Mới đây, Bộ Công Thương công bố dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại để lấy ý kiến hoàn thiện.
Trong đó, dự thảo chủ yếu đưa ra các quy định và tiêu chí để phân loại các loại hình địa điểm bán lẻ gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet.
Dự thảo yêu cầu, hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại phải đáp ứng yêu cầu như có diện tích, số lượng mặt hàng phù hợp với từng phân hạng, đáp ứng các yêu cầu chung về phòng cháy chữa cháy, có nơi trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp với quy mô, có nơi bảo quản hành lý cá nhân…
Đối với cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet và trung tâm outlet, các quy định có phần riêng biệt. Cụ thể, với cửa hàng tiện lợi, dự thảo thông tư yêu cầu phải được đặt tại vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người.
Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ, hàng tiêu dùng nhanh, số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng, được hoạt động tối đa 24 tiếng/ngày.
Đáng chú ý, dự thảo quy định những cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân, áp dụng công nghệ trong bán hàng, thanh toán. Đối với những đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m.
Sau khi dự thảo được đưa ra, một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp bán lẻ cho rằng nội dung trong dự thảo còn chưa rõ ràng và gây lúng túng, nhất là quy định cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách ở bán kính dưới 500m là chưa hợp lý, đề nghị cơ quan soạn cần thảo làm rõ hơn.
Trước phản ánh về bất hợp lý trên, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có một số thông tin phản hồi về quá trình xây dựng dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại.
Vụ Thị trường trong nước cho biết việc xây dựng dự thảo thông tư là nhằm góp phần phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Các quy định trong dự thảo thông tư không chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác, không phát sinh thủ tục hành chính, điền kiện đầu tư, kinh doanh.
Nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư tiếp tục kế thừa các quy định hiện vẫn còn phù hợp tại Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM và chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật hiện hành; bổ sung tiêu chí cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet trên cơ sở báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và ý kiến của các Sở Công Thương.
Đối với quy định về cửa hàng tiện lợi: "Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m" tại dự thảo thông tư, Vụ Thị trường trong nước khẳng định không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như "cách hiểu" của một số chuyên gia.
Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
Ngoài ra, thẩm quyền và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đối với lĩnh vực thương mại thực hiện theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguyễn Nga
Nhịp sống kinh doanh