Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm nay sẽ thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki về kinh tế thế giới và đề xuất áp trần giá bán dầu Nga. Mục tiêu của đề xuất này là đưa ra mức giá cao hơn chi phí sản xuất để Moskva vẫn có động lực xuất khẩu, nhưng không quá cao để ngăn nước này cấp tiền cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trên Reuters, một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ cho biết Nhật Bản tỏ ra lo ngại về việc áp giá trần quá thấp. Tuy nhiên, họ cũng không bác bỏ đề xuất tầm giá 40-60 USD một thùng.
Mỹ đang lo lắng về lệnh cấm nhập khẩu và cấm bảo hiểm cho tàu chở dầu Nga của EU. Quan chức trên cho biết theo mô hình nghiên cứu của Bộ Tài chính Mỹ, nếu chỉ áp lệnh trừng phạt mà không đưa ra ngoại lệ về giá, dầu thô thế giới có thể lên 140 USD một thùng, từ mức 100 USD hiện tại.
Vì vậy Mỹ đề xuất các tàu chở dầu Nga vẫn sẽ được bảo hiểm nếu giá bán dầu dưới mức trần. Việc này sẽ giúp hàng triệu thùng dầu Nga mỗi ngày không bị dồn lại vì thiếu bảo hiểm, từ đó ngăn giá tăng cao có thể dẫn đến suy thoái.
Cuối tháng trước, các nước G7 đã thống nhất nghiên cứu phương án áp trần dầu Nga nhằm giảm nguồn thu của Moskva và ngăn nước này tiếp tục cấp tiền cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Dù vậy, chi tiết kế hoạch vẫn đang được thảo luận.
Bà Yellen đang tận dụng chuyến thăm châu Á hiện tại để tìm kiếm sự ủng hộ với đề xuất áp trần dầu Nga. Thách thức hiện tại là chính sách này liệu có hiệu quả nếu Ấn Độ, Trung Quốc và các nước đang mua dầu Nga giá rẻ khác không tham gia.
Các công ty Anh, Mỹ, EU hiện chiếm 90% thị phần bảo hiểm và tái bảo hiểm trong ngành dầu mỏ toàn cầu. Nhiều chuyên gia dự đoán chính phủ Nga, Ấn Độ và Trung Quốc có thể tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, quan chức trên cho biết quan chức Bộ Tài chính Mỹ không cho rằng việc này sẽ xảy ra.
Hà Thu (theo Reuters)