Loạt tướng tá chuẩn bị hầu tòa
Tòa án quân sự Quân khu 7 đã có kế hoạch xét xử 14 bị cáo trong vụ án "Buôn lậu", "nhận hối lộ", "tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" và "không tố giác tội phạm" liên quan nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển .
Được biết, các bị cáo nêu trên có liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng dầu từ Singapore về Việt Nam do bị can Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cầm đầu. Hiện, Hữu đang bị Viện KSND tỉnh Đồng Nai truy tố về tội "Buôn lậu".
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong các ngày 12 - 14/7/2022, tại trụ sở Tòa án Quân sự Thủ đô, dưới sự điều hành của Thẩm phán, thượng tá Nguyễn Hồng Phong; 3 sĩ quan thuộc Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
Cựu Thiếu tướng Lê Văn Minh.
14 bị cáo trong vụ án, gồm: Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển) bị truy tố về tội "Buôn lậu", quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự; bị can Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang) bị truy tố tội "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép", quy định tại các Điều 349, 354 Bộ luật Hình sự;
Các bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4); Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3); Lưu Thế Đức (cựu thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển); Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Văn Hùng (cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh); Nguyễn Thanh Lâm (cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng); Lê Văn Phương (cựu thượng tá, cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh) và nhóm thuộc các đơn vị dân sự là Sơn Hoàng Ngự, Phan Thị Xuân, Nguyễn Văn An, Phạm Hồ Hải, bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự;
Riêng bị cáo Cao Phước Hoài (SN 1996, quê Bình Định, là lao động tự do) bị truy tố hành vi "Không tố giác tội phạm" theo Điều 390 Bộ luật Hình sự.
Viện kiểm sát cáo buộc, từ tháng 9/2019 - 2/2021, một số đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển khu vực các tỉnh phía Nam đã xảy ra các sai phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Cựu Tư lệnh nhận gần 7 tỷ của trùm buôn lậu
Trong đó, cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4 - Lê Văn Minh bị cáo buộc "vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn" đã trực tiếp nhận và thông qua vợ con, nhận của "trùm" buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), tổng số tiền 6,9 tỷ đồng. Hữu đưa tiền để được "tạo điều kiện giúp đỡ, bảo kê" cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng trên biển vào nội địa mà không bị bắt giữ, xử lý.
Bị can Phan Thanh Hữu
Cơ quan tố tụng cho biết, tổng số tiền thu được trong quá trình bắt giữ, khám xét và các bị cáo khắc phục hậu quả là hơn 34 tỷ đồng. Cựu thiếu tướng Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh là 2 trong 7 người đã khắc phục xong toàn bộ thiệt hại.
Liên quan đến vụ án, đầu tháng 10/2021, Ban Bí thư cũng xác định cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh với cương vị Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã vi phạm pháp luật trong việc ký các văn bản, hồ sơ để thanh toán chi phí xử lý vụ việc, thuê phương tiện, xăng dầu, gây thất thoát lớn ngân sách Nhà nước; nhận hối lộ.
Còn thiếu tướng Lê Văn Minh với cương vị Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, đã vi phạm pháp luật trong việc ký, phê duyệt các văn bản, hồ sơ xử lý các vụ việc, thuê phương tiện và đề nghị thanh toán, rút tiền từ ngân sách Nhà nước; nhận hối lộ. Cả hai vị tướng nêu trên đều đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Còn bị can Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, bị xác định vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng tài chính, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, buôn lậu và gian lận thương mại.
Ngày 7/7, Viện KSND tỉnh Đồng Nai đã ban hành cáo trạng truy tố Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh), Nguyễn Hữu Tứ, Đào Ngọc Viễn (Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 70 đồng phạm về tội buôn lậu khoảng 200 triệu lít xăng trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng.
Riêng bị can Ngô Văn Thụy (Đội trưởng Đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan) bị truy tố về tội "nhận hối lộ".
Hơn 100 tỷ đồng được công an thu giữ.
Theo cáo trạng, trong quá trình công tác, bị can Thụy phát hiện thông tin có các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam nên tổ chức bắt giữ. Ngày 25/1/2021, Tứ đem phong bì 10.000 USD đến gặp đưa cho Thụy ở nhà hàng TP Cần Thơ xin tạo điều kiện cho các tàu Nhật Minh chở xăng về Mỹ Hòa.
Mấy ngày sau, Tứ bỏ thêm một thẻ ATM trong tài khoản có 100 triệu đồng vào phong bì 10.000 USD tìm đến nhà Thụy ở TP HCM tiếp tục đặt vấn đề bỏ qua Nhật Minh. Tiếp đến Hữu cũng gặp Thụy tại nhà riêng và để lại 500 triệu đồng. Từ đó, Thụy đã làm ngơ cho đường dây buôn lậu của Hữu. Tuy nhiên, Thụy chỉ thừa nhận Hữu, Tứ đến nhà riêng đặt vấn đề biếu quà chứ không thỏa thuận đồng ý cho tiếp tục buôn xăng nhập lậu.
Bị can Nguyễn Thế Anh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cũng bị Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc Phòng khởi tố bị can, tạm giam về tội nhận hối lộ. Thế Anh trước đây công tác tại Ban chỉ đạo 389 Quốc gia có chức năng kiểm tra, bắt giữ các hành vi buôn lậu – hàng giả nên yêu cầu Phan Thanh Hữu phải bán xăng lậu cho "vợ bé" của Thế Anh là Phạm Thị Hương. Hữu đã đồng ý.
Ngoài "vợ bé" của Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thì anh rể của cán bộ này là Lê Hùng Phong cũng tham gia đường dây buôn lậu xăng do Hữu và Tứ cầm đầu.