm tranh Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam về cả giá trị và số lượng, quy tụ hơn 50 tác phẩm trải dài theo sự nghiệp của bộ tứ Phổ - Thứ - Lựu - Đàm.
Từ khi bốn họa sĩ rời khỏi quê hương cho đến khi họ lần lượt qua đời nơi hải ngoại, đây là lần đầu tiên một lượng tác phẩm lớn như vậy của cả bốn người được quay về nước và quy tập ở một địa điểm cho công chúng tới thưởng lãm.
Về mặt thị trường, sau nhiều lùm xùm thật giả về tranh từ các nhà đấu giá cả trong nước và quốc tế, đây là lần đầu tiên một thương hiệu đầu đàn như Sotheby’s tổ chức triển lãm tại Việt Nam.
Quan trọng hơn, việc định vị triển lãm này với mục đích phục vụ công chúng và chọn làm việc với một giám tuyển người Việt là quyết định mang tính chiến lược và cầu thị của Sotheby’s với cộng đồng yêu nghệ thuật trong nước. Tôi hy vọng đây sẽ là bước đi đầu tiên để các sàn quốc tế khác noi theo.
Tác phẩm Đền Cổ Loa của họa sĩ Lê Phổ - Ảnh: SOTHEBY'S
* Số tranh trong triển lãm đến từ nguồn nào: của nhà sưu tập Việt Nam, do nhà Sotheby’s đang nắm giữ, hay nhà Sotheby’s mượn từ các bộ sưu tập ở nước ngoài?
- Trong tất cả các triển lãm thương mại của Sotheby’s thì các tác phẩm trưng bày đều được đưa lên sàn đấu giá sau vài ngày ra mắt công chúng và đến từ những chủ sở hữu gửi bán. Tuy nhiên, đây là triển lãm phi thương mại đầu tiên của Sotheby’s mà không có sự mua bán nào diễn ra.
Dự án mở rộng sự tiếp cận của cộng đồng tới các tác phẩm có giá trị cao, vốn nằm tại các tư gia kín cổng cao tường.
Toàn bộ các tác phẩm đều được chúng tôi mượn từ các bộ sưu tập tư nhân uy tín trong nước - hầu hết các tranh đã được đấu giá trước đó từ nhiều sàn quốc tế khác nhau rồi mang về nước.
Chúng tôi đã lọc từ gần 200 bức tranh được đề cử xuống còn 56 bức, với độ tự tin cao và định giá bảo hiểm phù hợp.
Tác phẩm Bên ngôi miếu của họa sĩ Vũ Cao Đàm - Ảnh: SOTHEBY'S
* Ở cương vị giám tuyển khách mời, anh có thể chia sẻ công việc của mình trong quá trình chuẩn bị, tổ chức triển lãm và những khó khăn?
- Ý tưởng làm một triển lãm phi thương mại là kết quả chung của cuộc thảo luận giữa Sotheby’s và tôi. Là giám tuyển, nhiệm vụ chính của tôi là đạo diễn ý tưởng và mạch nội dung triển lãm, lên danh sách nhà sưu tập để đặt vấn đề mượn tranh, tuyển chọn và thẩm định tác phẩm, thiết kế không gian và các việc hậu cần khác.
Đây là một triển lãm đầu tiên ở rất nhiều khía cạnh, nên đi kèm với nó là rất nhiều thách thức và giới hạn. Thách thức lớn nhất là tuyển được tranh có nguồn gốc rõ ràng, lai lịch tốt. Tất cả các tác phẩm đều đi kèm với một hoặc nhiều loại chứng từ lai lịch xác tín, như ảnh hoặc vựng tập triển lãm thời Đông Dương, chứng chỉ từ gia đình họa sĩ hoặc những học viện nghệ thuật uy tín.
Thứ hai là vấn đề an ninh và bảo hiểm trong công tác vận chuyển, lưu trữ, lắp đặt và trưng bày tranh - dựa theo tiêu chuẩn toàn cầu rất khắt khe của Sotheby’s.
Ví dụ: dịch vụ vận chuyển phải có xe tải kiểm soát được nhiệt độ và độ ẩm; phòng lưu trữ và triển lãm phải có camera truyền 24/7; tranh phải được đội vệ sĩ hộ tống và bảo vệ xuyên suốt triển lãm và đi kèm gói bảo hiểm với định giá theo thị trường.
Ace Lê: "Đây là thời điểm tốt cho các nhà sưu tập tư nhân mạnh dạn bước lên sân khấu lớn"
Vấn đề thật - giả là yếu tố tiên quyết
* Vì sao Sotheby’s lựa chọn thời điểm này để tổ chức trưng bày. Có phải "Hồn xưa bến lạ" là hiệu ứng từ sự thành công của tranh Đông Dương trên thị trường quốc tế thời gian gần đây?
- Đúng vậy. Năm 2021, bất chấp đại dịch, nhà Sotheby’s vẫn đạt doanh thu và tăng trưởng kỷ lục, củng cố vị thế đứng đầu châu Á và thế giới. Trong đó, thị trường Việt Nam - cụ thể là tranh Đông Dương - là một đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng này.
Do đó, triển lãm tuy là phi thương mại nhưng sẽ có giá trị rất lớn cho việc xây dựng thương hiệu cho Sotheby’s tại Việt Nam.
Còn về phía Việt Nam, đây cũng là thời điểm tốt cho các nhà sưu tập tư nhân mạnh dạn bước lên sân khấu lớn để đối thoại nhiều hơn với giới chuyên môn, truyền thông và công chúng nói chung. Thị trường đã đủ lớn và đang cần có sự minh bạch, tính xây dựng từ tất cả các bên hơn bao giờ hết.
Việc bắc cầu giữa khối thương mại, khối học thuật và công chúng nói chung là rất cần thiết nếu ta muốn chấn hưng thị trường mỹ thuật của chính mình.
Tác phẩm Maternity của họa sĩ Lê Phổ - Ảnh: SOTHEBY'S
* Anh thường xuyên lên tiếng về nạn tranh thật - tranh giả lẫn lộn trong các phiên đấu giá quốc tế, mà Sotheby’s cũng từng liên đới (như trường hợp bức Nhà tranh gốc mít nghi giả tranh Nguyễn Văn Tỵ vào tháng 10 năm ngoái). Khi tổ chức "Hồn xưa bến lạ", anh có đề cập vấn đề này?
- Mỗi khi phát hiện ra điều gì bất thường, tôi thường xuyên chủ động trao đổi với Sotheby’s cũng như những nhà đấu giá khác. Vụ việc Nhà tranh gốc mít là một ví dụ cho thấy phản ứng nhanh và tinh thần cầu thị của Sotheby’s, khi họ rút tác phẩm 2 ngày sau khi chúng tôi đồng loạt đăng bài nghi vấn.
Vấn đề thật - giả là vấn đề tiên quyết cho một triển lãm với định vị như thế này. Nên chúng tôi đã lọc ra những tác phẩm vừa có độ tin cậy cao và vừa đi dọc được chiều dài sáng tác của bộ tứ.
Các tác phẩm này đều đã trải qua thảo luận trước đó một hoặc nhiều lượt khi chúng lên các sàn đấu giá trước kia, nên có những trường hợp tôi vẫn phải liên lạc với các bên liên quan để lấy thêm thông tin, hình ảnh xác minh.
Vai trò của tôi lần này khác với các lần trước, không phải ở vị trí phê bình, đối đầu với nhà đấu giá mà là một cầu nối chuyên môn để họ và cộng đồng nghệ thuật Việt Nam đến với nhau theo một phương thức khoa học, mang tính xây dựng hơn.
Và ta cũng lưu ý, câu chuyện thật - giả không phải chỉ là hai lựa chọn nhị nguyên, mà nó là một phổ dựa tên độ tin cậy cao hay thấp. Việc này rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến giá trị bảo hiểm của tranh - đây là một quá trình tôi phải trao đổi và thương thảo rất kỹ lưỡng với cả ba bên: nhà sưu tập, Sotheby’s và phía bảo hiểm.
Sotheby’s cắm lá cờ tiên phong tại thị trường Việt Nam
* Với sự trỗi dậy của dòng tranh Đông Dương trên thị trường, liệu sẽ có sự thành lập một "Sotheby’s Đông Dương" trong tương lai không?
- Với triển lãm này, rất rõ ràng Sotheby’s đang đặt mục tiêu cắm lá cờ tiên phong tại thị trường Việt Nam và họ có đủ tiềm lực, tài nguyên để làm điều đó. Việc làm việc với cố vấn giám tuyển người Việt là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự tôn trọng với quan điểm bản địa trong một thị trường vốn đã và đang là nạn nhân của cả chủ nghĩa thực dân lẫn chủ nghĩa tân thực dân. Tôi tin là Sotheby’s đang đi đúng hướng.
Nếu thị trường Việt Nam đủ lớn, tôi thấy không có lý do gì để Sotheby’s không thành lập một chi nhánh dành riêng cho thị trường chúng ta như họ đã làm với Indonesia hay Thái Lan.
TTO - Chưa kịp mừng với gần 60 tác phẩm nghệ thuật Việt Nam có mặt trong phiên đấu giá của nhà Sotheby’s Hong Kong, người yêu nghệ thuật đã lo lắng trước thông tin La Famille của Lê Phổ bị nghi tranh giả.
Xem thêm: mth.81103439070702202-nol-gnoud-gnod-hnart-mal-neirt-couc-gnort-uut-et-mad-uul-uht-ohp/nv.ertiout