Cựu chủ tịch Hà Nội tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12-7 - Ảnh: GIANG LONG
Sau gần 2 ngày xét xử, chiều 12-7, phiên tòa phúc thẩm vụ án cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung "tiếp tay" cho Công ty Nhật Cường trúng thầu các gói thầu số hóa hồ sơ, dữ liệu kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh tụng.
Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã nêu quan điểm giải quyết kháng cáo đối với ông Chung và hai người khác.
Căn cứ lời khai của các bị cáo tại tòa và tài liệu hồ sơ vụ án, viện kiểm sát đánh giá giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ đã làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung, lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp dừng thầu trái pháp luật, chỉ đạo cấp dưới hoàn tất thủ tục, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường tham gia và trúng thầu.
Ông Tứ và nhóm bị cáo cựu lãnh đạo Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội đã gây thiệt hại hơn 18 tỉ đồng tại gói thầu số hóa 2016.
"Thời điểm mở thầu lần 1 vào tháng 5-2016 có 4 nhà thầu tham gia đúng quy định, tuy nhiên bị cáo Chung đã tự ý can thiệp chỉ đạo dừng thầu trước khi mở thầu. Đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm", viện kiểm sát lập luận.
Theo viện kiểm sát, tại tòa ông Chung chỉ thừa nhận "quan hệ bình thường" với Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Nhật Cường.
Tuy nhiên căn cứ nội dung email Bùi Quang Huy gửi cho ông Chung đề nghị lùi thời gian mở thầu, sau đó ông Chung 3 lần gọi điện cho giám đốc sở yêu cầu đình chỉ gói thầu, căn cứ lời khai các bị cáo khác..., viện kiểm sát quy kết ông chủ Nhật Cường có mối quan hệ mật thiết với cựu chủ tịch Hà Nội.
Đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội chiều 12-7 - Ảnh: GIANG LONG
Viện kiểm sát đánh giá hành vi của ông Chung đã can thiệp quá trình đấu thầu để "ưu ái" cho Nhật Cường tham gia và trúng thầu.
Từ những lập luận trên, công tố viên cho rằng tòa sơ thẩm quy kết ông Chung lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là phù hợp, không oan. Mức án 3 năm tù do TAND Hà Nội đưa ra tuyên phạt ông Chung cũng phù hợp, không nặng.
Tuy nhiên, viện kiểm sát ghi nhận tại phiên tòa phúc thẩm ông Chung và gia đình cung cấp một số tình tiết mà cấp sơ thẩm chưa xem xét đó là bằng khen của bố và mẹ bị cáo, bị cáo có nhiều giấy xác nhận của các cơ quan trong nước về những đóng góp các trường học, chùa…
Ông Chung cung cấp 3 bộ hồ sơ của các bệnh viện, nộp cho tòa 85 bằng khen, giấy khen… Viện kiểm sát cho rằng đây là tình tiết mới để tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Tại phiên tòa, bị cáo xác định hành vi của mình không đáng bị truy tố và kêu oan. Lời khai tại phiên tòa thể hiện bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi như điện thoại yêu cầu dừng gói thầu, việc Bùi Quang Huy gửi email cho mình… những nội dung này phù hợp với hồ sơ vụ án, thể hiện sự thành khẩn nên viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử ghi nhận.
Viện kiểm sát cho rằng có căn cứ xem xét giảm trách nhiệm hình sự, đề nghị hội đồng xét xử giảm một phần hình phạt cho bị cáo Nguyễn Đức Chung.
Đối với hai bị cáo Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh văn phòng Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội) và Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội), viện kiểm sát nhận thấy 2 người này đã thực hiện chỉ đạo của cựu giám đốc sở, lập hồ sơ khống và can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
Hành vi của 2 nữ bị cáo cùng các đồng phạm khiến kết quả đấu thầu bị sai lệch. Hậu quả gây thiệt hại hơn 26 tỉ đồng cho Nhà nước.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tuyến, Hường đã tích cực tác động gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả, bị cáo Tuyến nộp 2 tỉ đồng, Hường nộp 1,8 tỉ.
Các bị cáo tỏ thái độ thành khẩn thể hiện sự ăn năn, do đó viện kiểm sát cho rằng có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, viện kiểm sát cho rằng không có cơ sở chấp nhận kháng cáo xin giảm trách nhiệm dân sự của hai bị cáo.
TTO - Tại tòa, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định mối quan hệ với ông chủ Công ty Nhật Cường chỉ là 'quan hệ xã hội', và không có chuyện người này có thể 'chỉ đạo được chủ tịch UBND thành phố'.