Câu danh ngôn sau đây sẽ có thể giúp bạn bình yên đi qua một kiếp người, hiểu được sẽ đạt được hạnh phúc viên mãn. Câu đó chính là: "Im lặng là tu dưỡng, nhẫn là tu tâm, bao dung là trí tuệ, buông bỏ là có được".
"Im lặng là tu dưỡng"
Gia Cát Lượng đã nói trong "Giới Tử Thư" rằng: "Đức hạnh của người quân tử, lấy tĩnh để tu thân, lấy cần kiệm để dưỡng đức. Không có thanh bạch thì sẽ không có trí tuệ, không có tĩnh lặng sẽ không thể đi xa".
Sự im lặng là rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Bạn không thấy những người tài năng và thành đạt luôn thích ở một mình hay sao? Về cơ bản, họ luôn từ chối những trò giải trí vô nghĩa và vô bổ. Đó là do họ biết cách tĩnh tâm, tự mình suy nghĩ về các vấn đề trong cuộc sống, sự nghiệp, từng bước hoàn thiện phẩm hạnh, đạo đức, phẩm chất, cuối cùng biến mình thành một người thành đạt.
Có thể thấy, trong cuộc sống thực tế xã hội đầy biến động ngày nay, nếu biết tĩnh tâm, tăng cường tu dưỡng bản thân, thanh bạch, an nhiên mà vươn xa thì quý giá biết nhường nào.
"Nhẫn là tu tâm"
Người xưa nói: "Việc nhỏ không nhịn, ắt làm loạn việc lớn". Trong cuộc đời của mỗi người, sẽ luôn tồn tại vô số con người và sự việc làm phật lòng bản thân, những thứ không vừa ý thường chiếm từ 80 đến 90%. Vì vậy, nhẫn nhịn là điều không thể thiếu để có thể chiến thắng trong trò chơi này.
Hơn nữa việc nhẫn nhịn cũng sẽ giúp bạn rèn luyện được một ý chí sắt thép, gia tăng tính nhẫn nại, nâng cao sức mạnh nội tại. Thật ra, hầu hết chúng ta không chỉ nhẫn nhịn vì muốn sóng yên gió lặng, mà còn là vì muốn tích nước thành kênh cho một tương lai tươi sáng. Chắc hẳn ai trong đời cũng có riêng cho mình những trải nghiệm khó khăn. Vì thế, những người có thể khống chế được cơn nóng giận nhất thời của mình thường là người được người khác kính trọng và nể phục. Bởi vì nhẫn nhịn không phải là điểm yếu, mà là sự tôn trọng người khác. Kính người thì tất sẽ được người kính lại.
"Bao dung là trí tuệ"
Tăng Quốc Phiên có câu nói nổi tiếng: "Người muốn làm đại sự, trước tiên hãy chú trọng tầm nhìn". Cái gọi là "tầm nhìn", nói một cách thẳng thắn thì chính là kích thước tham vọng của một người, độ sâu rộng cao thấp của hoài bão và trí tuệ của họ. Những người thực sự có trí tuệ sẽ chỉ đặt tâm mình vào những việc chính, thật sự quan trọng, chứ không bao giờ day dưa với những việc vụn vặt.
Người ta thường nói rằng, tầm nhìn nhất định phải rộng một chút, góc độ chúng ta đứng phải cao hơn một chút, phóng ánh mắt ra xa hơn để không được vướng bận, bận tâm đến những chuyện vặt vãnh. Nếu không bạn sẽ trở thành loại người nhỏ mọn, có tầm nhìn hạn hẹp và thiếu trí tuệ.
Như có câu "biển vì chịu dung nạp trăm nghìn con sông nên mới trở nên rộng lớn". Người biết bao dung ắt là người có tầm nhìn rộng hơn cả biển trời, trí tuệ cao sâu.
"Buông bỏ là có được"
Trong cuộc sống, chúng ta không thể nào luôn muốn mọi thứ theo ý mình, chỉ có những người biết buông bỏ, mới có thể lại đạt được, và đương nhiên, họ xứng đáng có được nhiều hơn những gì họ đã cho đi.
Nếu bạn không cho đi, bạn sẽ không nhận lại được. Những người không muốn từ bỏ bất cứ thứ gì, có thể cuối cùng cũng sẽ trở nên trắng tay. Có câu: "Không vào hang cọp sao bắt được cọp con?". Mọi thứ trên đời đều được bảo toàn, kẻ được phải mất, đôi khi nguyện ý cho đi lại có thể gặt hái được càng nhiều hơn trong tương lai.
Vấn đề về cho và nhận rất thâm sâu, có thể hiểu được tường tận mới là người đại trí. Thật ra, thứ quý giá nhất của đời người vốn không phải là "không có được" hay "mất đi", mà chính là loại hạnh phúc có thể chân thật nắm bắt được vào giờ phút hiện tại.
(Sohu, Secret China)
Trần Anh
Theo Trí Thức Trẻ