“Bầu” Kiên với tập đơn kháng cáo dày 118 trang để chối tội(!) Xử sơ thẩm vụ "bầu" Kiên: Tiếp tục cãi "bay cối đá"!
Những thành tích, chiến công tiêu biểu, đặc biệt xuất sắc trong công tác đấu tranh với chuyên án, điều tra khám phá các vụ trọng án đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng CSND, xứng đáng với danh hiệu "Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ".
Báo CAND trân trọng khởi đăng một số chuyên án trong 60 chuyên án điển hình, tiêu biểu của lực lượng CSND được Bộ Công an lựa chọn, tập hợp trong giai đoạn 10 năm qua.
Với những chiêu trò "ma quái" thành lập các công ty sân sau nhằm thổi giá, mua đi bán lại cổ phần, Nguyễn Đức Kiên (còn được biết đến với tên gọi "bầu Kiên"), nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) đã thâu tóm hàng loạt ngân hàng. Chuyên án bắt giữ "bầu Kiên" được xem là điển hình cho tinh thần chủ động, sáng tạo, hiệu quả… của Bộ Công an, góp phần bình ổn thị trường tiền tệ, giúp kinh tế - xã hội của đất nước phát triển ổn định, bền vững.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên nghe tòa tuyên án.
Những chiêu trò lũng đoạn hệ thống ngân hàng
Nhớ lại năm 2011, khi đó thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng tại Việt Nam là điểm nóng của nền kinh tế, thể hiện qua mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức rất cao. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 17-19%/năm, có nhiều khoản vay với lãi suất còn lên tới 20%/năm. Lãi suất thị trường liên ngân hàng có thời điểm còn lên tới trên 30%/năm. Với mức lãi suất trên, người dân xếp hàng dài rút tiền từ tài khoản của ngân hàng này sang gửi ngân hàng khác để lấy lãi suất cao hơn, khiến hệ thống ngân hàng luôn căng thẳng về thanh khoản.
Qua nắm bắt tình hình, lực lượng Công an xác định tỷ giá thường xuyên biến động, thị trường ngoại tệ tự do tồn tại công khai, có sự chênh lệch lớn giữa tỷ giá chính thức và thị trường tự do. Người dân mua gom ngoại tệ để cất giữ và trao đổi, thanh toán gây ra tình trạng "đô la hóa" trong nền kinh tế. Thị trường vàng với mức tăng chóng mặt lên từng giờ, từng ngày, ở nhiều thời điểm giá vàng trong nước "bỏng rẫy". Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước rất cao. Tình trạng bong bóng bất động sản xảy ra trong thời gian dài khiến nợ xấu tăng cao, nền kinh tế khó khăn, vốn cho sản xuất kinh doanh thiếu trầm trọng. Hàng loạt doanh nghiệp vay không được dẫn tới giải thể, phá sản...
Đầu năm 2012, qua công tác nắm tình hình, Bộ Công an nghi vấn Nguyễn Đức Kiên và các đại gia ngân hàng khác bằng thủ đoạn cho doanh nghiệp "sân sau" vay vốn trái quy định dưới hình thức mua bán, phát hành trái phiếu để rút tiền từ các ngân hàng như: ACB, Eximbank, VietBank… rồi đầu tư "chéo" mua cổ phần của ngân hàng khác tạo thành mạng lưới sở hữu, vay mượn chằng chịt, tinh vi và rất phức tạp. Với thủ đoạn trên, chỉ trong một thời gian ngắn, Kiên và những đối tượng có liên quan đã nắm giữ cổ phần và thâu tóm, chi phối hàng loạt ngân hàng như: Vietbank, Ngân hàng ACB, Ngân hàng Đại Á, Kienlongbank, Eximbank, Sacombank…
Theo đánh giá của các chuyên gia, với thủ đoạn trên và nếu không bị ngăn chặn, đến khoảng những năm 2018-2020, Kiên và đồng bọn sẽ chi phối toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, trong đó vai trò của Nguyễn Đức Kiên như là kẻ cầm đầu, có uy quyền sai khiến và chi phối những "nhóm khác" làm theo ý mình. Đối tượng triệt để lợi dụng những kẽ hở của luật pháp để kiếm tiền bằng mọi giá, chi phối, phá hoại thị trường tiền tệ Việt Nam. Trước những thông tin trên, đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Cảnh sát và Cục Cảnh sát Kinh tế (nay là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu) xác minh, làm rõ những sai phạm của Nguyễn Đức Kiên. Một tổ công tác đặc biệt được Cục Cảnh sát kinh tế thành lập, tập trung tối đa thời gian, công sức để dựng lên bức tranh toàn cảnh về hoạt động của "bầu Kiên" trong thị trường tiền tệ, tài chính ngân hàng.
Trả lại giá trị thật cho thị trường tiền tệ
Năm 1994, Nguyễn Đức Kiên cùng với một số cổ đông sáng lập Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB). Từ năm 1994-2008, Kiên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng ACB và có thời gian giữ chức Tổng Giám đốc của ngân hàng này. Năm 2008, Kiên chủ động rút khỏi các vị trí trong HĐQT và thành lập "Hội đồng sáng lập" của ngân hàng ACB với 6 thành viên do Kiên làm Phó Chủ tịch.
Ngoài ra, Kiên còn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB có chức năng giúp cho HĐQT Ngân hàng ACB thực hiện thẩm định các dự án đầu tư. Do Kiên và những người thân của mình nắm giữ rất nhiều cổ phiếu của Ngân hàng ACB nên Kiên vẫn giữ nguyên ảnh hưởng, quyền lực và gián tiếp điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng ACB. Hầu hết các "ông chủ" ngân hàng, "đại gia" chứng khoán đều nể ngại Kiên.
Nguyễn Đức Kiên còn thành lập nhiều công ty "sân sau" và bằng ảnh hưởng của mình chỉ đạo Ngân hàng ACB cho các công ty này vay tiền thông qua hình thức mua trái phiếu. Kiên dùng tiền bán trái phiếu và tiền vay được mua cổ phiếu của các ngân hàng khác… Sau đó, Kiên lại chỉ đạo đem cổ phiếu mua được thế chấp ngân hàng khác nữa để tiếp tục vay tiền. Cứ như vậy đối tượng Kiên đã đầu tư chéo, tạo vốn ảo, rút vốn thật ngân hàng này đầu tư vào ngân hàng khác và ngược lại, tạo nên quan hệ chằng chịt trong các ngân hàng mà Kiên thao túng.
Sau thời gian tập trung các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án đã xác định rõ những hành vi vi phạm của Nguyễn Đức Kiên. Kiên đã chỉ đạo 3 công ty gồm: Công ty Cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội phát hành trái phiếu. Trong phương án phát hành ghi tiền bán trái phiếu dùng để đầu tư vào các định chế tài chính, doanh nghiệp (giấy phép kinh doanh của công ty không có chức năng này). Sau đó, Kiên dùng ảnh hưởng của mình "chỉ đạo" Ngân hàng ACB mua số trái phiếu trên với tổng số tiền 2.450 tỷ đồng (thực chất là đẩy vốn ảo vào ngân hàng và rút vốn thật ra vì nếu chào bán trên thị trường số trái phiếu này sẽ không ai mua). Số tiền này Kiên dùng mua cổ phần của các ngân hàng thương mại khác như VietBank, Đại Á, Kiên Long và cả ngân hàng ACB để tăng vốn sở hữu nhằm mục đích thâu tóm. Hành vi của Kiên trái với quy định của pháp luật rất nghiêm trọng.
Kiên cũng thành lập 5 công ty do Kiên làm giám đốc, là người đại diện pháp luật hoặc đứng sau điều hành. Mặc dù không đủ điều kiện vay vốn vì tình hình tài chính yếu kém, mục đích vay không rõ ràng, phương án kinh doanh không khả thi nhưng bằng ảnh hưởng của mình, Kiên vẫn ép được Ngân hàng ACB Chi nhánh Hà Nội và Thăng Long cho 5 công ty trên vay với tổng số tiền 3.543 tỷ đồng. Ngày 20/8/2012, Ban Chuyên án đã tổ chức lực lượng, phương tiện tiến hành phá án. Kết quả đã khởi tố vụ án, khỏi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Kiên về tội danh "Kinh doanh trái phép" sau đó khởi tố thêm nhiều tội danh khác nhau.
Thành công của việc đấu tranh chuyên án đã minh chứng sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế; cho dù kẻ phạm tội là ai vẫn sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ. Kết quả của chuyên án cũng là tiếng chuông cảnh báo các ngân hàng thương mại cổ phần phải hoạt động theo đúng pháp luật. Thành công của chuyên án cũng đã giúp cho thị trường tiền tệ trở về giá trị thật, nhờ đó trong những năm 2013-2014, thanh khoản trên thị trường được cải thiện nhanh chóng, các ngân hàng dần giảm được lãi suất huy động và lãi suất cho vay; căng thẳng về vốn không còn, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh hồi phục. Thành công của chuyên án được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ, củng cố vững chắc, đặt trọn niềm tin vào lực lượng CAND trong nhiệm vụ bảo đảm ANCT, TTATXH, uy tín của lực lượng Cảnh sát kinh tế được nâng cao rõ rệt.
Quá trình đấu tranh chuyên án, Cơ quan CSĐT đã chỉ ra một loạt sơ hở trong cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội, qua đó kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, như: Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lại cơ chế không để các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thành lập công ty tài chính hoặc góp vốn tham gia quản trị ngân hàng thương mại cổ phần, đầu tư, sở hữu chéo ra ngoài ngành, hay sở hữu chéo ngân hàng này với ngân hàng khác, góp phần minh bạch thị trường tài chính, tiền tệ.
Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 thay thế Nghị định 52/2006/NĐ ngày 19/5/2006 tạo cơ sở pháp lý tăng cường giám sát và thắt chặt các quy định đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kết quả đấu tranh chuyên án cũng đã cung cấp nhiều dữ liệu quan trọng để Chính phủ cấu trúc lại nền kinh tế, xây dựng Đề án "Cấu trúc lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015", tạo nên một thị trường tài chính, tiền tệ ổn định như hiện nay, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
Xem thêm: mth.41564418011702202-neik-uab-an-tam-tal-hnirt-hnah-1-yk/nv.ahos