Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ôm chú chó Akita Inu tặng cho vận động viên đoạt huy chương vàng trượt băng nghệ thuật người Nga Alina Zagitova tại Matxcơva, Nga, ngày 26-5-2018 - Ảnh: REUTERS
Gần 2 năm sau khi rời nhiệm sở, vị lãnh đạo 67 tuổi đã qua đời sau khi bị bắn tại sự kiện vận động tranh cử ở Nara, ngày 8-7.
Ông Abe Shinzo lần đầu trở thành thủ tướng vào năm 2006 ở độ tuổi 52, là người trẻ nhất từng đảm nhiệm công việc này ở Nhật. Tuy nhiên, ông từ chức chỉ một năm sau đó vì được chẩn đoán viêm loét đại tràng.
Tại thời điểm nhậm chức, ông được coi là biểu tượng của tuổi trẻ và sự thay đổi.
"Abenomics"
Cựu thủ tướng Nhật cho hay, tình trạng suy nhược sức khỏe do viêm loét đại tràng cần nhiều thời gian điều trị, nhưng cuối cùng ông đã vượt qua được nhờ sự hỗ trợ của một loại thuốc mới.
Ông Abe ra tranh cử và trở lại chức vụ thủ tướng vào năm 2012, kết thúc một thời kỳ hỗn loạn trên chính trường Nhật khi vị trí này liên tục thay đổi, thậm chí mỗi năm một lần.
Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang rơi vào tình trạng trì trệ trong suốt hai thập kỷ và ảnh hưởng từ trận sóng thần năm 2011, cũng như thảm họa hật nhân Fukushima, ông Abe đề xuất kế hoạch cải cách kinh tế được gọi là "Abenomics".
Kế hoạch phục hồi nền kinh tế Nhật Bản tập trung vào chi tiêu chính phủ, nới lỏng tiền tệ và giảm bớt tình trạng quan liêu - vốn là rào cản cho doanh nghiệp.
Ông Abe cũng tìm cách thúc đẩy tỉ lệ sinh bằng cách làm cho công sở trở nên thân thiện hơn với các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ. Ông thúc đẩy việc tăng thuế tiêu dùng (dù gây tranh cãi) để tài trợ cho nhà trẻ và hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản trong sự kiện vận động cho Tokyo đăng cai Olympic 2020 vào tháng 8-2013 - Ảnh: REUTERS
Nỗ lực chính trị
Trên trường quốc tế, ông Abe có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên và đóng vai trò trung gian giải quyết căng thẳng giữa Mỹ và Iran.
Thời làm thủ tướng, ông duy trì mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời cố gắng hàn gắn quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Kết quả có phần không như ý: ông Trump vẫn buộc Nhật Bản chi tiền nhiều hơn cho quân đội Mỹ đóng tại nước này, thỏa thuận với Nga về các đảo tranh chấp ở phía Bắc vẫn chưa tới đâu, và kế hoạch mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước cũng không thành.
Ông Abe theo đuổi quan điểm cứng rắn với Hản Quốc về các tranh chấp kéo dài từ thời chiến, và tiếp tục thực hiện kế hoạch sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản.
Ban đầu, ông dự kiến tại vị tới cuối năm 2021, nhằm có cơ hội theo dõi sự kiện cuối cùng trong nhiệm kỳ là Thế vận hội Tokyo 2020. Nhưng rồi ông bất ngờ từ chức vào tháng 8-2020, do chứng viêm loét đại tràng tái phát, kết thúc 2.799 ngày tại vị thủ tướng liên tục, lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Thủ tướng Shinzo Abe (giữa hàng trước) cười rất tươi khi mặc áo dài chuẩn bị chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2006 ở Hà Nội - Ảnh: REUTERS
Vị thủ tướng 4 lần thăm Việt Nam
Trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật, ông đã 4 lần thăm chính thức Việt Nam, đất nước mà ông có tình cảm rất đặc biệt.
Ông Abe nhận ra tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ngay trong nhiệm kỳ ngắn ngủi đầu tiên làm thủ tướng vào năm 2006, thể hiện qua việc hai bên nhất trí đưa ra Tuyên bố chung "Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược" trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đến năm 2014, một năm sau khi ông tái đắc cử thủ tướng, hai nước bên đã thiết lập khuôn khổ "Đối tác chiến lược sâu rộng" khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật.
Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Và có thể nói, dấu ấn đậm nét của Nhật Bản xuất hiện trong gần như mọi mặt trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, với những con số ấn tượng.
Chẳng hạn, Nhật Bản là nước tài trợ vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam, là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai tại Việt Nam (lũy kế), là đối tác du lịch thứ ba của Việt Nam, và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Trên trường quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp chặt chẽ trong chương trình nghị sự ở Liên Hiệp Quốc, ASEAN, hợp tác sông Mekong…
Về vấn đề an ninh, Nhật Bản cũng hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả, như hỗ trợ lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam, mà gần nhất là việc xúc tiến dự án giao 6 tàu tuần tra cho Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Abe Shinzo dạo phố cổ Hội An tối 11-11-2017 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng - Ảnh: TTXVN
Việt Nam vinh dự tham gia vào các cơ chế quan trọng G20, G7 ở Nhật cũng có "bàn tay sắp đặt" của Thủ tướng Abe.
Lấy ví dụ, năm 2016, Thủ tướng Abe mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng ở Nagoya. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 42 năm của G7, Việt Nam được mời tham dự G7 mở rộng. Đó là sự công nhận đối với "vị thế nâng cao của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế", theo chia sẻ của Thủ tướng Abe.
Có thể nói, Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Abe Shinzo đã đóng vai trò quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển của Việt Nam trong gian đoạn 2012-2020.
Ông Abe là người nhậm chức trẻ tuổi nhất trong số các thủ tướng Nhật Bản từ sau Thế chiến 2, và là thủ tướng đầu tiên sinh ra sau cuộc chiến này. Ông quay lại làm thủ tướng Nhật Bản thêm một nhiệm kỳ nữa vào ngày 26-12-2012. Tính tới ngày 24-8-2020, ông Abe lập kỷ lục với số ngày tại vị thủ tướng liên tiếp lâu nhất trong lịch sử nước này, cụ thể là 2.799 ngày.
TTO - Đoạn clip trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người đàn ông tiến đến từ phía sau cựu thủ tướng Abe Shinzo và nổ súng. Khói và tia lửa tóe ra, ông Abe đứng vững sau phát thứ nhất nhưng gục ngã trước phát súng thứ hai.