Đến thăm gia đình anh Đỗ Phi Long (thôn Phú Yên, xã Yên Bài), chúng tôi vô cùng ấn tượng với mô hình trồng bưởi Diễn xen canh cây chè của gia đình anh. Anh Đỗ Phi Long chia sẻ, sau khi xuất ngũ, anh tham gia những lớp tập huấn hướng nghiệp của Đoàn Thanh niên xã Yên Bài rồi mạnh dạn vay vốn khởi nghiệp.
Ban đầu, anh mua hơn 50 gốc bưởi Diễn về trồng xen canh với những luống chè. Bên cạnh đó, anh nghiên cứu, học hỏi để sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình chặt chẽ theo tiêu chuẩn nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm bưởi Diễn.
Sau 5 năm, mỗi cây bưởi Diễn thu hoạch được khoảng 70 quả, bán ra thị trường bình quân 50 nghìn đồng/quả. Từ đó, 10.000m2 đang trồng chè của gia đình anh kết hợp thâm canh bưởi Diễn, đem lại doanh thu gần 400 triệu đồng/năm.
Anh Đỗ Phi Long chăm sóc vườn bưởi Diễn.
Thấy được hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất của gia đình anh Đỗ Phi Long nhanh chóng được nhân rộng trên toàn thôn Phú Yên. Chia sẻ về phong trào khởi nghiệp của thanh niên trong thôn, ông Nguyễn Tuyển Nam, Trưởng thôn Phú Yên cho biết, nhiều thanh niên đã chủ động học hỏi, nghiên cứu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, diện tích bưởi diễn sản xuất theo hướng VietGAP của thôn Yên Bài đã lên tới gần 300ha.
Bên cạnh việc phát triển trồng trọt, nhiều mô hình khởi nghiệp chăn nuôi được nhân rộng tại thôn Phú Yên, điển hình như mô hình nuôi đà điểu của gia đình anh Trần Xuân Liên. Thực hiện từ năm 2016, đến nay trang trại của anh có quy mô lên tới 200 con đà điều; mỗi lứa nuôi 7-8 tháng và đem lại doanh thu gần 400 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, anh Trần Xuân Liên cho biết, thời gian đầu vì chưa có kiến thức chăn nuôi nên đàn đà điểu của gia đình mắc bệnh và chết. Quyết tâm không bỏ cuộc, anh tự tìm tòi, học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng, chữa bệnh cho đà điểu.
Cùng với sự giúp đỡ của đoàn thanh niên, hội nông dân tại địa phương, năm sau, anh mạnh dạn vay vốn mua 40 con đà điểu giống về nuôi. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn đà điểu của gia đình nhanh lớn và không bị nhiễm bệnh.
Từ thành công đó, trang trại của anh dần mở rộng quy mô và trở thành điểm tham quan, học tập của các tổ chức đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ trong và ngoài địa phương.
"Cái khó đối người chăn nuôi là giá đà điểu giống khá đắt, loại bảy ngày tuổi có giá từ 1,5-2 triệu đồng/cặp; loại hai tháng tuổi trở lên có giá hơn 4 triệu đồng/cặp. Nhưng bù lại, đà điểu rất dễ nuôi nếu nắm được kỹ thuật và đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao", anh Trần Xuân Liên bày tỏ.
Có thể thấy, sự nhanh nhẹn, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm chính là chìa khóa để anh Đỗ Phi Long, Trần Xuân Liên có được thành công như ngày hôm nay, đồng thời trở thành tấm gương sáng cho bà con địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế.
Để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, huyện Ba Vì nói chung và xã Yên Bài nói riêng cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Xem thêm: mth.99673431170702202-gnouh-euq-iat-yagn-peihgn-iohk/nv.ahos