Nguyễn Chung (30 tuổi, Sài Gòn) hiện đang là 1 blogger toàn thời gian chuyên chia sẻ về du lịch, trải nghiệm và phong cách sống, cho biết định nghĩa về nhà với anh chàng khi còn trẻ: "Trước đây, mình không có một ngôi nhà tử tế để về sau những chuyến đi xa. Khi còn trẻ, nhà với mình chỉ là chỗ ngủ vài tiếng qua đêm!" .
Nhưng sau nhiều năm nghiện việc - nghiện du lịch - nghiện trải nghiệm mới, cuối cùng Chung cũng ý thức được có 1 căn nhà thuộc về mình mang ý nghĩa lớn chừng nào. Nhà bây giờ với Chung không chỉ là chốn để về, mà còn là kế hoạch giúp anh chàng đến gần hơn mục tiêu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm trước năm 45 tuổi.
Chung tiết lộ: "Mình đã quyết định mua căn nhà đầu tiên vào đúng năm 30 tuổi, sớm hơn dự định khoảng 3 năm. Đây là cột mốc lớn trong đời mình, đánh dấu 1 chương mới trong bài học quản lý tài chính cá nhân." Chung cũng chia sẻ thêm rất nhiều quan điểm hay về chuyện nhà cửa, đan xen là những tips quản lý tài chính cá nhân để đến gần hơn mục tiêu nghỉ hưu sớm.
Nhà của Chung (Ảnh: NVCC)
Cùng trò chuyện với Chung để rõ hơn về những quan điểm của anh chàng nhé!
Chào Chung, lý do gì khiến bạn quyết định mua nhà vào năm 30 tuổi thế?
Từ hồi mới ra trường, công việc bận rộn đến mức khiến mình lúc nào cũng trong tình trạng vắt chân lên cổ mà chạy. Chính điều này khiến mình quen với việc tiện đâu ăn đấy, tiện đâu ngủ đấy, nhiều hôm còn ngủ lại cả công ty để kịp chạy tiến độ công việc. Mình đi công tác như cơm bữa, dăm ba ngày lại ngủ khách sạn là chuyện thường. Rồi cứ mỗi khi có thời gian rảnh, mình lại xách vali lên và đi.
Cho đến khi đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của mình bị đảo lộn, công việc làm tại nhà nhiều hơn bao giờ hết. Ở trong không gian nhà thuê nhiều khiến mình bí bách và bực bội vô cớ. Thời gian đó, mình lôi lại lại bảng kế hoạch đã lên từ khi mới ra trường: Mục tiêu cụ thể là mua nhà năm 33 tuổi, nghỉ hưu sớm năm 45 tuổi. Nhưng nhìn đi, suốt những năm vừa qua mình đâu thực hiện kế hoạch này một cách tỉ mỉ đâu cơ chứ.
Thế là khi bước sang 30 tuổi, mình quyết định mua căn nhà đầu tiên, sớm hơn dự định khoảng 3 năm.
Căn nhà bao gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, và 1 phòng vệ sinh. Diện tích căn nhà tuy không lớn nhưng đủ để 1 chàng trai độc thân như Chung sống thoải mái (Ảnh: NVCC)
Giữa đại dịch mình đi xem nhà, lúc đó cũng chưa nghĩ đến chuyện mua nhà để đầu tư, chỉ đơn giản là mua nhà. Và rồi, mình chốt luôn căn nhà hiện tại, giá khi đó là 1,8 tỷ đồng chưa bao gồm nội thất, trả trước 30% hợp đồng. Dù có khả năng trả nguyên 1 cục, nhưng mình vẫn chọn cách trả trước 600 triệu đó, và giữ phần còn lại để trả góp.
Theo bạn, khi còn trẻ thì nên mua nhà hay thuê?
Quan điểm của mình rõ ràng lắm, đương nhiên là mua nhà. Mình cũng có nói, ngay từ khi ra trường, mình đã có kế hoạch mua nhà. Riêng với bản thân, việc mua nhà đánh dấu 1 trang mới trong quản lý tài chính cá nhân của mình. Nhưng mình nghĩ nên xác định thời điểm thích hợp cho việc mua nhà. Không ai quy định bạn phải mua nhà vào năm 20 tuổi, 30 tuổi hay 40 tuổi cả. Tất cả đều do bạn, hãy lựa chọn đúng thời điểm phù hợp với mình nhất, và rồi sau đó, lên một kế hoạch hoàn hảo cho việc này. Hơn nữa, bài toán mua nhà và quản lý tài chính cá nhân nên được cân nhắc song song nhau.
Ảnh minh hoạ
Khi mua nhà, mình vui 1 nhưng ba mẹ vui 10. Khi đó, ít nhất ba mẹ biết được chính xác: "Con mình ở đâu trong cái thành phố cách quê nhà hàng trăm km này?". Có được căn nhà của riêng mình, mỗi khi ba mẹ muốn ra thăm, cũng sẽ có chỗ cho họ ở thay vì khách sạn hay nhà nghỉ như mọi khi.
Bạn quản lý tài chính cá nhân thế nào để mua được nhà vào năm 30 tuổi, và tiến gần hơn tới mục tiêu độc lập tài chính - nghỉ hưu sớm?
Việc quan trọng nhất mình nghĩ là học cách đặt mục tiêu cụ thể. Sau đó là đến các bước: Tiết kiệm - Cân đối chi tiêu - Phân bổ dòng tiền - Và tập làm quen với món nợ lớn.
Trên thang điểm 10, mình chấm cho việc tiết kiệm 5 điểm, và cân đối thu chi 5 điểm. Tiết kiệm luôn đi đôi với cân đối thu chi. Một trong những kết quả mình rút ra được: Hãy tiêu tiền cho những thứ xứng đáng, nó vừa giúp bạn tiết kiệm, lại vừa giúp bạn có đồ "xịn" để xài. Khi xài đồ xịn, cuộc sống sẽ bớt đi những bực mình không đáng có, như kiểu đồ đạc cần thay mới nhanh hơn, hoặc đang dùng lại hư giữa chừng chẳng hạn.
Tiếp đến là 1 kế hoạch tài chính cụ thể. Với mình, từ khi mới đi làm, mình học cách ghi chép lại tất cả những khoản chi tiêu, sau đó tiến hành phân bổ dòng tiền. Nhiều năm thực hiện, mình đã có được con số cụ thể phù hợp với tình hình tài chính của mình nhất:
20-30% (thu nhập): Dành cho nhu cầu cần thiết trong cuộc sống: Ăn, uống, di chuyển, điện nước, điện thoại,...
10-15% (thu nhập): Các chi tiêu đáp ứng sự tiện nghi cho cuộc sống như mua sắm quần áo, xã giao, lễ nghĩa,...
Hơn 40% (thu nhập): Tiết kiệm cho quỹ tài chính cá nhân
5-15% (thu nhập): Đầu tư phát triển bản thân
Sau khi mua nhà, bài toán tài chính cá nhân của mình có thêm thay đổi nhỏ. Đó là trong khoản tiền > 40% tiết kiệm kia, mình cần trích ra 1 khoản để trả nợ. Một trong những bước đầu tiên để tiến tới độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm đó là phải trả hết nợ. Vậy nên, mình đã lên 1 kế hoạch cụ thể cho việc trả nợ.
Trước hết, kế hoạch trong 3 năm tiếp theo của mình, sẽ là trả hết tiền nợ nhà. Để làm được điều này, mình phải chia đôi 40% tiết kiệm: 20% trả nợ và 20% để đầu tư. Chỉ khi trả hết nợ rồi, mình mới có thể dồn lực để tiến tới mục tiêu nghỉ hưu sớm trước năm 45 tuổi được.
Cảm ơn Nguyễn Chung vì những chia sẻ!
https://kenh14.vn/mua-nha-nam-30-tuoi-de-nghi-huu-som-chang-trai-va-bai-hoc-hay-tieu-tien-cho-thu-xung-dang-20220704102508919.chnTheo Trang Mint
Trí Thức Trẻ