Sáng ngày 12-7, Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục diễn ra phiên báo cáo tại hội trường, nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận để "mổ xẻ" những thuận lợi, khó khăn để đưa ra các giải pháp.
Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa
Liên quan tới lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trịnh Hữu Hùng cho biết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế hóa, chất xét nghiệm có ở nhiều nơi, nhiều địa phương trên cả nước, gây ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và tại Thanh Hóa cũng có tình trạng này, tuy nhiên chỉ cục bộ, chưa tới mức trầm trọng.
Nguyên nhân, theo ông Hùng chỉ ra là do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, kiểm tra trong khi do yêu cầu công việc, tình huống nên nhiều khi phải đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung cấp hàng hóa cho một số đơn vị công, do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp.
"Mua sắm trong lĩnh vực y tế, có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và nhu cầu chống dịch Covid-19. Trong khi, việc thực hiện nghị định 60/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập về thẩm quyền mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị chưa có thống nhất, dẫn đến việc đấu thầu mua sắm của các đơn vị sự nghiệp cũng bị chậm…"- ông Trịnh Hữu Hùng thông tin.
Cũng theo ông Hùng, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 96 bác sĩ (chiếm khoảng 47%). Nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc do áp lực công việc nặng nề hơn, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao cho nên nhân viên y tế, bác sĩ luôn cảm thấy mệt mỏi, trong khi thu nhập thấp.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, trình bày báo cáo tại kỳ họp
Ngoài ra, nhân viên y tế, bác sĩ còn phải đối mặt với mối nguy hiểm từ người bệnh và người thân của bệnh nhân, trong khi cơ chế bảo vệ nhân viên y tế còn nhiều bất cập, chưa được động viên đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả cấp quản lý.
"Nhân viên y tế, bác sĩ có ý định xin nghỉ việc có thể lớn hơn gấp nhiều lần con số thực tế. Tuy nhiên, những người muốn nghỉ việc lại chưa tìm được lối đi"- ông Hùng thẳng thắn.
Nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế, bác sĩ cống hiến với nghề, ông Hùng kiến nghị HĐND tỉnh Thanh Hóa cần thêm chính sách hỗ trợ theo đầu giường bệnh và đề nghị Bảo Hiểm xã hội Việt Nam thanh toán chi phí vượt định mức kinh tế kĩ thuật năm 2017-2018 cho các cơ sở khám chữa bệnh với tổng số tiền hơn 203 tỉ đồng.
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân thấp, báo cáo gần đạt 100%
Trong sáng ngày 12-7, nhiều đại biểu đã phân tích, đánh giá và đưa ra các kiến nghị sát, đúng với thực tế địa phương mình hoặc các lĩnh vực mình giám sát, tuy nhiên vẫn còn có nhiều đại biểu trình bày chung chung, còn tình trạng khen thành tích.
Đáng chú ý, trình bày báo cáo về lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết ngành đã thực hiện các chế độ hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo các nghị quyết của trung ương đạt 100%, trong khi báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa lại thể hiện đến thời điểm này, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại địa phương này rất thấp.
Theo Tuấn Minh
NLĐ
Xem thêm: nhc.90661957121702202-ceiv-gnoc-cul-pa-iv-ceiv-ob-aoh-hnaht-o-is-cab-et-y-neiv-nahn-602/nv.zibefac