Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tại Hà Nội - Ảnh: CACC
Nhằm hạn chế tình trạng lái xe say xỉn gây mất an toàn giao thông, mới đây cảnh sát giao thông tại một số địa phương đã đề nghị chủ hàng quán báo tin cho cảnh sát giao thông khi khách say xỉn lái xe.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho hay việc cảnh sát giao thông đề nghị chủ quán báo tin khi khách say xỉn lái xe là chủ trương tốt, có tính khả thi cao.
Theo phân tích của ông Tạo, các chủ quán dù muốn bán nhiều hàng, rượu bia nhưng cũng không hề thích thú việc đón tiếp những khách hàng đến uống rượu bia say mèm rồi có các hành vi không chuẩn mực, gây mất an toàn.
"Thực tế chủ quán sẽ không bao giờ báo cho cảnh sát giao thông tất cả những người uống rượu bia ở đó. Nhưng với một số người say xỉn quá mức dù được khuyên can, dùng các biện pháp khác song không nghe, vẫn đòi lái xe về thì báo cảnh sát giao thông để xử lý là hợp lý và chủ trương này rất hay", ông Tạo nêu.
Ông cho rằng việc chủ quán báo như vậy có thể ảnh hưởng đến lượng khách tới quán nhưng không nhiều, bởi trong 100 khách đến uống rượu bia có thể chỉ 1 - 2 khách uống say mèm, không kiểm soát được, đòi lái xe về.
"Nếu chủ quán mất đi một vài phần trăm thu nhập nhưng sau này thu nhập an toàn, không bị áy náy vì khách đến uống say rồi lái xe gây tai nạn thì rõ ràng người ta hoàn toàn có thể chấp nhận được", ông Tạo chỉ rõ.
Đối với một số lo ngại chủ quán có thể bị trả thù, ông Tạo khẳng định điều này sẽ khó có thể xảy ra khi cảnh sát giao thông phải đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối nguồn tin tố giác hành vi vi phạm.
Đồng thời, ngoài chủ quán, các cơ quan chức năng còn khuyến khích mọi người dân khi phát hiện hành vi vi phạm có thể chụp ảnh, gửi video, âm thanh về các đơn vị đảm bảo an toàn giao thông để tiến hành xử lý, phạt nguội...
Ông nhấn mạnh: bên cạnh việc báo cho cảnh sát giao thông thì các hàng quán cần nhân rộng dịch vụ đưa khách say xỉn về nhà hay chủ động gọi xe taxi, công nghệ, gọi người thân của khách đến đón...
Ông Vũ Ngọc Lăng, nguyên vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cũng nêu trước khi nghĩ đến việc báo cảnh sát giao thông xử phạt, các chủ hàng quán cần đặt an toàn của khách hàng lên hàng đầu.
Trong đó cần có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở với khách sau khi uống rượu bia không được lái xe về nhà. Cụ thể, có thể gọi điện nhờ người thân, bạn bè đến đón hoặc gọi taxi đưa khách về nhà, ngoài ra, cũng nên bố trí nhân viên lấy xe của khách rồi đưa khách về tận nhà...
"Chủ quán chỉ nên báo cho cảnh sát giao thông những trường hợp cố tình bỏ qua khuyên can, giúp đỡ, không nên cứ lừa cho khách uống say, không có biện pháp gì rồi báo để phạt", ông Lăng nêu.
Còn ông Nguyễn Nhật Huy, chủ một nhà hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội), bày tỏ ủng hộ chủ trương trên của cảnh sát giao thông vì việc này nhằm đảm bảo an toàn của khách hàng.
Ông Huy nói việc khách đến ăn, uống rượu bia là điều không thể tránh khỏi và với khách có cồn trong người, quán có nhiều cách xử lý khác nhau như gọi xe taxi, xe công nghệ cho hay nhờ người thân đến đón.
Bên cạnh đó, với những khách quen, tin tưởng, nhân viên có thể lấy xe đưa khách về tận nhà. Do đó trường hợp khách say xỉn rồi tự lái xe về không xảy ra tại đây.
Một chủ nhà hàng ở Thanh Xuân (Hà Nội) lại chỉ ra thực tế những hàng quán lớn thường hỗ trợ khách hàng say xỉn như bắt xe hay dịch vụ đưa về nhà, nhưng các quán bia, quán nhậu nhỏ, vỉa hè... ít hỗ trợ khách.
Nhiều khách uống say xỉn ở các quán này xong vẫn lái xe về nhà, tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn, do đó cảnh sát giao thông cần chú ý nhiều hơn đến các nơi này và có biện pháp xử lý phù hợp.
Thăm dò ý kiến
Để hạn chế khách vào quán uống say xỉn và lái xe ra về, theo bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
TTO - Với đề nghị chủ quán nhậu thông báo cho cảnh sát giao thông biết xử lý các trường hợp sử dụng rượu bia cố tình lái xe, đã có nhiều ý kiến về việc này.