Anh Lã Quang Khanh chèo thuyền thu hoạch sen |
Năm 2016, nhận thấy nhiều hộ dân bỏ hoang những thửa ruộng trũng, thường xuyên bị ngập nước (trước đây vốn canh tác lúa), anh Lã Quang Khanh (SN 1975) mạnh dạn xin thuê lại để trồng sen. Anh Khanh nhờ trưởng thôn tổ chức một cuộc họp đề xuất ý tưởng thuê lại toàn bộ cánh đồng để trồng sen. Lúc đó, nhiều hộ lo ngại mất mốc giới, thay đổi hiện trạng khi anh cải tạo đất nên không đồng ý. Vì thế, anh chỉ thuê được 5ha đất và các thửa lại không liền kề nhau. Tuy đất phân bổ lỗ chỗ nhưng anh vẫn quyết tâm thuê người cải tạo, dọn cỏ, bắt tay vào trồng sen.
“Năm đầu tiên, khi sen nở rộ, tôi và anh em cả ngày đêm hái hoa cho kịp bán. Nhưng hoa cứ hái lên là dần dần chuyển sang màu nâu sẫm, mất hẳn màu hồng của sen. Rồi có những bông cắm đầu xuống, cánh thì rụng lả tả. Lúc này, vợ chồng tôi mới tá hỏa phát hiện đây là giống hoa quỳ, không phải sen”, anh Khanh kể.
Tuy thất bại vụ đầu nhưng anh Khanh không nản chí mà tiếp tục lên mạng tìm hiểu kiến thức về giống sen và cách thức trồng sen. Rồi anh lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều vùng như Hưng Yên, Hà Nam, Sóc Sơn, Tây Hồ (Hà Nội) quyết tâm trồng bằng được loài hoa này. Đồng thời, tại quê nhà anh tiếp tục kiên trì xin thuê đất của những hộ dân lân cận. Ngoài cam kết trả lợi nhuận cao, anh còn cam kết khi có dự án sẽ trả lại đất hoặc đền bù cho người dân. Cánh đồng sen của anh cứ thế được mở rộng, lớn dần lên hơn 50ha.
Những sản phẩm trà sen của HTX đang chờ xuất xưởng |
Sau hai năm dày công chăm sóc, cánh đồng sen của gia đình anh Khanh đã bước đầu gặt hái được thành công. Năm 2018, cánh đồng sen cho doanh thu 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí anh Khanh lãi hơn 300 triệu đồng. Giữa vùng đất trồng hoa ở Mê Linh, anh Khanh được nhiều người tìm đến học hỏi.
Theo anh Khanh, để phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu, anh tổ chức thành lập HTX chuyên về sen. Hơn 10 thành viên tham gia HTX là những người góp đất, công sức... Hiện tại, HTX của anh Khanh đã cho ra khoảng 10 sản phẩm từ sen.
Hiện nay, đầm sen của gia đình anh Khanh trồng 3 loại sen chính là Bách Diệp hồng (chuyên dùng để ướp trà), Bạch Liên trắng và Quan Âm trắng (dùng để cắm). “Mỗi ngày, gia đình chia làm hai ca thu hoạch hoa sen. Cứ khoảng 4h-8h chúng tôi chèo thuyền đi hái hoa rồi đem về ướp trà. Đến chiều tối, gia đình lại đi hái hoa để kịp bán cho thương lái đến tận nơi lấy về bán tại các chợ trung tâm Hà Nội. Mỗi ngày đầm sen của gia đình cho thu hoạch khoảng 15-20 nghìn bông, tính cả vụ đạt trên 1 triệu bông”, anh Khanh nói và cho biết, để kịp tiến độ, gia đình anh thuê khoảng 30 nhân công để thu hoạch. Trung bình mỗi nhân công được trả 300 nghìn đồng/ngày.
Ngoài ra, HTX còn tổ chức cho du khách thăm quan, chụp ảnh tại đầm có thu phí. Để bắt nhịp với xu thế, anh lập facebook riêng để quảng quá cho đầm sen. Tương lai, anh sẽ xây dựng mô hình du lịch sinh thái.
Kim Sơn
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.39654538180702202-nes-gnort-ut-nel-uaig/nv.zibefac