vĐồng tin tức tài chính 365

Bạo động dữ dội, Tổng thống Sri Lanka lánh ra nước ngoài

2022-07-14 05:39

Hôm 13-7 (giờ địa phương), Thủ tướng Sri Lanka - ông Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc hiệu lực vô thời hạn, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa tháo chạy sang Maldives vào sáng cùng ngày.

“Vì Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời đất nước, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe với quyền tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc và áp đặt lệnh giới nghiêm ở các tỉnh phía tây” - hãng tin Reuters dẫn thông báo của Văn phòng chính phủ Sri Lanka. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay lập tức.

Bạo động dữ dội, Tổng thống Sri Lanka lánh ra nước ngoài ảnh 1

Người biểu tình xông vào văn phòng thủ tướng ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) ngày 13-7. Ảnh: CNN

Khủng hoảng kinh tế kéo theo bất ổn chính trị

Diễn biến trên là hệ quả của chuỗi ngày biểu tình kéo dài của người dân Sri Lanka vì bất mãn với năng lực lãnh đạo của chính quyền Colombo khi không thể vực dậy nền kinh tế chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất nước này 70 năm trở lại đây. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi hàng trăm người biểu tình tràn vào dinh tổng thống và dinh thủ tướng Sri Lanka hôm 9-7 để yêu cầu hai lãnh đạo từ chức. Truyền thông địa phương cho biết cả hai địa điểm này đều bị đập phá nghiêm trọng.

Lực lượng không quân Sri Lanka xác nhận Tổng thống Rajapaksa cùng phu nhân đã rời khỏi đất nước và tới Maldives - một quốc đảo ở Nam Á. Reuters dẫn một nguồn tin chính phủ và một người thân cận với ông Rajapaksa cho biết tổng thống đang ở thủ đô Male của Maldives và khả năng cao sẽ tiếp tục di chuyển đến một quốc gia châu Á khác. Hiện chưa rõ ông Rajapaksa sẽ chính thức từ chức vào khi nào, song hàng ngàn người biểu tình vẫn cố thủ bên trong dinh tổng thống và tuyên bố không rời đi khi ông chưa từ chức.

Trong một bài phát biểu ngày 13-7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka - ông Mahinda Yapa Abeywardena cho biết theo Hiến pháp nước này, do tổng thống hiện không có khả năng đảm đương trọng trách lãnh đạo, mọi quyền hành tổng thống sẽ tạm thời chuyển cho thủ tướng cho đến khi nào bầu được tổng thống mới. “Tôi kêu gọi công chúng duy trì thái độ ôn hòa và đặt niềm tin vào quy trình do Quốc hội đã vạch ra để bổ nhiệm tổng thống mới vào ngày 20-7” - ông Abeywardena nói.

Bất chấp khủng hoảng đang xảy ra, Reuters cho biết cổ phiếu Sri Lanka vẫn tăng trưởng. Chốt phiên giao dịch ngày 12-7, chỉ số CSE All-Share của thị trường chứng khoán Sri Lanka tăng 0,87%. Đây là phiên thứ ba liên tiếp chỉ số này đi lên, chủ yếu nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghiệp.

Tương lai mịt mù phía trước

Đài CNN nhận định bất cứ ai tiếp quản việc điều hành đất nước đều phải đối mặt với con đường khó khăn phía trước. Sri Lanka đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất và khả năng tình trạng thiếu nhiên liệu, lương thực có thể trầm trọng thêm trong vài ngày tới. Dàn lãnh đạo đất nước sắp tới cũng có thể phải đối mặt với các vấn đề về tính hợp pháp, liệu họ có được công chúng công nhận hay không. Nhiều người biểu tình phản đối Tổng thống Rajapaksa cũng có quan điểm không ủng hộ cả những nghị sĩ trong Quốc hội - những người mà họ xem là một phần trong nhóm chính trị đã gây ra tình trạng khủng hoảng kinh tế Sri Lanka.

Điều đặc biệt quan trọng đối với Sri Lanka là cần có một chính phủ hoạt động ổn định có thể tiếp tục đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Với khoản nợ 51 tỉ USD không có khả năng chi trả và dự trữ ngoại hối của nước này đã cạn kiệt không còn đủ khả năng nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men, Sri Lanka hy vọng vào khoản cứu trợ khẩn cấp 4 tỉ USD từ IMF. Đại diện IMF cho biết hôm 10-7 rằng tổ chức này hy vọng “một giải pháp cho tình hình hiện tại sẽ cho phép nối lại đối thoại giữa hai bên”.

Tình hình tại Sri Lanka cũng gây lo ngại cho các cường quốc thế giới, trong đó có Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Washington đang theo dõi các diễn biến ở Sri Lanka và kêu gọi quốc hội nước này nhanh chóng có giải pháp giải quyết sự bất bình của người dân. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) mới đây, ông Blinken nói rằng Mỹ lên án các cuộc tấn công nhằm vào những người biểu tình ôn hòa trong khi kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về bất kỳ bạo lực liên quan đến người biểu tình.•

Khủng hoảng Sri Lanka tác động ra sao?

Tờ South China Morning Post dẫn nhận định của chuyên gia Lin Minwang thuộc ĐH Phúc Đán (TQ) rằng cuộc khủng hoảng Sri Lanka hiện nay sẽ tác động lớn đến mối quan hệ giữa TQ và nước này.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa thuộc gia tộc Rajapaksa đã nắm quyền lãnh đạo Sri Lanka hàng chục năm qua và gia tộc này có mối quan hệ rất thân thiết với Bắc Kinh. Khi Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống Gotabaya, nắm quyền giai đoạn 2005-2015, Sri Lanka đã ký một loạt thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng với TQ, bao gồm cho TQ thuê cảng Hambantota trong 99 năm để trừ nợ.

“Trong ngắn hạn, quan hệ giữa TQ và Sri Lanka sẽ chịu tác động lớn vì sự suy giảm ảnh hưởng của gia tộc Rajapaksa. Gia tộc này có thể sẽ không quay lại vũ đài chính trị trong tương lai gần” - ông Lin nhận xét.

Chuyên gia này cũng cho rằng cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka cũng là một “lời cảnh tỉnh” đối với các nhà đầu tư TQ vốn ưu tiên tìm đến các quốc gia đang phát triển nhưng còn bất ổn.

“Tôi sẽ không gọi đây là bài học nhưng là một lời nhắc nhở, rằng cần xem xét đến năng lực quản trị địa phương khi thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là khi môi trường quốc tế nói chung không tốt và tỉ lệ nợ của các nước Nam Á nhìn chung rất cao” - ông Lin nói thêm.

Có những đồn đoán rằng lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa có thể trở thành thủ tướng Sri Lanka, nếu nhận được sự ủng hộ áp đảo từ Quốc hội. Điều này càng tạo thêm sự bất định với TQ, vì ông Premadasa chủ trương thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ và Nhật.

Xem thêm: lmth.110986tsop-iaogn-coun-ar-hnal-aknal-irs-gnoht-gnot-iod-ud-gnod-oab/nv.olp

“Bạo động dữ dội, Tổng thống Sri Lanka lánh ra nước ngoài”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools