Bị cáo Nguyễn Đức Chung (giữa) và hai bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: GIANG LONG
Chiều 11-7, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ án "tiếp tay" cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu số hóa hồ sơ, dữ liệu của Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội các năm 2016 và 2017.
Tòa cũng xem xét kháng cáo của bà Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh văn phòng Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội) và bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và đầu tư).
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung giữ nguyên quan điểm, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm để có quyết định "thấu tình đạt lý".
Bị cáo Nguyễn Đức Chung cho hay sau khi nhận bản án sơ thẩm và nghiên cứu, bị cáo này đã có bản giải trình dài gần 60 trang để gửi tòa cấp phúc thẩm.
Ngoài ra, các luật sư cũng thu thập thêm nhiều tài liệu chứng minh, gỡ tội cho bị cáo Chung; nhiều tài liệu về nhân thân làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt để gửi hội đồng xét xử, mong xem xét khách quan vụ án.
Hai bị cáo còn lại mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Hội đồng xét xử thẩm vấn hai nữ bị cáo trước, ông Chung được thẩm vấn sau cùng.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Tuyến cho biết gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp năm 2016 do Sở Kế hoạch và đầu tư làm chủ đầu tư, trước khi mở thầu đã có 6 doanh nghiệp mua hồ sơ tham gia. Thời điểm này Công ty Nhật Cường chưa tham gia đấu thầu.
Tuy nhiên trước khi mở thầu khoảng một tiếng, tại cuộc họp giao ban, ông Nguyễn Văn Tứ - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư - bất ngờ thông báo dừng gói thầu. Theo bị cáo Tuyến, ông Tứ có nói đây là chỉ đạo từ chủ tịch UBND TP Hà Nội.
"Bị cáo chỉ nhớ có sự chỉ đạo dừng thầu, nghe trực tiếp từ anh Tứ tại cuộc họp giao ban, chứ không biết lý do vì sao. Sau khi nghe điện thoại thì giám đốc nói chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo dừng thầu… Tại thời điểm đó, bị cáo nhận thức chỉ đạo của chủ tịch cũng giống như yêu cầu của cơ quan cấp trên", bị cáo Tuyến phân trần.
Tương tự, bị cáo Hường cũng khẳng định trước khi mở thầu "mọi thứ đã sẵn sàng", nhưng giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư bất ngờ yêu cầu bà lên họp cùng lãnh đạo. "Tại cuộc họp này, ông Tứ yêu cầu dừng gói thầu, không mở nữa theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP Hà Nội", bà Hường khai.
Khi được hỏi việc dừng thầu có đúng quy định không thì cả hai bị cáo đều biện minh rằng trong luật không có nội dung quy định rõ chi tiết về việc dừng thầu, nên nhóm cán bộ của Sở Kế hoạch và đầu tư đã vận dụng những quy định khác và gửi thông báo cho các doanh nghiệp về việc dừng thầu.
Bị cáo Phạm Thị Thu Hường khai đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong vụ án, nhưng cho rằng bản thân chỉ làm theo chỉ đạo của lãnh đạo sở, vì "chủ tịch chỉ đạo".
Bị cáo khẳng định trong vụ án này mình "không được lợi gì" nên băn khoăn về việc phải bồi thường một phần số tiền thiệt hại do Nhật Cường gây ra.
"Bị cáo có lỗi, có trách nhiệm bồi thường, nhưng bị cáo phải bồi thường quá nặng, quá khả năng khắc phục nên đề nghị hội đồng xét xử xem xét lại cho bị cáo", bị cáo Hường nói.
Sau khi dừng thầu thì Công ty Nhật Cường được giới thiệu để làm thí điểm việc số hóa dữ liệu.
Quá trình mở thầu lại, Công ty Nhật Cường được tham gia nhưng bố trí "quân xanh" bỏ giá cao hơn nên trúng thầu. Tuy nhiên công ty này không thực hiện gói thầu mà "bán cái" lại cho Công ty Đông Kinh để hưởng lợi bất chính hơn 19 tỉ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu khiến mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, khi chỉ có 45% tài liệu được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hành vi sai phạm của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.
Cuối chiều nay Tòa phúc thẩm sẽ thẩm vấn ông Nguyễn Đức Chung.
TTO - Sau khi bị tòa sơ thẩm cáo buộc “tiếp tay” cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, ông Nguyễn Đức Chung có kháng cáo kêu oan đề nghị xem xét lại toàn bộ bản án. Đây là lần thứ 5 ông Chung hầu tòa trong 3 vụ án.