Cổ phiếu bị duy trì đưa vào diện cảnh báo
Ngày 5/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hà Nội đã nhận được giải trình của ông Nguyễn Thanh Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MASCO), về việc cổ phiếu MAS thuộc đơn vị này duy trì diện bị cảnh báo.
Doanh nghiệp này cho rằng, công ty hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu trong các lĩnh vực liên quan đến ngành Hàng không, du lịch, dịch vụ như cung ứng suất ăn máy bay cho các hãng Hàng không trong và ngoài nước, dịch vụ taxi, bán hàng thương mại tại các sân bay miền Trung, đào tạo nghề lái xe ô tô, mô tô… Các lĩnh vực này chịu tác động trực tiếp và nặng nề của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Năm 2021, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các chính sách phòng chống dịch của Chính phủ, các hoạt động đi lại của người dân bị hạn chế đã tác động đến các lĩnh vực kinh doanh của công ty. Vì vậy, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2021 bị suy giảm nghiêm trọng do các chuyến bay thương mại quốc tế không có, các chuyến bay nội địa bị cắt giảm, tần suất thấp, lượng khách ít…
Hoạt động cung ứng suất ăn trên tàu bay là lĩnh vực mang lại doanh thu chính cho công ty, chiếm tỷ trọng 65%, hầu như dừng hoạt động, chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch.
Doanh thu của lĩnh vực này trong năm 2021 suy giảm so với 2019, trước khi có dịch, 90,26%. Lĩnh vực taxi chiếm tỷ trọng hơn 14%, cũng suy giảm doanh thu so với năm 2019 khoảng 92,49%. Và lĩnh vực taxi buộc phải dừng hoạt động do thua lỗ lớn.
Lĩnh vực thương mại nhà ga hàng không cũng chịu chung tình trạng suy giảm doanh thu lớn như lĩnh vực cung ứng suất ăn. Lĩnh vực đào tạo nghề tái xe cũng bị ảnh hưởng, phải đóng cửa không hoạt động hơn 6 tháng trong năm 2021 do chính sách giãn cách xã hội của chính quyền địa phương.
Với tác động đặc biệt nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2021 bị suy giảm lớn là sự kiện bất khả kháng, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận.
Để nhằm khắc phục tình trạng thua lỗ trong giai đoạn tới, doanh nghiệp này sẽ thực hiện chính sách tái cơ cấu toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tập trung nâng cao hơn hiệu quả các lĩnh vực đang có lãi, kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực hiệu quả thấp và phát triển thêm các mảng kinh doanh ngoài ngành hàng không để tận dụng năng lực cơ sở hạ tầng hiện có, tăng doanh thu.
Với những chính sách này với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và chính sách mở cửa, phục hồi du lịch của Việt Nam cũng như tại nhiều các quốc gia khác, thực tế các lĩnh lực hoạt động của công ty đã dần phục hồi từ đầu quý 2 năm 2022. Do đó, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không bị thua lỗ trong năm 2022.
Trước đó, ngày 29/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hà Nội đã có công bố quyết định duy trì diện bị cảnh báo đối với cổ phiếu MAS của Công ty cổ phần dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MASCO).
Lý do vì lợi nhuận sau thuế năm 2020 và 2021 là số âm. Cơ sở xem xét là báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán. Doanh nghiệp này được yêu cầu phải giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và công bố thông tin định kỳ hàng quý.
Tình hình tài chính nằm ở mức rủi ro cao
Theo Báo cáo tài chính năm 2021, tổng doanh thu và thu nhập của Công ty cổ phần dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng chỉ đạt 51,89 tỷ đồng, tương ứng đạt 57,9% kế hoạch và giảm 49,3% so với 2020. Doanh thu cung ứng suất ăn, đồ uống và các dịch vụ tiện ích cho các hãng hàng không đạt 16,7 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu cung ứng cho Vietnam Airlines là 11 tỷ đồng, đạt 34,5% kế hoạch; doanh thu cung ứng cho các hãng khác là 5 tỷ đồng, đạt 50,7% kế hoạch.
Doanh thu đào tạo lái xe là 24,47 tỷ đồng, đạt 84,2% so với kế hoạch. Trung tâm dạy nghề Huế là 15,42 tỷ đồng; Trung tâm dạy nghề Đà Nẵng là 9,05 tỷ đồng.
Doanh thu kinh doanh taxi và hoạt động thương mại dịch vụ khác không đáng kể, tổng doanh thu các hoạt động kinh doanh này là 4,54 tỷ đồng.
Thu nhập từ các hoạt động khác là 6,76 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thu nhập ròng từ hoạt động bán đấu giá thanh lý xe taxi là 6,39 tỷ đồng.
Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 công ty thua lỗ 14,83 tỷ đồng, trong đó lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh là 19,7 tỷ đồng. Trích lập dự phòng nợ phải thu tồn đọng từ hoạt động đào tạo lái xe cho bộ đội xuất ngũ phát sinh năm 2015 – 2016 là 663,13 triệu đồng; nợ của hãng Pacific Airlines phát sinh năm 2020 là 349,37 triệu đồng. Lãi từ hoạt động khác là 4,86 tỷ đồng.
Tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng 1,3 tỷ đồng (18,79%) chủ yếu do cuối tháng 12/2021, Công ty thu từ hoạt động thanh lý tài sản đội xe taxi (9,1 tỷ đồng); giảm do chênh lệch thu chi kinh doanh âm 4,8 tỷ đồng và giảm do trả nợ ròng các khoản vay (2,23 tỷ đồng).
Theo báo cáo Ban kiểm soát tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của doanh nghiệp này, do ông Đinh Hồng Sơn, Trưởng Ban Ban kiểm soát ký, vì ảnh hưởng của dịch bệnh phức tạp, kéo dài, kết quả kinh doanh lỗ năm thứ hai liên tiếp, tổng số lỗ của 2 năm 2020 và 2021 là 25,92 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2021 là 15,82 tỷ đồng (do Công ty đang được ĐHĐCĐ cho tạm thời giữ lại khoản cổ tức năm 2019 là 10,66 tỷ đồng).
Tình hình tài chính của công ty đã ở trạng thái rủi ro cao, khả năng thanh khoản ngắn hạn giảm xuống mức rất thấp (0,5), nguồn tài trợ tài sản dài hạn thiếu hụt 21,5 tỷ đồng.
Quý 1 năm 2022 tiếp tục lỗ
Theo Báo cáo tài chính tổng hợp quý 1 năm 2022, đến hết ngày 31/3, MASCO lỗ 1,628 tỷ đồng, giảm 47,85% so với quý 1 năm 2021.
Mặc dù trong quý 1 năm 2022, tổng doanh 16,709 tỷ đồng, thu thấp hơn cùng kỳ 2,644 tỷ đồng, nhưng do chi phí trong kỳ giảm sâu hơn cùng kỳ 19,08% tương ứng 3,509 tỷ đồng, chủ yếu giảm chi phí của 50 xe taxi đã dừng kinh doanh và giảm chi phí nhân công nên mức lỗ quý 1 năm 2022 giảm so với cùng kỳ 47,85% tương ứng 1,494 tỷ đồng.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Đông có giải trình mức lỗ thực hiện thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021 của Báo cáo tài chính tổng hợp quý 1 năm 2022 đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Theo đó, quý 1 năm 2022, dịch bệnh vẫn tiếp tục ảnh hưởng ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh được nâng cao, các chuyến bay tuy mở lại nhưng tần suất bay thấp, ít khách.
Tổng doanh thu thực hiện giảm so với cùng kỳ 13,66% tương ứng 2,644 tỷ đồng. Doanh thu chủ yếu giảm trong lĩnh vực taxi do quý 1 năm 2022 Công ty đã dừng kinh doanh lĩnh vực này.
Công ty dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng trước đây là công ty Nhà nước. Năm 2006, công ty thực hiện cổ phần hoá. Vốn điều lệ công ty gần 42,7 tỷ đồng. Địa chỉ công ty tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng, phường Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng.