Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khai trương Không gian văn hóa Việt - Nhật bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11-2017 - Ảnh: TTXVN
Tôi cảm thấy rất sốc khi hay tin cựu thủ tướng Abe Shinzo qua đời. Ông Abe luôn chú trọng đến việc nâng cao mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, cũng như có rất nhiều đóng góp lớn nhỏ khác nhau nhằm thúc đẩy mối quan hệ Việt - Nhật chặt chẽ, toàn diện, sâu rộng hơn.
Thăm Việt Nam 4 lần
Khi Thủ tướng Abe đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật vào năm 2006, hai nước nhất trí đưa ra Tuyên bố chung "Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược".
Tiếp đó vào tháng 3-2014, Việt - Nhật nâng cấp quan hệ lên mức "đối tác chiến lược sâu rộng" khi Thủ tướng Abe tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Tokyo.
Bên cạnh đó, ông Abe đặc biệt coi trọng việc xây dựng mối quan hệ thân mật, tin cậy, gắn bó và gần gũi với các lãnh đạo Việt Nam. Điển hình vào tháng 9-2015, đích thân Thủ tướng Abe đã chủ trì lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao sang thăm chính thức Nhật Bản với rất nhiều tình cảm đặc biệt.
Ngoại trừ Mỹ, hiếm có quốc gia nào mà cựu thủ tướng Nhật dành sự quan tâm đặc biệt và ghé thăm nhiều lần như Việt Nam chúng ta. Cụ thể, ông Abe đã sang thăm Việt Nam đến 4 lần trong suốt 2 nhiệm kỳ thủ tướng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ký Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 3-2014 - Ảnh: TTXVN
Thời làm thủ tướng, quan hệ kinh tế hai nước đã có những bước phát triển rất quan trọng. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến việc Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, thương mại, du lịch... Đặc biệt, Nhật còn là nhà tài trợ lớn nhất trong viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam.
Suốt 2 nhiệm kỳ thủ tướng, ông Abe đã đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam, đồng thời luôn nỗ lực thúc đẩy sự phát triển quan hệ Việt - Nhật cũng như kề vai sát cánh với chúng ta trong việc nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
Trên thực tế, ông Abe đã rất ủng hộ Việt Nam khi chúng ta đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN và chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cũng chính ông Abe là người đã mời Việt Nam tham dự hội nghị G7 mở rộng năm 2016 và G20 mở rộng năm 2020.
Việt Nam, người bạn nghĩa tình
Đối với riêng Việt Nam, ông Abe luôn thể hiện sự yêu mến và dành tình cảm đặc biệt
cho con người và đất nước chúng ta. Bản thân ông cảm nhận rất rõ tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Nhật Bản.
Ông Abe từng kể một câu chuyện rất thú vị về các lãnh đạo Việt Nam. Theo đó,ông chia sẻ rằng Việt Nam vẫn luôn tiếp đón ông như một người bạn, kể cả trong và sau khi mãn nhiệm chức vụ thủ tướng.
Chính điều này đã cho ông Abe một cảm nhận rằng Việt Nam là một dân tộc sống có trước có sau và rất nghĩa tình. Cũng vì lý do đó, ông đã quyết định chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thủ tướng vào tháng 12-2012.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đón và hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 9-2015 - Ảnh: TTXVN
Khi còn là thủ tướng, ông Abe đã rất nỗ lực để có những ngoại lệ riêng dành cho lãnh đạo Việt Nam. Chẳng hạn, tại Hội nghị G7 năm 2016, mặc dù rất bận rộn đón tiếp các lãnh đạo G7, song ông vẫn dành thời gian cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam tại Tokyo.
Ở thời điểm đó, Việt Nam chỉ tham gia với tư cách khách mời của G7 trong khuôn khổ chuyến thăm không chính thức. Tuy nhiên, đoàn Việt Nam đã được ông Abe phá lệ đón tiếp với bữa cơm rất thân mật.
Đến năm 2017, ông Abe một lần nữa phá lệ khi cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự diễn đàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay với 1.600 doanh nghiệp của hai nước, dù cho trước đó ông chưa bao giờ dự những diễn đàn như thế khi lãnh đạo các nước thăm Nhật Bản. Tại diễn đàn, ông Abe Shinzo đã cam kết đưa quan hệ Việt - Nhật ngày một phát triển sâu rộng hơn nữa.
Một ví dụ nữa cho sự phá lệ của ông Abe dành cho các lãnh đạo Việt Nam đó chính là việc cố thủ tướng Nhật đã dành rất nhiều thời gian cho các chuyến thăm và gặp gỡ với chúng ta. Trên thực tế, Việt Nam đã có đến 2 cuộc gặp cấp nhà nước với Nhật Bản trong vòng 5 năm, đây chính là ngoại lệ chưa từng có. Bởi lẽ mỗi năm Nhật Bản chỉ đón tiếp 2 chuyến thăm cấp nhà nước.
Trong các chuyến thăm và cuộc hội đàm của ông Abe với các lãnh đạo Việt Nam, ông cũng thể hiện tình cảm rất thân mật thông qua việc ông đã đi từng bàn để chào từng vị khách của Việt Nam.
Thêm vào đó, thời điểm mới bùng phát đại dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản dưới thời ông Abe cũng đã có những sự hỗ trợ rất nhanh chóng về các trang thiết bị y tế cho Việt Nam bên cạnh nhiều thứ khác.
Và một điều không thể không nhắc đến là chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Nhật hoàng và hoàng hậu đến Việt Nam cuối tháng 2-2017. Đây là một sự kiện đặc biệt, bởi lẽ nếu không có sự cho phép và hỗ trợ từ phía Chính phủ Nhật Bản thì chuyến thăm lịch sử này không thể diễn ra được.
Bức thư cảm ơn đáng nhớ
Trong thời gian là đại sứ tại Nhật, tôi đã từng rất nhiều lần đề xuất lên Văn phòng Thủ tướng Abe về vấn đề tiếp các đoàn lãnh đạo Việt Nam và lần nào cũng đều nhận được những phản hồi rất tích cực.
Bản thân tôi rất cảm động khi nhận được bức thư cảm ơn từ ông Abe với những đóng góp trong việc xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ hai nước khi tôi còn là đại sứ tại Nhật Bản.
TTO - Người dân Việt Nam và những ai yêu mến, tiếc thương cố Thủ tướng Abe Shinzo có thể đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội trong hai ngày 11 và 12-7 để viết sổ tang, theo thông báo của Đại sứ quán Nhật vào chiều 9-7.
Xem thêm: mth.73200829190702202-eba-gno-auc-man-teiv-iov-teib-cad-neyud-gnoul-iom/nv.ertiout