Một góc trưng bày các tác phẩm từ củi lũ của Lê Ngọc Thuận - Ảnh: B.D.
Chúng tôi gọi đó là sự phục sinh, tái sinh và tạo ra một đời sống khác cho củi lũ hay những thứ tưởng chừng như không còn giá trị. Đây là sự sáng tạo, nhân văn của nghệ thuật.
Họa sĩ Lê Thiết Cương
Điều khá thú vị, triển lãm còn có nhiều tác phẩm của một "người ngoại đạo" đang là đầu bếp, doanh nhân, thợ mộc tại Hội An.
Họa sĩ Lê Thiết Cương, người khởi xướng cho ý tưởng chuỗi triển lãm Con giống, cho biết trong bốn người đem tác phẩm đến trưng bày, Lê Ngọc Thuận là "kẻ ngoại đạo".
"Thuận là một đầu bếp, một người kinh doanh tại Hội An. Trước đây tôi chưa biết về Thuận nhưng sau khi được nghe một câu chuyện giới thiệu về anh thì tôi tìm thấy ở con người này một sự sáng tạo đầy tươi mới, có chiều sâu cội nguồn văn hóa nơi vùng đất Hội An mà anh đang sống", ông Cương nói.
Câu chuyện của "nghệ sĩ" đặc biệt này bắt nguồn từ việc nhiều năm trước anh gầy dựng các làng homestay ở biển An Bàng (Hội An), làng này nằm sát bên bờ biển, cạnh cửa sông Thu Bồn.
Lê Ngọc Thuận phát hiện một nguyên liệu vô tận từ rác, củi mục trôi về cửa sông, dạt về các bãi cát. Anh nhặt nhạnh, đưa về rồi lắp ghép để trưng bày trong các homestay làm đồ trang trí theo xu hướng tối giản, thân thiện.
Rồi Thuận ấp ủ làm đồ tái chế từ củi lũ. Hai năm qua, đại dịch COVID-19 khiến công việc kinh doanh của Thuận bị đình trệ. Rảnh rỗi, Thuận ra cửa sông nhặt củi lũ trôi về rồi tỉ mẩn đục đẽo, sơn phết lên thành các đồ dùng khác nhau.
Lúc thì một bức tranh đời sống được làm từ các mảnh gỗ mục, lúc thì những món đồ treo lủng lẳng trên không gian tạo hình như một đàn cá đang bơi dưới đại dương. Thuận làm và thử mở các kênh chuyên về khách nước ngoài để tiếp cận, những món đồ tưởng như đơn giản này bán được giá cao, có tác phẩm khách mua cả ngàn đôla.
Tháng 5 vừa qua, Lê Ngọc Thuận được nhóm Lê Thiết Cương, Lê Minh Trí, Vũ Hữu Nhung mời đưa tác phẩm ra Hà Nội triển lãm và con đường "nghệ thuật" của người đầu bếp, thợ mộc này đi xa hơn.
Thấy khách mua nhiều, được khích lệ, Thuận mở một xưởng mộc, biến 2 nhà hàng của mình thành nơi trưng bày, làm không gian giới thiệu triển lãm, trưng bày đồ mộc tái chế.
Anh vào làng mộc Kim Bồng rồi gọi thanh niên, những người tâm huyết với nghề mộc quay trở lại cầm đục, chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật từ ý tưởng của mình. Thuận đặt tên xưởng mộc của mình thành "Làng củi lũ".
Trả lời vì sao lại "kết nạp" Lê Ngọc Thuận vào dự án Con giống của mình, Lê Thiết Cương nói rằng ở Quảng Nam, Hội An có rất nhiều làng nghề một thời vang bóng, nhưng cái kết chung là đều lịm tắt vì thiếu sáng tạo, thiếu đổi mới và ý tưởng.
Lê Ngọc Thuận dù không qua trường lớp nghệ thuật, chỉ là một thợ mộc, một đầu bếp nhưng trong ý tưởng luôn có sự sáng tạo, đổi mới. Thuận có hướng đi đúng khi tận dụng nét văn hóa đặc trưng của tộc người Cơ Tu Quảng Nam với nét chạm khắc của mộc Kim Bồng, thổi hồn trên một chất liệu rất khác biệt là củi lũ, đồ đã phế bỏ.
Việc đưa triển lãm này về Hội An cũng một phần cổ vũ và khơi dậy sức sáng tạo từ các làng nghề, cho công chúng và người dân ở hạ lưu sông Thu Bồn thấy những thứ quanh đời sống của bà con sẽ tái hiện thành một hình hài sống động, hấp dẫn.
Sau Con giống, nhóm nghệ sĩ còn dự kiến mời các họa sĩ, nghệ nhân các làng nghề khác như dệt lụa, gốm, đúc đồng, mộc... thiết kế các dự án nghệ thuật ra mắt ngay tại Hội An.
TTO - Lãnh sự quán Úc tại TP.HCM vừa khai mạc triển lãm Những cánh cửa Yuendumu tại nhà triển lãm Hải An. Triển lãm diễn ra từ ngày 6 đến 17-7 nhằm giới thiệu văn hóa bản địa Úc với người dân thành phố.
Xem thêm: mth.39212619080702202-ul-iuc-nauht-auc-uul-ueihp-couc/nv.ertiout