Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe - Ảnh: EPA-EFE
"Để đảm bảo sự tiếp tục của chính phủ và sự an toàn của tất cả công dân, tôi chấp nhận lời khuyên tốt nhất của lãnh đạo các đảng trong hôm nay nhằm mở đường cho một chính phủ có sự tham gia của mọi đảng phái. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, tôi sẽ từ chức thủ tướng" - ông Ranil Wickremesinghe xác nhận trên Twitter ngày 9-7.
Theo Hãng tin Tass của Nga, ông Wickremesinghe công bố quyết định nói trên sau cuộc họp của lãnh đạo các đảng chính trị do Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena chủ trì.
Sau cuộc họp, ông Harsha de Silva - thành viên Quốc hội Sri Lanka và là một trong những người tham gia cuộc họp - cho biết hầu hết đại diện của các đảng chính trị Sri Lanka đều đồng ý rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nên từ chức.
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka sẽ đảm nhận vị trí tổng thống lâm thời trong thời gian không quá 30 ngày và Quốc hội Sri Lanka sẽ bầu tổng thống cho khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Ngoài ra, cuộc họp đã quyết định chỉ định một chính phủ lâm thời có sự tham gia của mọi đảng phái và sẽ tổ chức bầu cử trong tương lai gần.
Trước đó, cổng thông tin Newsfirst của nước này đưa tin ông Wickremesinghe đã đồng ý từ chức. "Thủ tướng Wickremesinghe đã sẵn sàng từ chức" - Newsfirst tường thuật.
Người biểu tình tụ tập tại Văn phòng tổng thống Sri Lanka ở Colombo, Sri Lanka ngày 9-7 - Ảnh: REUTERS
Ngày 9-7, hàng ngàn người biểu tình xuống đường ở thủ đô Colombo của Sri Lanka, yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức. Họ cũng tìm cách đột nhập vào tư dinh của ông Gotabaya Rajapaksa và của Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.
Tổng thống Gotabaya Rajapaksa được đưa đi lánh nạn khi người biểu tình bao vây tư dinh. Hơn 30 người bị thương trong các cuộc biểu tình.
Theo Hãng tin AFP, cảnh sát cho biết đám đông biểu tình quá khích tại thủ đô Colombo của Sri Lanka đã xông vào đốt tư dinh Thủ tướng Ranil Wickremesinghe.
Trước đó, hồi tháng 6, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe thừa nhận nền kinh tế của Sri Lanka "sụp đổ" sau nhiều tháng thiếu lương thực, nhiên liệu, điện cũng như thậm chí không thể mua dầu nhập khẩu.
Nền kinh tế của quốc đảo này đang chịu áp lực nặng nề do các khoản nợ lớn, doanh thu du lịch sụt giảm, các tác động khác từ đại dịch, giá cả hàng hóa tăng cao.
Thời gian qua người dân Sri Lanka phải xếp hàng dài bên ngoài các trạm xăng mỗi ngày vì nguồn cung xăng khan hiếm, trong khi tình trạng mất điện thường xuyên và lạm phát tăng cao khiến cuộc sống của 22 triệu dân quốc đảo này trở nên khó khăn.
TTO - Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa được đưa đi lánh nạn khi người biểu tình bao vây tư dinh. Đây là một trong những đợt biểu tình lớn nhất tại nước này kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế đẩy hàng triệu người dân vào khó khăn.
Xem thêm: mth.55005702290702202-tam-ib-nan-hnal-nav-gnoht-gnot-cuhc-ut-aknal-irs-gnout-uht/nv.ertiout