Trên thị trường, hiếm có một sản phẩm nào lại có vị trí đáng nhớ trong ký ức tuổi thơ như bút bi Thiên Long. Xuất hiện từ mọi ngóc ngách từ trường học, cơ quan và cả ngôi nhà thân yêu với những vật dụng quen thuộc ngoài bút bi phải kể tới như bút chì, gôm tẩy, ghim bấm hay kẹp tài liệu….
Lớn dần theo các thế hệ người Việt, chủ quản bút bi Thiên Long là CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã CK: TLG) đang là thương hiệu số 1 trong lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam và hàng đầu trong khu vực sau hơn 40 năm hoạt động.
Những chiếc bút bi đầu tiên được sản xuất năm 1981, sau đó 15 năm công ty mới chính thức được thành lập, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới về nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã.
Với mẫu mã phong phú, chất lượng cao, thương hiệu uy tín và giá phù hợp, các sản phẩm của Thiên Long sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Tập đoàn Thiên Long sản xuất và kinh doanh 4 nhóm sản phẩm chính bao gồm: Bút viết và sản phẩm văn phòng tiện ích; dụng cụ văn phòng; dụng cụ học sinh và dụng cụ mỹ thuật.
Từ mưu sinh "đạp xe" bán bút bi dạo đến cơ ngơi vốn hóa gần 4.000 tỷ đồng
Thiên Long là công trình của vị "thuyền trưởng" Cô Gia Thọ, hiện là Chủ tịch HĐQT của tập đoàn. Những năm 1981, ông trải qua khoảng thời gian vất vả nắng mưa, đạp xe khắp thành phố bán bút bi dạo để biến một cơ sở sản xuất nhỏ chỉ với 20 nhân công, thành một "đế chế" hùng mạnh nhất về lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam.
Theo BCTN 2021, Thiên Long đã xây dựng và phát triển hệ thống kênh phân phối sâu rộng tại thị trường nội địa. Sản phẩm của Thiên Long có mặt trên khắp 63 tỉnh/thành trong cả nước và các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng, nhà sách, cửa hàng tiện ích... đồng thời phân phối thông qua các kênh như kênh thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tiếp cho trường học, doanh nghiệp (B2B),...
Tính đến hết năm 2021, tổng tài sản công ty là 2.446 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu kỳ. Doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.668 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 277 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 99% so kế hoạch.
Mặc dù trong năm 2021 ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là rất lớn, kết quả đạt được vẫn rất tích cực là do công ty thực hiện đồng loạt các giải pháp khi chuyển đổi phương thức kinh doanh, cơ cấu lại kênh bán hàng và kiểm soát tốt chi phí. Biên lãi gộp của Thiên Long được cải thiện đáng kể từ 38% năm 2020, sang năm 2021 tăng mạnh lên 42%.
Nguyên nhân được công ty giải trình là do thay đổi cơ cấu phân phối hàng, cụ thể đẩy mạnh bán các nhóm hàng có tỷ suất lợi nhuận cao và giảm tỷ trọng đối với các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp. Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng đạt 10,4% gia tăng so với mức 9% của năm 2020.
Riêng trong năm vừa qua, hoạt động xuất khẩu mang về cho Thiên Long 569 tỷ đồng, chiếm 21% tổng doanh thu tập đoàn và ngày càng khẳng định vị thế quan trọng. Trong các năm qua, doanh thu đến từ xuất khẩu vẫn liên tục tăng trưởng và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Sản phẩm Thiên Long hiện không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu ra nhiều thị trường như Trung Quốc, Campuchia, Myanmar, Philippines…
Thiên Long liên tục đầu tư phát triển thị trường xuất khẩu, đưa sản phẩm mang nhãn hiệu FlexOffice và Colokit đến với người tiêu dùng ở 67 quốc gia trên thế giới từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ. Bên cạnh đó, Thiên Long còn xuất khẩu các mặt hàng private label/nhãn hiệu riêng cho các khách hàng lớn trên thế giới.
Về cơ cấu sản phẩm, bút viết đang là sản phẩm chủ lực, đóng góp lớn nhất vào hoạt động kinh doanh của Thiên Long tính tới lúc này với doanh thu năm 2021 đạt 1.177 tỷ đồng, tương đương 44% doanh thu toàn Tập đoàn.
Trong những năm qua, mảng bút viết vẫn liên tục tăng trưởng, tuy có xu hướng chậm lại rõ rệt qua 2 năm đại dịch. Tuy nhiên, dù là nhóm chủ lực khi duy trì thị phần số 1 nội địa, nhưng tỷ trọng doanh thu từ bút viết ngày càng sụt giảm.
Trước năm 2014, nhóm bút viết luôn chiếm hơn một nửa doanh thu nhưng gần đây, nhóm dụng cụ văn phòng được xem như chiến lược tương lai của Thiên Long với tỷ trọng doanh thu ngày càng gia tăng. Đến năm 2021, tỷ trọng doanh thu sản phẩm bút viết chỉ còn 44%.
Đáng chú ý, nhóm dụng cụ văn phòng đang dần chiếm tỷ trọng doanh thu thuần tăng đều qua các năm.
Cụ thể, tỷ trọng doanh thu thuần nhóm văn phòng phẩm tăng từ 29% ở năm 2013 lên 32% trong năm 2020 và đạt 34% trong năm 2021. Yếu tố này khiến dụng cụ văn phòng trở thành chủ đạo trong kế hoạch phát triển của Thiên Long, trở thành hướng đi mới của doanh nghiệp.
Hoàn thành 40% mục tiêu lãi cả năm chỉ sau quý 1, cổ tức "đều như vắt tranh"
Sang năm 2022, công ty lên kế hoạch doanh thu thuần 3.250 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 280 tỷ đồng. Quý 1/2022, Thiên long đạt 794,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 114 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, với kết quả quý 1, Thiên Long dù mới hoàn thành được 24% mục tiêu doanh thu nhưng đã hoàn thành 41% mục tiêu lợi nhuận. Theo lý giải của Thiên Long, lợi nhuận cao so với cùng kỳ nhờ tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt làm doanh thu tăng trưởng khá, cùng với đó là việc công ty đã dự trữ được nguyên vật liệu giá thấp dẫn đến giá thành sản xuất được tối ưu.
Nhằm mục tiêu gia tăng sản lượng và tối ưu hiệu quả đầu tư, đầu năm nay Tập đoàn đã khởi động dự án mở rộng nhà máy Thiên Long Long Thành để gia tăng năng lực sản xuất. Tổng diện tích xây dựng khoảng 10.000 m2 với giá trị đầu tư khoảng 230 tỷ đồng. Việc xây dựng dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022.
Không chỉ kinh doanh tăng trưởng, TLG còn chia cổ tức đều đặn. Kể từ khi lên sàn năm 2010, công ty không năm nào quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Mới đây, TLG đã chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức 2021 đợt 2 với tỷ lệ 15% bằng tiền. Như vậy, Thiên Long đã chi trả tổng tỷ lệ cổ tức năm 2021 là 20%.
Tại ĐHCĐ năm 2022, TLG lại gây ấn tượng với kế hoạch chia cổ tức bằng tiền năm 2022 với tỷ lệ lên đến 30%.
Ngày 26/03/2010, cổ phiếu TLG chính thức được niêm yết trên HoSE. Từ đầu năm tới nay, bất chấp sự sụt giảm hơn 20% của VN-Index, Thiên Long lại giao dịch khởi sắc, đi ngược thị trường chung khi tăng 10%. Hiện, TLG đang giao dịch tại vùng đỉnh ngắn hạn 3 năm, quanh mốc 48.000 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 3.800 tỷ đồng.
Tiềm năng tăng trưởng bút viết 8%/năm từ nhu cầu phục hồi và xuất khẩu
Trong một báo cáo mới đây, Ông Nguyễn Đức Khang – Trưởng phòng phân tích CTCP Chứng khoán Pinetree nhận định, Thiên Long là một thương hiệu tốt giúp công ty giữ được biên lợi nhuận trong bối cảnh thị trường nguyên vật liệu đầu vào tăng giá.
Trong cơ cấu sản xuất của Thiên Long, nguyên vật liệu gồm có hạt nhựa và đầu bút chiếm phần lớn tỷ trọng. Hiện tại, giá dầu và hạt nhựa có sự tăng giá rất cao. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của TLG vẫn được cải thiện trong 4 tháng năm 2022 LNG tăng trưởng 30% trong khi doanh thu tăng trưởng 27%, lợi nhuận ròng tăng 65%.
Cre: Pinetree
Chuyên gia cũng đánh giá triển vọng kết quả kinh doanh thời gian tới với 2 nguyên nhân: Thứ nhất, học sinh sinh viên quay trở lại trường học sau một khoảng thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid.
Thứ hai, giới văn phòng công sở kêu gọi nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc thay vì làm việc tại nhà. Chính hai điều này sẽ làm gia tăng cho nhu cầu sử dụng các sản phẩm của Thiên Long.
Hơn nữa, tiềm năng tăng trưởng của Thiên Long còn đến từ cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam, là đối tượng chính sử dụng sản phẩm thời gian tới. Theo đó, thời gian học tập, làm việc sẽ dài hơn để cải thiện cho nhu cầu của sản phẩm TLG.
Ban lãnh đạo của Thiên Long cũng chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng thị trường bút viết, văn phòng phẩm của TLG sẽ có tỷ lệ tăng trưởng cao thời gian tới. Cụ thể, tăng trưởng bút viết tăng khoảng 8%/năm và các mảng khác khoảng 10%/năm".
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu Philippines và các nước ĐNA khác có tiềm năng rất lớn. Bởi các nước này có dân số đông, mà thiếu đi nhà sản xuất lớn và đặc thù nên thị trường sản phẩm ở đây rất phân mảnh.
https://cafef.vn/ong-chu-thuong-hieu-vua-but-bi-thien-long-tu-dap-xe-ban-dao-den-co-ngoi-von-hoa-gan-4000-ty-dong-20220704153531972.chn