Đối diện thất bại
Chị Thùy Trang có con trai nhập làn chạy đua trong kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua. Con tự tin bước vào kỳ thi bởi suốt 9 năm học luôn đứng hàng top của lớp, của trường… Chị cũng tự hào vì con là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của trường, là niềm tự hào của thầy cô và gia đình, là ngôi sao được bạn bè ngưỡng mộ.
“Nhưng trượt! Một cú sốc đầu đời với các nhóc lợn vàng - Đinh Hợi. Buồn, thất vọng, chán nản và thậm chí xen chút tuyệt vọng.
Chứng kiến 2h đêm, con lang thang, cô độc nơi cổng trường và cô độc suy tư nhìn ra hồ… tôi quặn lòng đồng hành xuyên đêm với con”, chị Thùy Trang kể lại.
Ảnh minh họa
Theo người mẹ này thì có lẽ có rất nhiều cháu rơi vào trạng thái giống con chị nhưng không nhiều gia đình chấp nhận thực tại để cùng con vượt qua. Bởi vì khi nộp hồ sơ cho con vào trường dân lập, bà mẹ này đã được nghe các bố mẹ kể về sự thất vọng, buồn chán của các con.
“Thương lắm. Có những cháu 40, 42 điểm mà đến cả trường dân lập vẫn trượt. Rồi chứng kiến có đứa trẻ nước mắt lưng tròng nghe mẹ quát xa xả mà thương”, chị Thùy Trang xót xa nói.
Mới đây, còn có bà mẹ tuyệt vọng đăng bài tìm con trên mạng xã hội khi con thi kết quả không tốt nên đã bỏ ăn rồi viết thư để lại chào tạm biệt gia đình.
Chia sẻ với phóng viên về vấn đề "đến hẹn lại lên" sau mùa thi của các sĩ tử, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, việc trượt vào lớp 10 theo nguyện vọng đăng ký mang lại nhiều cảm xúc tiêu cực đối với các con, trong đó có lo lắng, hoang mang, tức giận với bản thân, cảm thấy tội lỗi…
“Tất cả những cảm xúc đó là cần thiết khi mà các con đối diện với thất bại. Lúc này bố mẹ hãy cho con khoảng không gian an toàn nhưng riêng tư một chút để các con có thể tĩnh lặng đối diện với những suy nghĩ đó của mình.
Trong thời điểm này bố mẹ cần nhận ra ở con những biểu hiện cảm xúc quá mức, hướng con tới những hoạt động để cân bằng lại.
Bố mẹ hãy dành thời gian một chút cho con, không nhất thiết phải tương tác, cập nhật thông tin, chia sẻ bạn bè… chỉ cần tập trung vào một số hoạt động con yêu thích.
Theo đó, con có thể cả ngày chìm đắm trong những bài nhạc, hay con dành một khoảng thời gian đi đâu (đi dạo, đi chơi) với người thân trong gia đình mà người ấy con cảm thấy thoải mái. Trong khoảng lặng ấy, người lớn không cần thiết phải đề cập đến câu chuyện nào cả, trong đó có kết quả thi cử của con”, PGS. TS Trần Thành Nam cho hay.
Khi qua khoảng thời gian tĩnh lặng, bố mẹ nên nói với con rằng, thay vì con nghĩ về việc thất bại hay không thất bại thì con hãy nghĩ đến cảm xúc mà con đang trải qua.
Nếu con không thích những cảm xúc đó thì con nên biến nó trở thành động lực. Cuộc đời có nhiều con đường đi, quá khứ không thể thay đổi nhưng trong tương lai chúng ta đều có thể làm tốt hơn.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần hướng các con đến một tư duy mở, giúp con nhận ra rằng trong lỗi lần này của con, không phải chỉ có lỗi một phần ở con.
“Con chỉ có một phần trách nhiệm khi con chưa lên được kế hoạch một cách chi tiết để ôn tập. Ngoài ra, bố mẹ cũng có một phần trách nhiệm, vì bố mẹ chưa nhận ra được con cần giúp đỡ hơn thế hoặc bố mẹ chưa nhận ra được rằng cần chuẩn bị cho con thêm về mặt này mặt kia…
Cần tán trách nhiệm ấy ra, để con cảm thấy không phải đổ mọi lỗi về bản thân trẻ”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Người thua cuộc chỉ là không chịu bước tiếp
Phân tích dưới góc độ tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng trong những đứa trẻ gặp thất bại như thế, đôi khi chúng có suy nghĩ, lời nói tự bóp méo. Chúng sẽ cho rằng “mình là kẻ thất bại, là kẻ bỏ đi, thế là hết, không còn gì kỳ vọng nữa”.
“Có thể trong giai đoạn thất bại các con có những suy nghĩ đó nhưng bố mẹ cần chỉ rõ cho con rằng ngay cả khi con trải qua lần thất bại này, bố mẹ vẫn thấy con có rất nhiều tiềm năng, con có điểm mạnh... để cho đứa trẻ nhìn một cách cân bằng.
Điều này giúp trẻ nhận ra thất bại của mình nhưng thực tế trẻ còn rất nhiều tiềm năng, và trẻ có thể cố gắng lại, có thể tiếp tục trong những lần sau.
Còn cơ hội lần này, có thể phải chọn con đường đi hơi vòng, hơi xa nhưng điều đó không phải điểm chấm hết”, PGS. TS Trần Thành Nam cho hay.
Và ở thời điểm này, bố mẹ có thể đưa ra cho con một số tấm gương vượt qua thất bại, ví dụ như Edison phát hiện ra bóng điện đã phải trải qua 10.000 lần thất bại. Đối diện với mỗi lần thất bại ông chỉ nói với mình như một cách động viên “ta đã tìm ra được thêm một cách để cái đèn không sáng, có phương án để loại trừ, tiếp tục tìm kiếm tiếp”.
Hay như Nick Vujicic, người đàn ông không chân không tay, từng có lúc bi quan muốn tự tử nhưng anh đã vượt qua và truyền cảm hứng về sự vươn lên cho rất nhiều người.
Cũng giống như hình tượng võ sĩ đấm bốc, người võ sĩ bị thua không phải khi bị đối phương đấm ngã ra sàn. Võ sĩ chỉ bị thua khi trọng tài đếm đến 10 mà vẫn nằm dài trên sàn không thể đứng dậy đấu tiếp. Gống như các con thi trượt, chúng ta chỉ thực sự thua khi không chịu bước tiếp.
“Qua những tấm gương, câu chuyện ẩn dụ như vậy bố mẹ động viên con rằng cái gì qua, hãy cho qua, quan trọng nhất là rút ra bài học gì từ những việc đã qua, hãy chú ý vào cảm xúc thay vì kết quả.
Bố mẹ cần lường trước những cảm xúc tiêu cực của con trong thời gian này và ghi nhận những cảm xúc tức giận, hoảng loạn, thất vọng, tự trách, đổ lỗi là chuyện bình thường đối với bất cứ ai ở trong hoàn cảnh của con.
Bố mẹ cũng cần giúp con hiểu những cảm xúc đó chỉ là nhất thời, không phải là bất biến, không phải là sự thật, sau một khoảng thời gian có thể thay đổi.
Vì vậy, con hãy tạm dừng tất cả những gì con nghĩ rằng con cần phải làm, trốn tránh nó mà chỉ cần quan sát nó trong khoảng thời gian thôi rồi sẽ thay đổi”, PGS. TS Trần Thành Nam đưa ra lời khuyên.
"Các mẹ có thể bớt vui mừng với thành tích học tập của con mình trên mạng được không, vì chính điều này đã phần nào tạo nên áp lực cho các cháu và gia đình các cháu có kết quả thi không tốt”, chị Thanh Hằng đặt vấn đề.
Theo N.Huyền
Infonet