Xuất khẩu các mặt hàng dệt may 9 tháng đầu năm nay mới đạt 29,1 tỉ USD, còn cách rất xa kế hoạch xuất khẩu 45 - 48 tỉ USD trong năm 2023 đưa ra từ đầu năm. Theo các doanh nghiệp, tình hình khó khăn vẫn còn kéo dài trong nhiều tháng tới.
Đóng cửa nhà máy, thanh lý tài sản
Khó khăn ập đến, một công ty có doanh thu nhiều năm vài nghìn tỉ đồng và lãi hàng trăm tỉ đồng như Garmex Sài Gòn (GMC) cũng khó chống đỡ.
Từ công ty may rất lớn ở TP.HCM với 5 nhà máy, khoảng 4.000 công nhân, đến hết tháng 9 chỉ còn vỏn vẹn 37 nhân sự. Báo cáo tài chính cho thấy cả quý 3-2023, Garmex Sài Gòn không ghi nhận bất kỳ đơn hàng nào, khoản thu ít ỏi đến từ... dịch vụ.
Garmex Quảng Nam từng là nhà máy có quy mô lớn nhất trong hệ thống của GMC với 1.200 công nhân. "Nhà máy cả nghìn công nhân, nhưng đơn hàng chỉ đáp ứng 100 người, lại chỉ khoảng 1 - 2 tháng thì càng làm càng lỗ" - ông Lại Hồng Minh, giám đốc nhà máy Garmex Quảng Nam - GMC, cho biết.
Sang quý 4 này, một vài khách hàng tìm đến nhưng đơn hàng quá nhỏ. Trước bài toán cân đối chi phí, vị giám đốc này cho biết nhà máy vẫn đang tạm dừng hoạt động, toàn bộ công nhân nghỉ việc. Hiện nhà máy này cùng một số đơn vị khác thuộc Garmex đang đẩy mạnh tái cơ cấu, rao bán loạt tài sản.
Dự báo khó khăn còn kéo dài, Garmex vẫn chưa có kế hoạch tuyển lại nhân sự, tái khởi động trước thời điểm quý 1-2024. "Mặc dù biết lúc tuyển lại sẽ rất khó khăn, nhưng quả thực chúng tôi cũng không có chi phí để duy trì", ông Minh nói.
Không chỉ Garmex Sài Gòn, một gam màu xám lấn át bức tranh kinh doanh ngành dệt may Việt Nam khi hàng loạt doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 3 với kết quả "đi lùi" so với cùng kỳ năm ngoái.
Danh sách tăng trưởng âm gọi tên những tên tuổi tiếng tăm trong lĩnh vực dệt may như Garmex Sài Gòn, Hòa Thọ, May Hưng Yên, TCM, Sợi Thế Kỷ, Dệt may Huế, May Nhà Bè...
Ông Phí Ngọc Trịnh - tổng giám đốc May Hồ Gươm - cho biết công ty chưa đến mức phải cho công nhân nghỉ việc, thanh lý tài sản nhưng doanh thu giảm đáng kể, thiếu đơn hàng nên buộc phải cắt giảm giờ làm, chờ thị trường phục hồi.
"Vẫn còn quá nhiều khó khăn, chưa thấy tín hiệu phục hồi. Ngoài thiếu đơn hàng, công ty còn chật vật vì đơn hàng nhỏ nhưng giá lại thấp. Mức độ cạnh tranh rất gay gắt", ông Trịnh nói.
"Cơn bĩ cực" đến tháng 4-2024?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty sản xuất quần áo xuất khẩu tại TP.HCM cho biết trước đây bước vào tháng 10, doanh nghiệp phải làm tăng ca đến 21h - 22h thì bây giờ chỉ sản xuất đến 17h, thứ bảy và chủ nhật không sản xuất, lượng công nhân chỉ còn phân nửa.
Để có đơn hàng duy trì lao động, doanh nghiệp này đã chuyển sang nhận sản xuất đơn hàng nhỏ lẻ, có khi chỉ vài trăm bộ đồng phục, đơn hàng cho các doanh nghiệp bán online.
Lý giải khi kết quả kinh doanh ảm đạm quý 3-2023, bà Phạm Thị Phương Hoa - tổng giám đốc May Hưng Yên - cho biết kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao ở Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm giảm nhu cầu về hàng dệt may dẫn đến thiếu đơn hàng, giá gia công giảm mạnh.
Để sống còn đến lúc thị trường hồi lại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm mọi cách đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, chấp nhận đơn hàng nhỏ cả trong và ngoài nước. "Công ty chấp nhận cả những đơn hàng khó, có giá gia công giảm mạnh 20 - 40% so với thời điểm trước", bà Hoa cho hay.
Theo ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Vinatex, 9 tháng của năm 2023 là 9 tháng khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của Vinatex. Ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 cũng không căng thẳng như hiện tại.
Tuy nhiên ông Hiếu cho hay trong bức tranh màu xám của thị trường 9 tháng năm nay, dệt may cũng xuất hiện vài điểm sáng như sự tăng trưởng cao của khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng đã mở thêm được một số thị trường mới tại châu Phi và Trung Đông.
Điều này góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu của ngành không bị giảm sâu trong bối cảnh sức cầu các thị trường giảm mạnh.
Làm doanh nghiệp 100% xuất khẩu, ông Phí Ngọc Trịnh cho biết "không còn cách nào khác là chờ cầu thế giới phục hồi" khi trả lời câu hỏi về giải pháp. Ông Trịnh dự báo "cơn bĩ cực" ít nhất phải đến tháng 4 năm sau - khi mùa cao điểm của ngành này đến.
Về triển vọng phục hồi cả ngành, một số tổ chức nghiên cứu đều cho biết thị trường những tháng cuối năm bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu phục hồi dù vẫn phải đối mặt với thiếu đơn hàng và chi phí đầu vào tăng.
Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, thông tin bước sang quý 4 này, ngành dệt may "ấm" trở lại vì cả hai thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều có nhu cầu mua sắm tăng.
"Ngành dệt may hy vọng 2024 đỡ hơn vì nhu cầu mua sắm của người dân sẽ quay trở lại, song ngành dệt may vẫn còn đối diện nhiều thách thức khi tình hình thế giới cũng như thị trường chưa ổn định", ông Hồng nói.
Chờ đợi thị trường cuối năm
Ông Phạm Văn Việt - giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean - cho biết thị trường bây giờ có nhu cầu thấp, giá rẻ, người mua cũng chỉ tiêu dùng các sản phẩm bình dân, không đẩy mạnh mua các sản phẩm thời trang, chi phí cao. Trong giai đoạn cuối năm, ông Việt cho hay doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng nội địa. Hiện lượng đơn hàng cũng đã có phục hồi, riêng doanh nghiệp này đã phục hồi khoảng 80% so với trước.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - thông tin dự kiến hết tháng 10-2023, dệt may Việt Nam cán mốc 33,6 tỉ USD, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ nhưng vẫn tăng nhẹ so với các tháng trước. Theo ông Giang, trong 2 tháng cuối năm, dệt may vẫn kỳ vọng sẽ cán mốc 40 tỉ USD bởi bước vào tháng trọng điểm của xuất khẩu và một số doanh nghiệp đã bắt đầu có đơn hàng cho quý 1-2024.
Trong quý 3-2023, một công ty dệt may từng rất lớn ở TP.HCM không ghi nhận đơn hàng nào. Khoản doanh thu ít ỏi có được đến từ dịch vụ.