“Mỏ vàng” của du lịch ngoại thành Hà Nội
Sơn Tây là vùng đất cổ nằm ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội. Đây là quê hương của các anh hùng dân tộc và danh nhân như Phùng Hưng, Ngô Quyền, Giang Văn Minh... Kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng chính là nguồn tài nguyên dồi dào để Sơn Tây phát triển du lịch với các sản phẩm đặc trưng.
Hiện trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 244 di tích, hàng trăm ngôi nhà cổ và rất nhiều điểm đến nổi tiếng như đền Và, thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam… Địa phương có 2 điểm du lịch được UBND TP. Hà Nội công nhận điểm du lịch là làng cổ Đường Lâm và điểm du lịch thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn).
Sơn Tây được ví là “mỏ vàng” của du lịch ngoại thành Hà Nội, khi hội tụ nhiều điểm cộng như giao thông thuận lợi, cảnh sắc đẹp, không khí trong lành, con người thân thiện… Tuy nhiên, trong thời gian dài, du khách đến Sơn Tây hầu hết là đi - về trong ngày, ít lưu trú.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Đại Thăng, Phó chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết, nhìn nhận rõ về cả thế mạnh và hạn chế, những năm qua, Sơn Tây đã tập trung phát triển du lịch với nhiều mô hình, điểm đến mới, như phố đi bộ thành cổ Sơn Tây, chùa Khai Nguyên, đền Măng Sơn, Văn Miếu - Sơn Tây; Đoài Creative, Phát Studio tại khu vực làng cổ Đường Lâm cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Tomodachi Retreat, Glory Resort… Riêng tại xã Kim Sơn, thôn Lòng Hồ đang nổi lên là một điểm du lịch nông thôn độc đáo, hấp dẫn.
“Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2025 - 2030 của thị xã Sơn Tây là trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”, ông Lê Đại Thăng nói.
Để du khách có những trải nghiệm trọn vẹn nhất
Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2025 - 2030 của thị xã Sơn Tây là trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Cùng với việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có, thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Sở Du lịch TP. Hà Nội, cùng các đơn vị du lịch triển khai nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn, như xe điện phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn thị xã; tour du lịch Đường Lâm mùa lúa chín; mô hình trồng hoa phục vụ du khách đến chụp ảnh; cà phê làng cổ và một số dự án bảo tồn và phục hồi giống gà Mía, chè Cam Lâm, làm tương và các sản phẩm bánh kẹo truyền thống…
Để du khách có những trải nghiệm trọn vẹn nhất, thị xã Sơn Tây khuyến khích các khu lưu trú, nhà hàng, cửa hàng và các dịch vụ khác nâng cao chất lượng hơn nữa, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Thị xã cũng sẽ phát triển thêm các sản phẩm mới như trải nghiệm thực tế làm nhà nông, tham quan trang trại trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi, thăm làng nghề…
Đặc biệt, Sơn Tây đang hợp tác với các địa phương khác, như Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai…, tạo thành chuỗi du lịch hấp dẫn ở khu vực phía Tây Hà Nội.
“Chúng tôi tiếp tục đầu tư, đào tạo nhân lực ngành du lịch; xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh, giữ gìn từng thôn làng, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp; tiếp tục bảo tồn, phát triển các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống gắn với du lịch như bánh tẻ Phú Nhi, bánh kẹo thủ công truyền thống ở Đường Lâm, các sản phẩm nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn OCOP gắn với văn hóa ẩm thực xứ Đoài… Du lịch Sơn Tây đang trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ và ngày càng thu hút du khách”, ông Thăng chia sẻ.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch thị xã Sơn Tây hiệu quả hơn, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng UBND thị xã Sơn Tây định hướng quy hoạch phát triển, hình thành 3 khu du lịch chính.
Cụ thể, khu du lịch Đồng Mô là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng; khu trung tâm thị xã - thành cổ - đền Và - làng cổ Đường Lâm sẽ trở thành khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng; khu du lịch Xuân Khanh được xây dựng để trở thành khu vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi, du lịch sinh thái.
Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với địa phương hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo hướng dành quỹ đất phát triển cơ sở lưu trú. Hướng dẫn các khu, điểm du lịch thị xã Sơn Tây đầu tư, phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nghiên cứu phát triển một số nhóm sản phẩm du lịch mới có tiềm năng như sản phẩm du lịch đường sông…