Lê Văn Hùng, sinh năm 1999, sắp bước sang tuổi 23, vừa kịp sắm cho mình 1 căn hộ với giá trị hơn 2,3 tỷ đồng ở Nam Từ Liêm, Hà Nội, trong đó giá mua là 2 tỷ 155 triệu đồng và nội thất 160 triệu đồng.
Hơn thế nữa, vốn trong tay cậu bạn vào thời điểm mua nhà chỉ có 230 triệu, tức là Văn Hùng đã đi vay nợ 90% để mua nhà. Cậu bạn 22 tuổi này đã vay hơn 1 tỷ đồng từ người thân để không phải chịu lãi suất, và tầm 700 triệu vay ngân hàng.
Cùng gặp gỡ Văn Hùng để hiểu thêm quan điểm khi mua nhà ở độ tuổi còn rất trẻ, và đi vay nợ khá nhiều như vậy.
Văn Hùng
Xin chào Văn Hùng,
90% giá trị căn nhà là một mức vay khá cao so với một người ở tuổi 22, điều gì đã đưa bạn đi đến quyết định vay nợ này? Bạn có thấy mình đang khá liều không?
Thực ra đây là quyết định rất liều với mình vì thường mọi người sẽ quyết định vay nợ mua nhà nếu đã sở hữu ít nhất 30% giá trị căn hộ, trong khi mình chỉ có 10%. Song, mình là kiểu người muốn sự ổn định, vẫn luôn muốn sở hữu riêng cho mình một căn nhà để “an cư lập nghiệp”. Do vậy, đã không ngần ngại vay mượn 2 tỷ - 90% giá trị căn hộ để mua nhà.
Bên cạnh đó, việc sở hữu căn hộ riêng giúp mình có điều kiện sinh hoạt tốt hơn để hoàn thành tốt công việc. Hiện tại, mình đang là giáo viên, khi có không gian riêng, mình còn có thể tăng thu nhập bằng cách mở lớp học tại nhà. Vậy nên sau khi cân nhắc kỹ và nhận được sự động viên của gia đình, mình đã đi tới quyết định này.
Nhiều người luôn muốn chờ cho đến khi tiết kiệm được 60-70% giá trị căn nhà rồi mới xuống tiền. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Thực ra mỗi người một hoàn cảnh, mình cho rằng không có quan điểm nào sai hay đúng. Tuy nhiên, với mình, nếu bạn đã có một khoản tiết kiệm nhất định, khoảng 30% giá trị căn nhà, thu nhập ổn định và có kế hoạch sinh sống lâu dài tại 1 nơi thì nên cân nhắc việc mua nhà thậm chí khi chưa tiết kiệm được 60-70% giá trị căn nhà.
Mình không quá am hiểu về thị trường bất động sản nhưng ai cũng đều biết giá nhà đất chắc chắn sẽ tăng trong tương lai. Do vậy, nếu cứ tiết kiệm tiền để đó chờ đủ mua nhà thì sẽ rất lâu mới đủ, tất nhiên không nói tới trường hợp dùng tiền để đi đầu tư sinh lời.
Phòng khách với cửa nhìn ra ban công đón ánh nắng
Sau khi vay nợ nhiều như vậy, bạn có cảm thấy bị áp lực tiền bạc không?
Nói không là nói dối. Mình đã suy nghĩ rất nhiều kể từ lúc có ý định mua nhà bởi vì quyết định này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn đến gia đình mình. Khi quyết định vay nợ, mình sẽ phải vay khoản tiền tiết kiệm của bố mẹ, khoản tiền mà bố mẹ có thể sẽ sử dụng cho mục đích nào đó khác. Tuy nhiên khi được gia đình động viên thì dần mình cũng bớt lo lắng hơn, thay vào đó mình tập trung vào công việc để nhanh chóng trả số nợ mua nhà.
Một số bạn trẻ cho rằng mua nhà là đang tiêu sản, khi còn trẻ nên để tiền đầu tư hơn là mua nhà. Bạn có đồng ý với ý kiến này không?
Với mình thì “tiêu sản” hay “tài sản” cũng chỉ là một định nghĩa trong đầu tư (cười). Điều mình quan tâm hơn là giá trị tinh thần của căn nhà mình sở hữu. Nếu mua nhà giúp mình có một cuộc sống tiện nghi hơn, thoải mái hơn thì dù có là “tiêu sản” thì cũng xứng đáng mà đúng không?
Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được tầm quan trọng của việc học cách đầu tư khi còn trẻ. Thế nhưng với một người không hiểu rõ về việc đầu tư, mình chọn đầu tư cho một mức sống tốt hơn.
Toàn cảnh phòng khách tiện nghi, thoải mái
Theo bạn, ưu và nhược điểm khi sở hữu 1 căn nhà ở tuổi còn trẻ như vậy là gì?
Sở hữu một căn hộ cho riêng mình khi còn trẻ sẽ giúp mình có một cuộc sống tiện nghi và thoải mái hơn, không phải đi thuê nhà nay đây mai đó. Bên cạnh đó, mình nghĩ rằng khi vay tiền để mua nhà, nó cũng giúp chúng ta trở thành một con người có trách nhiệm hơn trong việc quản lý chi tiêu và học được cách tiết kiệm để có thể trả nợ đúng hạn, điều mà nhiều bạn trẻ cảm thấy khá khó khăn.
Tuy nhiên quyết định mua nhà khi còn trẻ sẽ khiến bạn phải chịu gánh nặng về mặt tài chính. Bạn sẽ phải hy sinh những buổi mua sắm, ăn uống sang chảnh hay check-in du lịch xịn xò.
Sau khi mua nhà, thói quen tài chính của bạn có thay đổi gì so với trước không?
Mua nhà đòi hỏi mình phải quản lý chi tiêu một cách chặt chẽ hơn và tiết kiệm hơn. Thay vì thoải mái lên ứng dụng đặt đồ như lúc trước, giờ mình chăm nấu ăn ở nhà hơn. Hơn nữa mình cũng hạn chế mua sắm, hạn chế hội họp và học cách ghi chép chi tiêu để quản lý khoản tiền ra một cách chặt chẽ và chính xác nhất.
Bên cạnh đó, hàng tháng mình cũng dự toán những khoản chi tiêu trong tháng để xem mình tiết kiệm được bao nhiêu mỗi tháng. Nếu mà không dự tính khoản tiền tiết kiệm được hàng tháng, mình sẽ lại sa vào việc tiêu tiền quá đà.
Phòng ngủ và góc làm việc
Với những người đang chuẩn bị mua nhà, bạn có lời khuyên gì không?
Nhiều bạn nghĩ mình mua nhà thì chắc hẳn mình phải có nhiều tiền lắm, thế nhưng như mọi người thấy số tiền mình có sẵn rất ít. Vậy nên mình chỉ muốn nói rằng việc mua nhà khi tuổi còn trẻ cũng không phải việc gì quá to tát nếu bạn dám “liều”. Thế nhưng “liều” cũng phải có cơ sở, ví dụ như thu nhập của bạn phải ổn định, có thể vay được tiền của người thân để không phải chịu quá nhiều lãi suất ngân hàng.
Mỗi người sẽ có một kế hoạch riêng nhưng nếu bạn đã chấp nhận hy sinh những thú vui của tuổi trẻ và có đủ điều kiện để sở hữu cho riêng mình một căn nhà, các bạn cứ tự tin lên!
Xin cảm ơn Văn Hùng vì những chia sẻ!
Ảnh: NVCC
Theo Như Anh
Trí Thức Trẻ