Ngày 11-7, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Đại sứ quán Pháp tổ chức hội thảo hợp tác Việt Nam- Pháp về thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Hội thảo với sự hỗ trợ của tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty điện lực Pháp (EDF), Công ty Luật Hogan Lovells, tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), Tập đoàn T&T và đoàn doanh nghiệp Pháp gồm 10 công ty hoạt động trong lĩnh vực điện và năng lượng.
Hội thảo tổ chức nhằm mục tiêu mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam trong các lĩnh vực của ngành điện: Sản xuất, phân phối và tích trữ năng lượng, trong đó có công nghệ hydrogen.
Tại hội thảo, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết: Hiện nay Việt Nam là một đất nước có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, điều này này thể hiện qua nhu cầu tiêu thụ điện tăng từ 8 – 10% mỗi năm.
Điều này đòi hỏi phải tăng gấp đôi công suất điện trong thời gian là một thập kỷ sắp tới. Thế giới hiện nay đang đối mặt thách thức về môi trường và năng lượng, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải giảm lượng khí thải carbon.
“Tôi xin khẳng định là nước Pháp cùng với những doanh nghiệp của mình luôn sẵn sàng và đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam để có thể cùng học hỏi, trao đổi lẫn nhau và cùng vượt qua thách thức về môi trường và năng lượng”- ông Nicolas Warnery nói.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn điện lực Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NC |
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ: Trong giai đoạn 10 năm 2011-2020, nhu cầu điện năng của Việt Nam tăng trưởng rất cao, bình quân gần 10%/năm. Để đáp ứng nhu cầu điện, quy mô nguồn điện Việt Nam đã đầu tư công suất lên từ 20.600MW năm 2010 lên 69.300MW năm 2020.
Tại Hội nghị ngày 1-11-2021 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã cam kết “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.
Với các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam, EVN có cơ sở và điều kiện để từng bước thực hiện chuyển dịch năng lượng một cách sâu rộng, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và phát thải thấp.
“Đối với các doanh nghiệp Pháp, EVN đã thiết lập, phát triển và duy trì mối quan hệ hợp tác với EDF từ những năm 2000, gần đây hai bên cũng đã tăng cường hợp tác bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ 2017 và 2020. EVN hy vọng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với EDF và các doanh nghiệp khác của Pháp để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng của EVN trong thời gian tới”- ông Nguyễn Tài Anh nói.
EVN xác định định hướng chiến lược chuyển dịch năng lượng như sau:
Tính toán tối ưu, lựa chọn tỉ lệ phù hợp với các loại hình nguồn điện. Bên cạnh việc phát triển các loại hình nhà máy nhiệt điện khí dùng khí tự nhiên hóa lỏng và các nguồn điện năng lượng tái tạo. EVN chú trọng nghiên cứu cập nhật các công nghệ ứng dụng các nguồn nhiên liệu mới ít phát thải khí nhà kính như hydro xanh…
Tập trung phát triển hệ thống lưới điện truyền tải giải tỏa công suất đồng bộ với lộ trình đầu tư nguồn điện đến năm 2045. Nghiên cứu các giải pháp công nghệ, hiện đại hóa, nâng cao năng lực của hệ thống truyền tải, giảm tỉ lệ tổn thất lưới điện truyền tải và phân phối. Phát triển lưới điện thông minh kết hợp với xây dựng thị trường dịch vụ phụ trợ cho nguồn và phụ tải điện nhằm nâng cao tính linh hoạt vận hành lưới điện.
Tăng cường phát triển hệ thống lưới điện liên kết với các nước trong khu vực với mục tiêu thực hiện trao đổi , mua bán điện linh hoạt giữa các nước nhằm tận dụng hết các lợi thế về các loại hình nguồn điện của từng nước…