Nhiều ngân hàng đã cạn "room"
Ngay từ cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022 là 14%, tương đương với mức mục tiêu mà cơ quan này đặt ra trước dịch đại COVID – 19.
Dù vậy, cơ quan điều hành cũng nhấn mạnh, con số 14% chỉ mang tính chất định hướng, có thể sẽ được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Theo cập nhật mới nhất của ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN, tính đến ngày 30/6/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 9,35%, so với mức tăng 6,47% cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy nhu cầu tín dụng mạnh mẽ khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Theo đó, nhiều ngân hàng đã dùng gần cạn "room" tín dụng được cấp từ đầu năm, dù mới chỉ qua một nửa quãng đường năm 2022.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng đã đạt 9% trong khi mức tín dụng được cấp cho cả năm là 10%.
Tương tự, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc ngân hàng MB cho biết, đến cuối tháng 4, tín dụng của ngân hàng đã tăng tới hơn 14%, gần chạm chỉ tiêu 15% mà ngân hàng này được cấp hồi đầu năm.
Ngân hàng ACB cũng đạt mức tăng trưởng tín dụng 8% sau 4 tháng đầu năm 2022, dù chỉ tiêu được cấp là 10%. Thực tế sắp cạn "room" diễn ra tương tự tại một loạt các thành viên khác như BIDV, HDBank,…
Nhu cầu vốn lớn của doanh nghiệp, người dân là thực tế, tuy nhiên, với điều kiện hiện tại ở nhiều nhà băng, việc đáp ứng là vô cùng khó khăn. Theo đó, lãnh đạo nhiều nhà băng đã nhiều lần đề nghị NHNN "nới van" tín dụng để đồng vốn có thể đến với khách hàng một cách kịp thời.
Đặc biệt, câu chuyện nới "room" càng trở nên cấp thiết hơn khi các ngân hàng đang gấp rút triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách.
Tuy nhiên, như trên, dù ngân hàng đã sẵn sàng, doanh nghiệp đang "ngóng" vốn, nhưng việc giải ngân thì vẫn phải…chờ.
"Khảo sát của ngân hàng vừa qua cho thấy, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của khách hàng tốt tại BIDV lên tới hơn 14% trong khi ngân hàng chỉ được cấp 10%.
Do đó, chúng tôi rất mong NHNN xem xét sớm nới room tín dụng cho BIDV nói riêng và một số ngân hàng lớn nói chung để chúng tôi có thể thực hiện Nghị định 31 một cách thông suốt, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng", Phó tổng giám đốc BIDV nói tại Hội nghị triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã do NHNN tổ chức hồi cuối tháng 5.
Cũng tại hội nghị trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết, room tín dụng ngân hàng sắp cạn kiệt trong khi dư nợ cho vay các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ lãi suất chiếm tới gần 30% tổng dư nợ ngân hàng với gần 30.000 khách hàng.
Theo đó, lãnh đạo ngân hàng đề nghị NHNN xem xét nới chỉ tiêu tín dụng để chung tay hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
"Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0"
Như trên, nhu cầu giải ngân của doanh nghiệp rất lớn trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng đã cạn khiến nhiều nhà băng không khỏi "sốt ruột".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo ngại tăng trưởng tín dụng quá mạnh sẽ dẫn đến hệ quả nghiêm trọng, có thể xóa bay mọi nỗ lực trong thời gian qua. Điều này càng đặc biệt hơn, khi là sự lên tiếng của "người trong cuộc".
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai hỗ trợ lãi suất 2% tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, năm nay, ngân hàng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 7%, tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã dùng hết gần 6%.
"Trong 6 tháng còn lại của năm, chúng tôi chỉ còn lại vỏn vẹn hơn 1% để tăng trưởng. Đây là bài toán lớn đối với Agribank", ông Ân nói.
Dù vậy, Chủ tịch Agribank khẳng định, ngân hàng sẽ tuân thủ hướng dẫn chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, đồng thời, bày tỏ quan điểm không ủng hộ việc nới mạnh chỉ tiêu tăng tín dụng trong nửa cuối năm.
Lý giải quan điểm này, ông Ân cho rằng, nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, tăng trưởng huy động vốn năm nay không tăng mấy so với năm trước (đến cuối tháng 6 huy động vốn chỉ tăng 4,61%), trong khi tín dụng tăng quá mạnh thì các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất.
Khi tăng lãi suất sẽ khiến cho chi phí cho doanh nghiệp, người dân tăng lên, dẫn đến tăng giá các sản phẩm và từ đó sẽ dẫn đến lạm phát tăng.
"Tôi mong rằng Chính phủ, NHNN sẽ có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp, nếu hy sinh để tăng trưởng thì áp lực lạm phát rất lớn.
Agribank mong rằng không có đột biến quá lớn về tín dụng để không xảy ra cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay, tăng lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0", Chủ tịch Agribank nhấn mạnh.
Hồi đáp về vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, việc tăng tín dụng là một trong những đề xuất quan trọng của các NHTM và NHNN sẽ có những nghiên cứu, xem xét cụ thể.
"NHNN sẽ xem xét, tính toán khối lượng tín dụng năm nay một cách hợp lý để đảm bảo các mục tiêu lớn, trước hết là đáp ứng được mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời, đáp ứng các chỉ số kinh tế vĩ mô, phù hợp với chính sách lãi suất hiện nay cũng như những quan hệ tổng thể khác, đồng thời, tạo dư địa để chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện một cách hiệu quả", Phó thống đốc nói.
Xem thêm: mth.9293808090702202-gnud-nit-nav-hnam-ion-iov-gnohk-ion-gnuc-iam-gnouht-gnah-nagn-hnihc/nv.ahos