Cách đây vài năm, những đoạn tường rào biên giới đã được cả Việt Nam và Trung Quốc xây dựng nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vượt biên trái phép. Trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, những hàng rào này còn có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên tuyến biên giới phía bắc.
Thế nhưng thời gian gần đây, khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát, các hoạt động giao thương giữa các quốc gia được nối lại thì cũng đã có không ít những lỗ thủng theo đúng nghĩa đen xuất hiện trên hàng rào biên giới.
Ghi nhận của phóng viên, vào lúc 20h, con đường nhỏ dẫn vào cột mốc 751 trên tuyến biên giới Việt - Trung thuộc địa phận thị trấn Trà Lĩnh - Cao Bằng đã chật kín xe máy của các nhóm cửu vạn. Họ đến đây để cõng hàng qua bên kia biên giới.
Trong bóng đêm, chỉ có ánh sáng từ những ngọn đèn pin gắn trên đầu nhưng cũng đủ để thấy rõ từng kiện hàng lớn được đóng sẵn chờ cõng lên núi. Nếu như trước đây, hàng lậu thường đi từ bên kia biên giới về Việt Nam tiêu thụ thì từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều container hàng tạm nhập tái xuất sẽ không thông quan chính ngạch mà bị dỡ ra để vượt biên sang nước bạn bằng đường tiểu ngạch.
Chẳng có cửu vạn nào biết rõ bên trong những chiếc bao nặng khoảng 50kg mà mình đang cõng trên lưng là gì,nhưng nguy hiểm rình rập trên quãng đường núi cheo leo dài gần 1 km đến điểm trả hàng thì ai cũng biết. Có thanh niên này lần đầu tiên cõng hàng vượt biên, không đủ sức nên chỉ dám nhận một kiện 20kg, tiền công vì thế cũng chỉ còn một nửa.
Sáng hôm sau, những dòng người mệt mỏi sau một đêm dài cõng hàng lại vượt biên trở về nước. Chẳng biết từ bao giờ, hàng rào dây thép gai phân định biên giới Việt - Trung tại cột mốc 754 đã bị khoét thành lỗ to, đủ để một người chui lọt như thế này.
Từ già trẻ lớn bé, bất cứ ai có đủ sức cõng hàng đều được nhận vào làm cửu vạn. Không có giờ giấc cố định, bất cứ khi nào bên kia biên giới gọi, bên này sẽ phải cõng hàng sang thế nên bữa ăn, giấc ngủ cũng tạm bợ. Dù vất vả nguy hiểm nhưng tiền công kiếm được gấp mấy lần ở nhà làm nương thế nên không ít người bỏ cả ruộng vườn để đến đây làm cửu vạn.
Mỗi ngày, cả trăm lượt người, cả chục tấn hàng vô tư qua lại trên những lối mở được khoét sẵn dọc bức tường rào biên giới tại các cột mốc như 731, 732, 753,754, 755. Dù hoạt động công khai cả ngày lẫn đêm thế nhưng trong những ngày phóng viên quan sát đường dây buôn lậu thì chưa thấy lực lượng chức năng nào của tỉnh Cao Bằng có mặt tại hiện trường.
Trong khi điểm mốc gần nhất có hoạt động buôn lậu là mốc 754 chỉ cách chốt kiểm soát của Đồn biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh chỉ khoảng 300m. Chưa có lời lý giải về việc tại sao hoạt động của đường dây này lại đang rơi vào "điểm mù" của lực lượng chức năng. Nhưng từ phía chính những người tham gia đường dây cũng đã tiết lộ một vài mánh khóe.
"Làm luật" để hàng hậu vượt biên
Mỗi lần hàng hóa vượt biên đều được chủ hàng phía bên kia biên giới chủ động sắp xếp thời gian và địa điểm. Các đầu nậu ở Việt Nam chỉ có khoảng vài tiếng để chuẩn bị hàng và đồng loạt cho hàng vượt biên để bên kia kịp nhận. Để tránh nhầm lẫn, mỗi chủ hàng có một ký hiệu riêng, được sơn lên từng kiện hàng. Để tìm hiểu bên trong những kiện hàng này có gì và làm thế nào để có thể vượt biên dễ dàng, phóng viên đã tiếp cận được với một chủ hàng tại thị trấn Trà Lĩnh. Người phụ nữ này lập tức gọi điện cho đầu mối bên kia biên giới.
"Nó không nói rõ là mấy trăm kg mà nói bảo là tối đi được mấy trăm kg. Không phải tổ yến mà là vẩy tê tê, sừng tê giác. Luật thì 16 triệu, riêng biên phòng là 5, 6 triệu. Mà nó phải qua người bao biên của nó cơ, bây giờ đi mà khai không đúng người bao biên nó không cho đi", chủ hàng nói.
Vì đã có luật, có người bao biện thế nên những dịch vụ vận chuyển hàng hóa hai chiều Việt Trung ngày càng nở rộ trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần giao dịch qua tin nhắn và chuyển tiền vào tài khoản, mọi đơn hàng vượt biên đều được chốt nhanh chóng. Những công việc còn lại đã có đầu nậu và lực lượng cửu vạn lo.
Sau khi chuyển được mỗi kiện hàng qua bên kia biên giới, cửu vạn sẽ được chủ hàng phát cho một thẻ nhỏ để đổi ra thành tiền. Số tiền này nhanh chóng bị nướng vào những chiếc máy bắn cá được đặt ngay cạnh cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh.
Không ít người trong số những cửu vạn này đã bị lực lượng chức năng phía bên kia biên giới bắt giữ khi cõng hàng vượt biên. Thế nhưng có cầu thì có cung, sau khi được thả về họ lại tiếp tục ngồi chờ đầu nậu gọi đi cõng hàng.
Không chỉ buôn lậu trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Với tình hình dịch bệnh vẫn chưa được tuyên bố kết thúc như hiện nay thì tình trạng vượt biên trái phép còn có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh rất cao, bởi không có bất cứ cửu vạn nào có biện pháp phòng dịch.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Đồn biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh thừa nhận có tình trạng vượt biên trái phép tại điểm mốc 754 vào ngày 1/7, tuy nhiên đơn vị này cho rằng đây chỉ là những người xuất nhập cảnh trái phép và đồ đạc mang theo là hành lý của họ chứ không phải hàng lậu. Lãnh đạo đơn vị cũng từ chối trả lời phỏng vấn do chưa có ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.97041850121702202-neib-oab-taul-mal-eohk-hnam-av-ioig-neib-auq-oar-ex-ual-gnah/taul-pahp/nv.vtv