Nhiều quốc gia châu Âu, vốn trước giờ phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu khí đốt từ Nga để phục vụ nhu cầu sưởi ấm, sản xuất của người dân và doanh nghiệp, giờ đang ráo riết tìm cách bù đắp thiếu hụt nguồn cung khí đốt khi nhập khẩu từ Nga giảm sút.
Trong hội thảo kinh tế tại Provence, Pháp mới đây, Bộ trưởng Tài chính nước này, ông Bruno Le Maire, đã cảnh báo về tình hình nhập khẩu khí đốt trong những tháng sắp tới.
Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp, nói: "Chúng ta cần chuẩn bị tinh thần cho việc cắt hoàn toàn việc nhập khí đốt từ Nga. Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần nhanh chóng độc lập về khí đốt, tăng cường dự trữ cho những tháng tới, và xây dựng trạm khí thiên nhiên hoá lỏng ở Le Havre. Ngoài ra, cần giảm bớt tiêu thụ khí đốt, đẩy nhanh xây dựng các chương trình cho các lò phản ứng hạt nhân mới".
Những gì chính phủ Pháp lo ngại cũng điều mà nhiều quốc gia thuộc EU lo ngại. Châu Âu đang gấp rút lấp đầy nguồn dự trữ khí đốt cho những tháng mùa đông, để đảm bảo người dân vẫn có khí đốt để sưởi ấm và sinh hoạt kể cả khi Nga ngừng cung cấp. Nhưng giá khí đốt đang ở mức cao ngất ngưởng, và năm nay có thể EU sẽ phải bỏ thêm rất nhiều tiền - cụ thể là nhiều hơn khoảng 40 tỷ Euro so với năm trước - để mua khí đốt.
Nhưng nước Pháp có thể chống chọi được với việc Nga ngừng cung khí đốt, vì nước này chỉ nhập có 17% khí đốt từ Nga thôi. Nhưng với những quốc gia nhập nhiều hơn, như nước Đức chẳng hạn, thì vấn đề phức tạp hơn rất nhiều.
Công ty điện nước Uniper - doanh nghiệp Đức nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga nhất - cảnh báo tới các khách hàng của mình rằng tiền gas năm nay sẽ đắt lên rất nhiều.
Ông Klaus-Dieter Maubach, CEO của tập đoàn Uniper, Đức, cho biết: "Với tình hình giá khí đốt tăng như hiện nay, chúng tôi buộc phải tính đến phương án cắt giảm nguồn cung tới các hộ gia đình. Chúng tôi không còn cách nào khác".
Công ty bất động sản lớn nhất của Đức - Vonovia, đang dự tính hạ thấp nhiệt độ sưởi ấm các toà nhà xuống chỉ còn 17 độ C vào ban đêm, để tiết kiệm lượng tiêu thụ khí đốt khoảng 8%. Nhưng như vậy vẫn còn dễ chịu so với việc một thị trấn nhỏ ở Saxony, người dân một toà nhà được thông báo 1 ngày sẽ chỉ có nước nóng để sinh hoạt vào 3 thời điểm cố định: Sáng sớm, giữa trưa, và buổi tối.
Ông Klaus-Dieter Maubach cho biết thêm: Trong 3 tuần nữa thôi, chúng tôi không biết lấy đâu ra nguồn cung cho 1% lượng tiêu thụ toàn nước Đức, tương đương lượng khí đốt cả thành phố Dusseldorf dùng trong 1 năm. Chúng tôi không thể trụ vững được nữa nếu cứ tiếp tục phải gánh chi phí nhập khẩu tăng cao cộng với việc bù đắp nguồn cung thiếu hụt".
Việc bảo toàn nguồn cung khí đốt đang là vấn đề tối quan trọng đối với châu Âu nước này. Theo viện nghiên cứu kinh tế Prognos, nếu nguồn cung khí đốt từ Nga dừng hẳn, thì cuối năm nay, sản lượng kinh tế của Đức sẽ giảm tới 12,7%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.16754830021702202-nag-ial-gnout-gnort-tod-ihk-gnuc-nougn-ev-iagn-ol-ua-uahc/et-hnik/nv.vtv