Ngay trước 23h một đêm định mệnh, Izabela Sajbor từ Ba Lan nhận ra các bác sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng, cho việc cô... chết.
Bác sĩ khi đó nói rằng thai nhi cô đang mang có những bất thường nghiêm trọng và gần như chắc chắn sẽ chết trong bụng mẹ. Kể cả nếu bằng một cách thần kỳ nào đó bé chào đời, tuổi thọ tối đa chỉ là 1 năm. Khi nhập viện, cô Sajbor mới mang thai được 22 tuần và bị vỡ ối sớm.
Cô chỉ biết rằng, cô có một khoảng thời gian ngắn để sinh non hoặc phẫu thuật loại bỏ thai nhi nhằm ngăn ngừa nhiễm khuẩn và nhiễm trùng huyết có khả năng gây tử vong. Nhưng ngay cả khi cô lên cơn sốt, nôn mửa và co giật trên sàn, điều duy nhất các bác sĩ quan tâm dường như chỉ là nhịp tim của thai nhi.
"Mạng sống của con đang gặp nguy hiểm", cô viết trong một chuỗi tin nhắn đau đớn với mẹ và chồng, sau đó được luật sư của gia đình cô chia sẻ với tờ The New York Times.
"Họ (các bác sĩ) không thể giúp gì nếu bào thai vẫn còn sống, chỉ vì luật cấm phá thai" - cô viết chỉ vài giờ trước khi qua đời. "Một người phụ nữ chẳng khác gì một cái lồng ấp".
Barbara Skrobol thăm mộ em dâu Izabela Sajbor tại một nghĩa trang ở Ba Lan.
Đó là tình cảnh u ám tại Ba Lan - một trong những nước có luật cấm phá thai nghiêm nhất thế giới. Tuy nhiên, viễn cảnh tương tự rất có thể sắp thành sự thật với nhiều phụ nữ Mỹ.
24/6/2022 là một ngày lịch sử đối với người dân Mỹ, khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đảo ngược phán quyết của án lệ Roe và Wade, từ đó kết luận quyền phá thai không phải hiến định. Phán quyết này sau đó đã trao lại cho các tiểu bang khả năng tự định đoạt việc cấm hay cho phép hành động trên.
Theo CNN trích dẫn, phán quyết của Tối cao Pháp viện nói rằng: "Hiến pháp không trao quyền phá thai, phán quyết trong các vụ kiện Roe và Casey sẽ đảo ngược. Thẩm quyền liên quan vấn đề phá thai được trả lại cho người dân và các đại biểu mà họ đã tin tưởng bầu chọn". Phán quyết này nhận được 6 phiếu ủng hộ của các thẩm phán bảo thủ tại Tối cao Pháp viện Mỹ.
Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng chỉ trích phán quyết này là "sai lầm bi thảm". "Khi (Roe v Wade) bị loại bỏ, điều rõ ràng là sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ ở đất nước này đang gặp nguy hiểm", ông Biden nói. "Đây là một con đường cực đoan và nguy hiểm mà tòa án đang vạch ra cho chúng ta".
Roe kiện Wade, hay trong tiếng Anh thường viết tắt là Roe v. Wade, là cách nói ngắn gọn của phán quyết mang tính lịch sử từ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 1973 nhằm hợp pháp hóa quyền phá thai trên toàn nước Mỹ.
Nói một cách dễ hiểu, phán quyết này tuyên bố Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ và đánh sập nhiều luật cấm phá thai của các tiểu bang trên toàn quốc. Quyết định năm đó liên quan đến một người phụ nữ tên Norma McCorvey - biệt danh Roe và muốn phá thai, nhưng vướng phải quy định cấm của nơi mình sống là bang Texas.
Trong hình là bà Norma McCorvey (Roe) cùng luật sư Gloria Allerd khi rời tòa nhà Tối cao Pháp viện Mỹ sau khi tòa lắng nghe một vụ kiện liên quan đến phá thai ở bang Missouri.
Roe sau đó nhờ cậy 2 luật sư kiện công tố viên địa phương là Henry Wade, lập luận rằng luật cấm phá thai của Texas là vi hiến.
Tháng 1/1973, Tối cao Pháp viện ra phán quyết 7 - 2 tuyên bố và diễn giải Hiến pháp cho phép phụ nữ phá thai trong 3 tháng đầu thai kỳ mà không bị nhà nước can thiệp.
Phán quyết trên được tái khẳng định một lần nữa vào năm 1992 trong vụ Planned Parenthood kiện Casey, kết luận phụ nữ có quyền phá thai cho tới thời điểm thai nhi có khả năng sống sót ngoài tử cung.
Năm 1976, chỉ vài năm sau khi Tối cao Pháp viện đưa ra ý kiến của mình trong Roe kiện Wade, hầu hết người Mỹ nghĩ rằng phá thai nên hợp pháp trong ít nhất một số trường hợp.
Những con số đó không thay đổi nhiều trong gần 50 năm. Hầu hết người Mỹ vẫn tin rằng phá thai là hợp pháp trong hầu hết các trường hợp. Nhưng chính trị Mỹ đã thay đổi. Và với quyết định của Tối cao Pháp viện trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson gần đây - đã lật ngược án lệ Roe - nói ngắn gọn, quyền phá thai không còn được bảo vệ ở cấp liên bang.
Việc này tác động mạnh mẽ đến hàng triệu phụ nữ Mỹ, nhất là những người thuộc các nhóm yếu thế, và theo lập luận của phong trào phản đối phán quyết, là đe dọa quyền tự do thân thể cũng như quyền tự quyết của phụ nữ.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện có ảnh hưởng thế nào?
Cần biết, phong trào đấu tranh vì quyền phá thai và ở phía đối diện là phong trào đòi luật cấm phá thai đã trở thành một trong những chủ đề gây chia rẽ mạnh mẽ nhất trong lòng xã hội và chính trị Mỹ. Phán quyết mới nhất này do đó đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ với những người đấu tranh vì quyền phá thai và biểu tình hôm 25/6 - ngay sau khi nó có hiệu lực.
Mia Stagner, một người tham gia biểu tình hôm đó ở Thủ đô D.C, sinh viên ngành khoa học chính trị 19 tuổi: "Những gì xảy ra ngày hôm qua là không thể tả nổi và kinh tởm. Bị ép làm mẹ không phải điều mà bất kỳ phụ nữ nào cũng nên chịu".
Chữ trên băng dán: "Công dân hạng 2".
Càng làm vấn đề thêm phức tạp, chỉ ngay sau khi phán quyết có hiệu lực, ước tính ít nhất một nửa số tiểu bang của Mỹ được cho là sẽ áp dụng quyết định này ngay lập tức hoặc càng sớm càng tốt. Đồng nghĩa với việc phá thai sẽ trở thành BẤT HỢP PHÁP ở hầu hết khu vực miền Nam và miền Trung Tây nước Mỹ.
Theo tạp chí Nature tỷ lệ đáng kể những người muốn phá thai nhưng không được tiếp cận với các dịch vụ này sẽ phải mang thai đủ tháng. Những hậu quả của việc này đã được nghiên cứu ghi nhận một cách kỹ lưỡng.
Một trong những nghiên cứu toàn diện nhất xem xét tác động của sự dễ dàng trong việc phá thai là Nghiên cứu Lối rẽ (Turnaway Study), một nỗ lực theo dõi khoảng 1.000 phụ nữ Hoa Kỳ trong 5 năm sau khi họ tìm cách phá thai và được chấp nhận hay bị từ chối.
Được dẫn dắt bởi Diana Greene Foster, một nhà nghiên cứu sức khỏe sinh sản tại Đại học California, San Francisco, nghiên cứu đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy những phụ nữ bị từ chối phá thai có nhiều khả năng sống trong cảnh nghèo đói hơn những người đã từng được phá thai.
Nguồn: Viện nghiên cứu Guttmacher (BBC)
Không chỉ tài chính, các lĩnh vực như giáo dục, sức khỏe thể chất và tinh thần ở phụ nữ bị từ chối phá thai cũng kém hơn so với những người tiếp cận được quy trình này.
Hơn nữa, một khi đã có trải nghiệm sinh con, nhóm bị từ chối phá thai cũng sẽ rất hiếm khi đưa con cho người khác nhận nuôi, có nghĩa là áp lực tài chính lên các gia đình nghèo khó chưa sẵn sàng có con sẽ càng lớn.
Mary Faith Marshall, nhà đạo đức y sinh tại Đại học Y khoa Virginia ở Charlottesville, nói rằng, dựa trên dữ liệu thu thập được trong nhiều năm, các quy định hạn chế phá thai sắp tới sẽ có tác động sâu sắc nhất đến người da màu và cộng đồng nghèo. "Bị buộc phải có con khi không phải thời điểm thích hợp sẽ đẩy những người vốn đã nghèo khó lại càng thêm nghèo".
Khó khăn cho những người muốn phá thai
Một lập luận của phe ủng hộ luật cấm phá thai là phụ nữ có thể đến các bang khác nếu cần thực hiện quy trình này. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như vậy.
Một trong những hậu quả tức thì nhất của sự sụp đổ án lệ Roe là nhiều người muốn phá thai giờ đây sẽ phải đi một quãng đường xa để được tiếp nhận. Caitlin Myers, một nhà kinh tế học tại Đại học Middlebury ở Vermont, người đã nghiên cứu các tác động tài chính của việc hạn chế phá thai, đã ước tính rằng, trong vòng vài tháng sau khi Roe bị lật ngược, 54% phụ nữ Mỹ muốn phá thai sẽ phải đi xa hơn so với trước đây để đến nơi cung cấp dịch vụ phá thai gần nhất.
Đối với những phụ nữ này, quãng đường di chuyển sẽ tăng trung bình từ khoảng 58km lên trung bình khoảng 441km. Những con số này vẫn chưa được công bố, nhưng chúng theo sát kết quả mà Myers và các đồng nghiệp của bà đã công bố trên tạp chí Contraception năm 2019.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã sai khi bỏ qua bằng chứng về tác hại của việc cấm phá thai
Myers cho biết: "Dựa trên những gì chúng tôi biết về cách phụ nữ phản ứng với khoảng cách di chuyển, khoảng 3/4 trong số họ vẫn cố gắng tìm cách ra ngoài (bang) và tiếp cận một nhà cung cấp dịch vụ nhưng khoảng 1/4 trong số đó thì không". Bà cho biết thêm, 1/4 này đại diện cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.
Án lệ Roe bị lật ngược cũng sẽ ảnh hưởng đến các tiểu bang nơi phá thai vẫn hợp pháp. Myers nói: "Điều gì sẽ xảy ra ngay sau đó là sẽ có một dòng chảy khổng lồ hàng trăm nghìn phụ nữ từ các bang cấm đến các bang nơi phá thai vẫn còn hợp pháp". Bà tin các nhà cung cấp dịch vụ sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu tăng vọt này.
Nguy cơ từ việc tự phá thai
Một hậu quả tiềm ẩn khác của việc hạn chế tiếp cận phá thai là mọi người có thể cố gắng bỏ thai mà không có sự giám sát y tế. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một số người có thể làm điều này bằng thuốc phá thai an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, Heidi Moseson, một nhà dịch tễ học tại Oakland, California, làm việc tại Ibis Reproduction, một tổ chức nghiên cứu toàn cầu ủng hộ quyền phá thai, cho biết vấn đề là nhiều người không biết đủ về thuốc phá thai. Cô và các đồng nghiệp của mình đã nghiên cứu những lần phá thai ở nhóm người chuyển giới, non-binary và giới tính khác ở Hoa Kỳ.
Người biểu tình tại Washington. Chữ trên biển: Phá thai là quyền con người.
1/5 từng mang thai trong số đó đã cố gắng tự phá thai. Moseson nói: "Thật không may, không ai nói rằng họ phá thai bằng thuốc" mà thay vào đó sử dụng các phương pháp không an toàn. Điều này càng đặc biệt đúng với nhóm dễ bị tổn thương, sống trong nghèo đói hoặc chưa đủ tuổi trưởng thành/chưa đủ nhận thức.
Nhưng đó mới là xét trên khía cạnh nhân khẩu học cũng như xã hội học.
Ở phía bên kia, những người ủng hộ luật cấm phá thai hay "pro-life" mạnh dạn lên tiếng "Chúng tôi sẽ nhận nuôi". Nhưng thực tế thì sao? Hơn 25% số trẻ trong tổng số hơn 400.000 trẻ tại các trung tâm bảo trợ và cô nhi viện tại Mỹ vẫn chưa được nhận nuôi trong nhiều năm qua.
Chưa kể đến những lo ngại về vấn đề đạo đức. Nhiều người ủng hộ quyền phá thai lo ngại rằng trẻ em chưa đủ tuổi trưởng thành để sinh sản an toàn; nạn nhân của tội phạm tình dục; và nhiều trường hợp bất khả kháng khác, dù có thể chỉ là tỉ lệ số ít, vẫn cần được bảo vệ.
Gen Z nói: Chưa kết thúc đâu!
Tạp chí Cosmopolitan hợp tác với YouGov, một tổ chức chuyên về phân tích dữ liệu, để tiến hành nghiên cứu phản ứng của Gen Z 18-25 tuổi về phán quyết lật ngược Roe v. Wade. Vì sao là nhóm này? Vì họ là nhóm có nghĩa vụ bầu cử trẻ nhất hiện tại, và nổi tiếng vì sẽ luôn đấu tranh cho niềm tin của mình.
Theo khảo sát, 2/3 thành viên Gen Z tự nhận mình là "pro-choice" - tức ủng hộ quyền tự do phá thai, cao hơn khoảng 20% so với trung bình toàn quốc ở Mỹ nếu tính cả các nhóm tuổi khác.
Đối với đại đa số Gen Z đã trả lời cuộc khảo sát - được tiến hành 2 tuần trước khi có ý kiến chính thức của Tối cao Pháp viện - cuộc chiến giành quyền tự do sinh sản vẫn chưa kết thúc và họ sẽ hành động.
Cứ 10 người thì có 9 người tin rằng họ có khả năng tạo ra tác động đáng kể khi bàn đến vấn đề tiếp cận phá thai an toàn. Hành động bao gồm tổ chức các cuộc biểu tình, quyên góp cho quỹ phá thai, tranh cử, chủ động thách thức bạn bè và gia đình nếu không tin vào quyền tự quyết về thân thể,...
Mặc dù một số thành viên của Gen Z thậm chí còn chưa có cơ hội bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng 25% nói rằng họ sẽ tham gia vào một chiến dịch để hỗ trợ các ứng cử viên có quan điểm về phá thai phù hợp với quan điểm của họ.
Để dễ so sánh, một cuộc thăm dò năm 2018 cho thấy chỉ có 7% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi cho biết họ đã tình nguyện tham gia một chiến dịch chính trị. Vì vậy, đây là một mức tăng khá lớn - quyền tự do phá thai rõ ràng ảnh hưởng nhiều đến quyết định chính trị và cả lá phiếu của những cử tri trẻ.
Thậm chí, 1/12 số Gen Z được khảo sát nói rằng họ sẽ đi xa đến mức ra tranh cử và tự tay giải quyết vấn đề này.
Gần 3/4 tin rằng bỏ phiếu cho các chính trị gia có cùng quan điểm với họ về phá thai là một cách hiệu quả để tạo ra sự thay đổi. Trên thực tế, nhiều Gen Z coi bầu cử là một trong những vũ khí tốt nhất mà họ có.
Tất nhiên, việc vận động sẽ còn ảnh hưởng đến những chính trị gia đang tại chức. Một người trả lời khảo sát cho hay họ sẽ "Liên hệ với các chính trị gia và yêu cầu họ đừng nhúng tay vào tử cung của chúng tôi".
Chữ trên biển, từ trái sang: "Giữ chuỗi hạt (ám chỉ tôn giáo) khỏi buồng trứng của tôi"; "Hãy nói về con voi trong tử cung (chơi chữ, ý chỉ một vấn đề nhạy cảm quá rõ ràng; con voi còn là biểu tượng cho Đảng Cộng hòa - phe bảo thủ trong cuộc tranh cãi về quyền phá thai)".
Ngoài vũ khí là lá phiếu, nhiều Gen Z chọn cách phản kháng nhẹ nhàng hơn. 1/6 cho biết sẽ tiến hành triệt sản trước quyết định lật ngược Roe. Theo số liệu của CDC, số người triệt sản ở độ tuổi Gen Z hiện tại đang rất thấp.
Một số phản hồi bằng văn bản nhấn mạnh những hậu quả nguy hiểm mà quyết định của Tối cao Pháp viện sẽ gây ra đối với sức khỏe và tính mạng của họ. Một người trả lời viết về vụ lật ngược của Roe cho rằng nó là "Một mối đe dọa tiềm tàng đối với mạng sống của tôi", trong khi một người khác giải thích, "Tôi thậm chí còn thấy bất an trong chính cơ thể mình". Một người khác chia sẻ, "Tôi đang bị buộc phải sống mà không có một mặt thiết yếu trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe".
Khoảng 1/3 Gen Z cho biết sẽ tham gia biểu tình. Một thứ khác được các Gen Z chọn sử dụng là tuyên truyền rộng rãi những câu chuyện cá nhân nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của việc cấm phá thai. Một Gen Z cho biết:
"Mẹ sinh ra tôi khi bà mới 19 tuổi. Cha tôi, một kẻ bạo hành, đã sử dụng tôi như đòn bẩy để giữ bà trong một cuộc hôn nhân độc hại hơn 20 năm. Mặc dù mẹ tôi không chọn phá thai, nhưng có hàng trăm phụ nữ trong hoàn cảnh của bà mỗi năm mà phá thai là lựa chọn đúng đắn duy nhất và họ nên được phép tự quyết".
Tuy nhiên, một trong những hành động có tác động lớn nhất có lẽ sẽ là làn sóng di cư nội địa và thậm chí xuất cư mà nước Mỹ phải chứng kiến trong thời gian tới. 1/8 Gen Z cho biết sẽ chuyển sang sống ở các bang cho phép phá thai; khoảng 1/9 còn nói rằng họ sẽ chuyển sang các nước khác sau phán quyết này - nơi có luật phá thai tự do hơn.
Cô Mitzi Rivas và con gái trong cuộc biểu tình vì quyền phá thai trước Tòa thị chính San Francisco sau phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Vẫn còn quá sớm để biết được hiệu quả của những phương án đấu tranh cho quyền tự do phá thai và tự do sinh sản của Gen Z, nhưng họ không phải những người duy nhất ở bên này "chiến tuyến".
Cuộc chiến pháp lý
Các tổ chức đấu tranh vì quyền phụ nữ và quyền tự do phá thai đã bắt đầu hành động tích cực, kể cả từ trước khi có phán quyết cuối cùng.
Những người ủng hộ quyền phá thai ở Kentucky, Idaho, Louisiana, Mississippi, Arizona và Texas - những bang bảo thủ nhất với quyền này, đã gửi đơn kiện từ cuối tháng 6 để ngăn chặn hoặc trì hoãn lệnh cấm. Tổ chức Planned Parenthood Nam Đại Tây Dương đã rút đơn gửi lên tòa án liên bang đối với lệnh cấm ở South Carolina, để có thể đệ trình một đơn kiện mới lên tòa án tiểu bang.
Những người ủng hộ quyền phá thai đang sử dụng chiến lược yêu cầu tòa án đưa ra các lệnh hoãn tạm thời mà ít nhất có thể cho phép việc phá thai được tiến hành trong ngắn hạn. 1 trong 3 phòng khám của bang Louisiana đã thông báo vào cuối tháng 6 họ sẽ mở cửa trở lại.
Chữ trên biển lớn, từ trái sang: "Chúng ta cần bảo vệ phá thai hợp pháp và an toàn"; "Quyền phụ nữ cũng quan trọng".
Biển trên cùng: "Tối cao Pháp viện đã sai".
Trong khi các hành động có tác động tức thời nhất xảy ra ở các bang có lệnh cấm hoặc hạn chế, các bang ủng hộ quyền phá thai cũng đã tăng cường các biện pháp bảo vệ của họ. Tại California, đa số các nhà lập pháp tiểu bang đã dự thảo sửa đổi hiến pháp vào cuộc bỏ phiếu tháng 11 để tăng cường thúc đẩy quyền phá thai cho 40 triệu cư dân của tiểu bang.
Tại Washington, Thống đốc Jay Inslee cho biết ông sẽ theo đuổi một sự thay đổi trong hiến pháp của bang đó để bảo lưu quyền phá thai vĩnh viễn.
Joanna Grisinger, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý của Northwestern, cho biết bà cũng mong muốn những người ủng hộ quyền phá thai sẽ thách thức khả năng thực thi của các "luật kích hoạt", mà hơn 10 bang đã ban hành để nhanh chóng cấm hoặc hạn chế phá thai sau quyết định của Tối cao Pháp viện.
"Có đủ mọi cách mà một bang có động lực có thể cố gắng tiếp tục, nếu họ có phiếu, để hạn chế hoặc cấm hầu hết các hoạt động phá thai", bà nói. "Nhưng chắc chắn có một số chiến lược trong những tháng tới mà chúng ta thấy sẽ có thể đẩy lùi loạt hành động trên".
Tuy nhiên, chỉ pháp lý vẫn chưa đủ
Brigitte Amiri, phó giám đốc Dự án Tự do Sinh sản từ Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ, cảnh báo rằng những thách thức lên tòa án, mặc dù quan trọng, nhưng không phải là thuốc chữa bách bệnh cho những người ủng hộ quyền phá thai. Ngay cả ở những nơi có thể tìm thấy sự an ủi từ tòa án, họ phải đối mặt với một bối cảnh pháp lý và chính trị vô cùng khó khăn về mặt lâu dài.
"Như chúng tôi vẫn thường nói, tòa án sẽ không thể cứu chúng ta" cô Amiri nói. "Điều đó vẫn đúng thậm chí khi Roe còn hiện hữu - khi đó bạn vẫn cần tất cả các công cụ trong hộp công cụ. Nhưng tôi nghĩ tình huống bây giờ còn căng thẳng hơn. Chúng ta phải đa dạng hóa những gì mình đang làm nhằm cố gắng đảm bảo khả năng tiếp cận phá thai".
Reuters đưa tin, vừa qua, hôm 8/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp giúp phụ nữ có thể dễ dàng tiếp cận các loại thuốc và dịch vụ phá thai.
Sắc lệnh chỉ đạo trực tiếp Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ mở rộng khả năng tiếp cận các loại thuốc phá thai kê đơn, và đảm bảo phụ nữ có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp, kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai. Ngoài ra, nó còn yêu cầu bảo vệ bác sĩ cũng như phụ nữ đi phá thai tại các phòng phá thai lưu động giữa biên giới các bang.
Dù vậy, tác động thực tế của sắc lệnh này chưa chắc đã có nhiều hiệu lực, do quyền hành pháp và tiếp cận các phương pháp phá thai vẫn thuộc về tiểu bang.
Với việc án lệ Roe v. Wade tuổi đời gần 50 năm bị lật ngược, cả nước Mỹ đã sục sôi cho cuộc đấu tranh vì quyền tự do thân thể. Kết quả sẽ còn lâu mới ngã ngũ, nhưng hãy hy vọng rằng điều tốt đẹp nhất sẽ đến với phụ nữ, những người dễ chịu tổn thương, và các nhóm yếu thế trong xã hội.
Nguồn: Tổng hợp
https://afamily.vn/phan-quyet-lat-nguoc-roe-kien-wade-phong-trao-doi-quyen-pha-thai-nong-hon-bao-gio-het-co-ca-mot-the-he-san-sang-dan-dat-thay-doi-20220713001459221.chnThạch Anh
Phụ nữ việt nam