Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: Trước tình trạng khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay, tỉnh Bình Phước lại có quyết định tăng giá nước kỳ hóa đơn tháng 7/2022 với mức tăng bình quân 6%/năm cho đến năm 2026 so với giá nước hiện tại.
Qua tham chiếu chi phí đầu tư và sản xuất nước sạch ở các địa bàn tương tự thì giá bán nước sạch cho hoạt động sản xuất dao động từ 11.000 – 12.000 đ/m3.
Trong khi đó, giá nước của Bình Phước từ tháng 6/2022 là 14.233 đ/m3, đây là mức cao so với các tỉnh trong khu vực. Việc tăng giá nước sạch cho sản xuất tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làm cho các doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Ngành Giấy là ngành có đặc điểm là sử dụng nhiều nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bình quân một nhà máy trung bình sử dụng 10.000m3/ngày-đêm, chính vì vậy, việc tăng trần giá nước dẫn đến chi phí tiền nước sạch cho sản xuất tại các đơn vị tăng cao.
Đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước áp dụng mức tăng bình quân là 3%/năm thay vì 6%/năm so với mức giá áp dụng từ kỳ hóa đơn tháng 7/2022.
Đồng thời có lộ trình tăng giá kéo dài đến năm 2030 thay vì đến năm 2026 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất, ổn định an sinh xã hội, góp phần thực hiện chính sách kìm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.
Quyết định lộ trình tăng giá nước sạch tối đa 6% của UBND tỉnh Bình Phước có phù hợp với giai đoạn hiện nay?
Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho biết hiện đều chung một tình trạng gặp khó sau đại dịch COVID-19.
Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường từ tác động bên ngoài lãnh thổ. Đơn cử như việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp khống chế dịch bệnh một cách mạnh mẽ khiến cho một phần lưu thông hàng hải quốc tế bị tê liệt trong một thời gian dài.
Trong khi nền kinh tế đang dần hồi phục, các doanh nghiệp đang từng bước vượt qua khó khăn thì tình hình chiến tranh, xung đột trên thế giới diễn ra hết sức phức tạp, đẩy giá xăng dầu lên cao khiến các doanh nghiệp tiếp tục gánh chịu hậu quả.
Bên cạnh đó, việc ngân hàng đang xiết chặt tín dụng, hạn chế cho vay nên các doanh nghiệp càng gặp khó khăn trong bối cảnh đang từng bước phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Còn đại diện Công ty TNHH MTV Giấy Khôi Nguyên cho biết: Theo Quyết định số 08 của UBND tỉnh Bình Phước thì với mức tăng giá áp dụng từ kỳ hóa đơn tháng 7/2022 so với giá nước hiện tại tăng 22,5% (mức giá sỉ đối với tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất hiện tại là 11.619 đ/m3 nước, mức giá áp dụng từ tháng 7/2022 là 14.233 đ/m3 nước).
Đây là mức tăng giá không phù hợp trong điều kiện các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức từ dịch bệnh và chiến tranh, đại diện Giấy Khôi Nguyên chia sẻ.
Ngành Giấy có đặc điểm là sử dụng nhiều nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bình quân một nhà máy trung bình sử dụng 10.000m3/ngày-đêm
Đối với đơn giá điều chỉnh khoảng 6%/năm từ năm 2023 đến năm 2026 theo đơn vị này cũng là chưa đủ căn cứ. "Việc xây dựng đơn giá nước phải được đánh giá vào tình hình thực tế của từng năm và thông qua việc kiểm tra của Sở tài chính làm cơ sở quy định áp dụng đơn giá.
Trong khi đó, các doanh nghiệp không thể trực tiếp thỏa thuận nên việc áp giá chúng tôi hoàn toàn không có sự lựa chọn hay đàm phán vì việc sử dụng nước là do chỉ định.
Do vậy, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh và các Cơ quan liên quan của tỉnh Bình Phước xem xét lại giá nước cho phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi kinh tế trong giai đoạn hết sức khó khăn này, đồng thời tạo chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư, nâng cao vị thế của tỉnh nhà", đại diện doanh nghiệp này nói thêm.
Trước đó, theo Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 09 tháng 05 năm 2022 của UBND tỉnh Bình Phước về lộ trình tăng giá nước từ năm 2022 đến năm 2026, trong đó với mức tăng giá áp dụng từ kỳ hóa đơn tháng 7/2022 so với giá nước hiện tại tăng 22,5%.
Cụ thể, mức giá bán buôn (sỉ) đối với tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất hiện tại là 11.619 đ/m3 nước tăng lên 14.233 đ/m3 nước từ kỳ hóa đơn tháng 7/2022. Đồng thời lộ trình tăng giá giai đoạn 5 năm từ 2022 đến 2026 là 6%/năm.
Việc tăng giá này đã vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Dịch bệnh và chiến tranh đã và đang khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp rất nhiều khó khăn
Về phía Sở Tài chính Bình Phước đã có Công văn số 1534/STC-GCS ngày 22/6/2022 do Phó Giám đốc sở Nguyễn Quốc Cường ký gửi UBND tỉnh Bình Phước khẳng định quá trình xây dựng và ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 09 tháng 05 năm 2022 của UBND tỉnh này về quy định giá nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bình Phước là hoàn toàn đúng quy định.
Trong đó, lộ trình giá nước sinh hoạt là 5 năm (2022-2026) theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 11 Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và tỷ lệ tăng giá hằng năm tối đa 6%/năm theo quy định tại Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 27/9/2011 của UBND tỉnh Bình Phước.
Xem thêm: mth.36770953131702202-couhp-hnib-hnit-auc-nart-hcik-coun-aig-gnat-iod-nahp-peihgn-hnaod/nv.ahos