Sở GTVT TP.HCM cho biết từ ngày 1-7, các bến xe trên địa bàn TP.HCM đã triển khai in hóa đơn và vé xe điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2021 và Thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, sau hai tuần thực hiện, nhiều nhà xe vẫn gặp trục trặc khiến không ít hành khách phải chờ lâu mới có vé.
Hành khách ít nhưng phải chờ lâu
Theo ghi nhận của PV tại các bến xe Miền Đông và Miền Tây, các nhân viên bán vé trực tiếp xác nhận thông tin với hành khách và in vé có mã QR ngay tại quầy. Tuy lượng hành khách đến bến không đông, song thủ tục nhận vé lại khá lâu, các hành khách phải chờ đợi, xếp hàng.
Nhiều hành khách gặp khó khi nhận vé điện tử tại Bến xe Miền Đông. Ảnh: ĐT |
Anh Thanh Tuấn (mua vé tại Bến xe Miền Đông) cho biết: “Tôi mua vé và được nhân viên bán vé xác nhận thông tin để in hóa đơn và vé điện tử. Tuy nhiên, do nhà xe thông báo lỗi đường truyền nên tôi chờ hàng giờ vẫn chưa lấy được vé”.
Về lý do các nhà xe không in sẵn vé cho hành khách đặt trước, các nhân viên quầy vé cho biết mỗi vé điện tử được phát hành, người dân sẽ chịu thuế 10% vào giá vé. Đó cũng chính là lý do nhiều nhà xe không in trước vé vì nếu hành khách không đến lấy vé thì nhà xe buộc phải chịu tiền thuế này.
Nhà xe Duyên Hà (tuyến TP.HCM - Đắk Nông) cho biết nhân viên trực tiếp nhập liệu thông tin hành khách trên máy và in vé ngay tại quầy. Tuy nhiên, các thiết bị kỹ thuật và đường truyền còn nhiều trục trặc nên hành khách phải chờ đợi rất lâu.
Chưa áp dụng hóa đơn điện tử thì không được bán vé
Đại diện Bến xe Miền Đông cho biết từ ngày 1-7, bến đã triển khai bán vé điện tử và đã thông báo tới các nhà xe cũng như hành khách về sự thay đổi bắt buộc này. Theo đó, các nhà xe phải tự trang bị máy in, máy tính và kết nối với Tổng cục Thuế để in vé. Hiện có khoảng 2/3 doanh nghiệp, đơn vị vận tải đã áp dụng.
Tuy lượng hành khách đến bến không đông, song thủ tục nhận vé lại khá lâu, các hành khách phải chờ đợi, xếp hàng.
Hiện một số nhà xe vẫn chưa thể thực hiện hoặc chưa thích ứng kịp thời với sự thay đổi này. Để giải quyết tình trạng trên, bến xe cũng đã hỗ trợ các nhà xe việc bố trí nhân sự hướng dẫn hành khách, giải thích một số thắc mắc của hành khách. Đồng thời, yêu cầu các nhà xe nhanh chóng hoàn thiện hệ thống kết nối để tạo thuận tiện cho hành khách.
Tương tự, ông Trần Văn Phương, Phó Tổng giám đốc Bến xe Miền Tây, cho biết bến xe cũng có đánh giá, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối để cung ứng phần mềm trước ngày triển khai bán vé điện tử. Tuy nhiên, một số đơn vị vận tải chưa triển khai kịp nên không thể bán vé ở bến xe.
Về nguyên nhân khác, đường truyền của Tổng cục Thuế bị tắc nghẽn, một số doanh nghiệp vận tải chưa hoàn thiện, các thao tác còn trục trặc nên hành khách chờ đợi hơi lâu.
“Trường hợp các đơn vị chưa triển khai được thì không được bán vé, đón hành khách ở bến xe. Theo đó, buộc phải thay đổi để thực hiện theo quy định” - ông Phương cho biết.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cho biết ở TP có đến hơn 80% doanh nghiệp vận tải nhỏ, lẻ. Các doanh nghiệp này hiện chưa thực sự quen với việc sử dụng vé điện tử.
Theo đó, về việc sử dụng hóa đơn điện tử, hiệp hội đã đề xuất gia hạn thêm sáu tháng đối với xe khách liên tỉnh và một năm đối với xe buýt và taxi để có đủ nguồn lực tổ chức mua sắm, lắp đặt thiết bị. Từ đó, tránh tình trạng các doanh nghiệp “oằn mình” triển khai khi họ vừa phải vượt qua dịch COVID-19, cuộc bão giá xăng dầu.•
Cần đầu tư, triển khai ngay
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật (đơn vị vận tải tuyến buýt đường sông số 1), cho biết nhiều đơn vị hay than thở và muốn chờ đợi thêm, nghĩa là họ chưa sẵn sàng cho quá trình làm việc trong thời đại 4.0. “Tôi nghĩ các đơn vị cần đầu tư, triển khai ngay để mang lại sự tiện lợi nhất cho hành khách. Đặc biệt, phải phát hành, makerting cho hợp với xu hướng của thời đại” - ông Toản nhấn mạnh.
Ông Toản cho biết công ty đã bán 80% lượng vé online cho hành khách. Cũng từ bán vé điện tử công ty mới bố trí chỗ đậu xe cho hành khách, việc này vô cùng thuận tiện.