Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Atlanta Raphael Bostic nhận định kinh tế Mỹ có đủ sức chống chọi nếu Fed tăng lãi suất trong thời gian tới, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của ông đối với phương án tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tới.
“Tôi hoàn toàn tự tin rằng nền kinh tế của chúng ta đủ sức vượt qua một đợt tăng lãi suất mạnh trong cuối tháng này. Tôi ủng hộ phương án tăng lãi suất thêm 0,75%”, ông nói.
Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ quyết liệt tăng lãi suất trong năm nay nhằm sớm hạ nhiệt lạm phát đạt đỉnh bốn thập kỷ, dù thừa nhận rằng điều đó có thể kéo giảm tăng trưởng và làm suy yếu thị trường lao động.
Trong tuần trước, ông Bostic cũng bày tỏ quan điểm “hoàn toàn” ủng hộ phương án Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng này. Ông cho biết việc Fed có thể tăng lãi suất lên ngưỡng trung lập 3% mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic. Ảnh: Reuters.
Trong khi các thị trường tài chính liên tục “rung lắc” khi nhà đầu tư quan ngại Fed sẽ châm ngòi một cuộc suy thoái, dữ liệu kinh tế mới được công bố gần đây cho thấy nền kinh tế số một thế giới vẫn còn dư khả năng chống cự. Theo đó, kinh tế Mỹ có thêm 372.000 việc làm mới trong tháng 6, cao hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia, trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở ngưỡng thấp trong nhiều năm 3,6%, qua đó cho thấy thị trường lao động của quốc gia này vẫn tương đối “nóng”.
Các quan chức của Fed sẽ có thêm cơ sở hình thành chiến lược chính sách thời gian tới sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo lạm phát tháng 6 vào ngày 13/7 tới. Các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,8% trong tháng trước, cao hơn mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5.
Trong khi phần lớn thành viên của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) lên tiếng ủng hộ mức tăng lãi suất 0,75% trong kỳ họp tới, một thành viên lại bày tỏ quan điểm nghi ngại.
Chủ tịch Fed Kansas Esther George, người duy nhất phản đối phương án tăng lãi suất 0,75% hồi tháng trước, cảnh báo việc siết chặt chính sách tiền tệ một cách quá vội vã có thể mang lại những kết quả ngược lại.
“Quá trình tăng lãi suất vừa qua diễn ra với tốc độ tương đối nhanh so với khả năng thích ứng của các hộ gia đình và doanh nghiệp, và những thay đổi lãi suất lớn trong thời gian tới sẽ tạo ra không ít áp lực đối với họ, và rộng hơn là các thị trường tài chính và nền kinh tế”, bà chia sẻ tại Hội thảo Quản lý/Lao động khu vực Trung Mỹ tại Lake Ozark, bang Missouri.
Ông Botic cho biết chiến lược siết chính sách của Fed đang bắt đầu mang lại hiệu quả trong việc kéo giảm nhu cầu thị trường trong bối cảnh các nút thắt chuỗi cung ứng đang được gỡ bỏ. Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine và một số yếu tố khách quan khác liên tục kéo lạm phát lên cao. Ông đang tích cực quan sát những tín hiệu cho thấy thay đổi lạm phát hàng tháng đang trong xu hướng giảm.
Khi được hỏi về yếu tố nào có thể thuyết phục ông ủng hộ phương án tăng lãi suất cao hơn 0,75%, ví dụ như mức tăng 1%, ông trả lời điều đó phụ thuộc vào dữ liệu lạm phát thực tế và kỳ vọng lạm phát trong dài hạn. Tuy nhiên, phương án tăng mạnh lãi suất tới mức đó không đủ cơ sở để thực hiện ở thời điểm hiện tại.
“Những gì chúng ta được chứng kiến thời gian gần đây cho thấy trường hợp đó không khả thi”, Botic chia sẻ. “Nhưng tôi luôn quan niệm rằng không gì là không thể”.