Theo Reuters, cơ quan giám sát chống độc quyền Vương quốc Anh đang tiến hành điều tra thương vụ thâu tóm Activision Blizzard trị giá hơn 68 tỷ USD của Microsoft. Động thái này được đưa ra nhằm mục đích xem xét xem liệu thương vụ trên có làm giảm mức độ cạnh tranh thị trường tại Anh hay không. Tuy nhiên, đại diện cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) cho biết kết luận điều tra giai đoạn 1 về thỏa thuận này phải đến ngày 1/9 mới được công bố.
“Chúng tôi cam kết giải đáp các thắc mắc từ giới chức và tin rằng quá trình điều tra kỹ lưỡng sẽ giúp thương vụ này đi đến một thỏa thuận đẹp, mang lại sự tin tưởng và tín hiệu tích cực cho sự cạnh tranh thị trường”, Lisa Tanzi, phó Chủ tịch kiêm cố vấn chung của Microsoft nói, đồng thời bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý sẽ xem xét và kết luận rằng thương vụ này là hợp pháp.
Hiện Activision chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào liên quan đến cuộc điều tra trên. Trước đó, vào ngày 18/1, Microsoft thông báo sẽ tiến hành mua lại Activision với giá 68,7 tỷ USD. Đây được cho là màn thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay của nhà sản xuất phần mềm Microsoft, gần gấp 3 lần so với thương vụ mua lại LinkedIn hồi năm 2016.
Theo ông Bobby Kotick, Activision không thể tự mình cạnh tranh trong thế giới trò chơi mới. “Hãy nhìn các công ty như Facebook, Google, Amazon hay Apple, đặc biệt là các công ty như Tencent. Họ lớn mạnh và chúng tôi nhận ra Activision cần một đối tác để có thể hiện thực hóa mục tiêu của mình".
Thương vụ thâu tóm được kỳ vọng có thể đóng góp phần lớn vào tầm nhìn dài hạn của Microsoft
Trong khi đó, về phần mình, Microsoft hy vọng màn hợp nhất này có thể “mang lại niềm vui và sự thống nhất khi chơi game cho tất cả mọi người”, CEO Microsoft cho biết.
Theo các chuyên gia, thương vụ trên được kỳ vọng có thể đóng góp phần lớn vào tầm nhìn dài hạn của Microsoft: Cạnh tranh trực tiếp với Meta (công ty mẹ Facebook) trong cuộc đua bá chủ vũ trụ ảo metaverse – lĩnh vực vốn được ứng dụng cao trong ngành công nghiệp game. Nhiều người kỳ vọng sự kết hợp này có thể tăng khả năng tiếp cận người dùng và thay thế nhiều hoạt động trực tuyến truyền thống khác.
Theo Reuters, 2 khả năng có thể xảy ra sau cuộc điều tra giai đoạn 1 của CMA: hoặc thỏa thuận giữa 2 ông lớn bị xóa bỏ, hoặc sẽ bước tiếp vào giai đoạn 2 với những công tác điều tra chuyên sâu.
Đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ dính vào bê bối. Hồi cuối tháng 3, Microsoft cũng đã phải đối mặt với cáo buộc hối lộ hàng trăm triệu USD từ Yasser Elabd, một cựu giám đốc của tập đoàn.
Elabd cho biết khoảng thời gian trước đây, khi còn làm việc tại Microsoft trong giai đoạn từ năm 1998 tới 2018, ông đã quản lý một “quỹ đầu tư kinh doanh” - một quỹ chuyên sâu nhằm “củng cố các giao dịch dài hạn” tại Trung Đông và châu Phi. Tại đây, ông nhận thấy những khoản thanh toán bất thường dành cho các đối tác không đủ tiêu chuẩn.
Hồi cuối tháng 3, Microsoft phải đối mặt với cáo buộc hối lộ hàng trăm triệu USD
“Những người có thẩm quyền phía khách hàng sẽ gửi một email đề nghị chiết khấu tới Microsoft. Đa phần các yêu cầu này đều được chấp thuận. Số tiền chiết khấu sau đó sẽ được ăn chia cho các bên theo tỷ lệ: các nhân viên Microsoft tham gia vào kế hoạch, đối tác và một quan chức nào đó có liên quan”, Elabd nêu chi tiết.
Theo: Reuters
http://tintuc.vdong.vn/07/1418524.htm
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.17984129090702202-art-ueid-ib-tfosorcim-auc-mot-uaht-uv-gnouht/nv.zibefac