HĐND TP.HCM vừa chấp thuận điều chỉnh tăng vốn đầu tư ba dự án cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) và cầu Phước Long (nối quận 7 và huyện Nhà Bè). Tổng mức đầu tư của ba dự án sau khi điều chỉnh lên đến 2.200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP (trong đó mức vốn tăng thêm khoảng hơn 920 tỉ đồng). Dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ nay tới năm 2025.
Hình ảnh cầu Tăng Long nằm im chờ mặt bằng. Ảnh: Đ.TRANG |
Cầu khởi công rồi ngưng nhiều năm
Theo ghi nhận của PV, dự án cầu Tăng Long, TP Thủ Đức được thi công từ tháng 12-2017. Đến cuối năm 2019 dự án phải ngưng thi công cho tới nay do vướng mặt bằng. Đến nay, khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 32%.
Hiện công trường không có bóng người, cỏ mọc um tùm, sắp thép gỉ sét. Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2019 với tổng mức đầu tư hơn 450 tỉ đồng.
Tương tự, cầu Ông Nhiêu nằm trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) cũng được khởi công từ tháng 12-2017, với tổng mức đầu tư 425 tỉ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, dự án này dự kiến hoàn thành năm 2018 nhằm đảm bảo tĩnh không phục vụ cho tàu thuyền lưu thông. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông) cho biết đến nay dự án mới chỉ đạt tiến độ 1%-2% tổng mức đầu tư.
Dự án cầu Phước Long được khởi công vào tháng 2-2020, với tổng mức đầu tư 397 tỉ đồng. Dự án được kỳ vọng góp phần giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo giao thông trên tuyến đường Phạm Hữu Lầu; đảm bảo kết nối hai tuyến Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát. Ban giao thông cho biết đến nay dự án đạt gần 40% khối lượng và đang phải chờ giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời hạ tầng kỹ thuật.
Đội vốn do thiếu mặt bằng
Lý giải về nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ, dẫn đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, Sở GTVT TP.HCM cho biết do thiếu mặt bằng và chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, mới đây HĐND TP đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư ba dự án trên lên đến 2.200 tỉ đồng.
Cụ thể, đối với dự án cầu Ông Nhiêu, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã cắm ranh mốc ngoài thực địa cho địa phương để thực hiện GPMB. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thông báo 91/103 hộ, còn 12 hộ bị ảnh hưởng chưa ban hành thông báo thu hồi đất.
Để các dự án cầu không còn tình trạng đội vốn, cần làm sao sau khi có quy hoạch thì phải giải toa, giải phóng mặt bằng ngay.
TS Võ Kim Cương
Hiện UBND phường Long Trường và phường Phú Hữu đang kiểm tra, rà soát để xác định diện tích thu hồi đối với 12 trường hợp còn lại nhằm phát hành thông báo thu hồi đất.
Do phát sinh chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường GPMB dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 425 tỉ đồng lên hơn 763 tỉ đồng (tăng hơn 338 tỉ đồng). Dự án này sẽ được đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tương tự, đối với dự án cầu Tăng Long, Sở GTVT cho biết do phát sinh chi phí bồi thường GPMB nên dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 449 tỉ đồng lên hơn 688 tỉ đồng (tăng hơn 238 tỉ đồng). HĐND TP cũng đã thống nhất phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành tới năm 2024.
Đối với dự án xây dựng cầu Phước Long, công trình đang tạm ngưng thi công do chưa bàn giao mặt bằng để đảm bảo hoàn thiện các hạng mục còn lại. Việc ngưng thi công dự án đã gây phát sinh chi phí bồi thường GPMB và một số chi phí khác.
HĐND TP đã đồng ý điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ hơn 397 tỉ đồng lên hơn 748 tỉ đồng (tăng hơn 350 tỉ đồng) và thời gian hoàn thành tới năm 2025.
Đối với dự án này, UBND huyện Nhà Bè cho biết huyện đã hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường cho các hộ dân theo quy định. Huyện sẽ phấn đấu bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công trong năm 2023.
Phía UBND quận 7 cũng đang hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, đo đạc khu vực dự án. Ban Bồi thường GPMB quận 7 đã hoàn tất thủ tục thẩm định giá đất ở và đất nông nghiệp. Dự kiến quý III-2022 sẽ hoàn chỉnh pháp lý thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công vào quý IV-2022.•
Cần giải phóng mặt bằng ngay khi có quy hoạch
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định: Để các dự án cầu không còn tình trạng đội vốn, cần làm sao sau khi có quy hoạch thì phải giải tỏa, GPMB ngay.
Sau khi có đất trắng thì hãy bắt đầu khởi công. Hãy giữ nguyên kỷ luật và khởi công trong một thời gian ngắn, tránh khởi công rồi để đó, kéo dài, đội vốn. Khi có mặt bằng sạch thì các đơn vị thi công, chủ đầu tư sẽ chủ động và làm công trình đúng tiến độ đề ra.
“Nếu dự án bị chậm tiến độ sẽ khiến nhà thầu bị tổn thất, chịu phát sinh ngay từ khi tham gia dự án và nếu dự án càng chậm thì nhà thầu càng chịu thiệt. Thậm chí, nhiều trường hợp Nhà nước phải bồi thường hợp đồng” - ông Cương góp ý.