Ngày 14/7, bị cáo Dương Thị Huê, SN 1985, trú tại thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại phiên toà, bị cáo Huê thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo hồ sơ vụ án, Dương Thị Huê là giám đốc công ty TNHH Global Happinees, có trụ sở tại Tp.Bắc Ninh. Công ty của Huê sau đó được cấp giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ tư vấn du học tự túc, không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng.
Đến năm 2017, công ty làm ăn thua lỗ, mất khả năng trả nợ nên Huê đã thực hiện nhiều hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người khác. Huê lợi dụng mối quan hệ quen biết với bà Nguyễn Thị Hộ, SN 1951, trú tại Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An và chị Nguyễn Thị Xuyến, SN 1989, trú tại tỉnh Bắc Giang để lừa đảo.
Dương Thị Huê đã đưa thông tin sai sự thật. Nữ giám đốc này khẳng định công ty mình có khả năng đưa người đi XKLĐ với tổng chi phí 6.000 USD. Người lao động chỉ cần nộp hồ sơ gồm: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, hộ chiếu. Nếu giới thiệu được 1 người đi lao động Hàn Quốc thành công thì Huê sẽ trích hoa hồng từ 1.000 đến 2.000 USD.
Huê đã mời 2 người này trực tiếp đến công ty để tạo lòng tin. Lúc đến công ty thì bà Hộ và chị Xuyến thấy có nhiều người đang học tiếng Hàn nên tin tưởng Huê và công ty có chức năng đưa người đi XKLĐ Hàn Quốc. Thấy yên tâm, bà Hộ và chị Xuyến đã truyền đạt lại cho người thân, bạn bè để ai có nhu cầu thì liên hệ, họ sẽ giúp đưa sang Hàn Quốc làm việc. Từ đó, Huê đã lợi dụng những người này để lừa đảo.
Bà Hộ trước đó từng có thời gian làm môi giới cho một số người đi XKLĐ tại Đài Loan, Malaysia nên được nhiều người tin tưởng. Sau khi nghe bà Hộ có mối đưa người đi Hàn Quốc nên từ cuối năm 2017 đến tháng 10/2018 có 18 người nhờ bà Hộ làm thủ tục đi Hàn Quốc. Sau khi nhận hồ sơ và tền của những người này, bà Hộ trực tiếp đưa họ ra công ty TNHH Global Happinees để gặp Huê tư vấn trực tiếp. Bà Hộ giao hồ sơ, tiền đặt cọc cho Huê làm thủ tục đi XKLĐ cho họ. Sau khi được Huê cấp mã Code vida giả cho ngời lao động thì Huê yêu cầu họ đóng thêm tiền cho bà Hộ. Sau khi nhận tiền, Huê đã chiếm đoạt sử dụng vào mục đích cá nhân.
Theo đó, CQĐT xác định trong thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 10/20218, Dương Thị Huê đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với bà Nguyễn Thị Hộ và chị Xuyến lừa đảo, chiếm đoạt của 41 người với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng. Nạn nhân của Huê ở khắp các tỉnh thành từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình….
Đứng trước bục khai báo, Dương Thị Huê cho biết vì làm ăn thua lỗ, nợ nần nên đã nảy sinh ý định lừa đảo bằng hình thức đưa người đi XKLĐ. Các bị hại tham dự phiên tòa yêu cầu phải trả lại tiền cho họ. Bị cáo Huê xin lỗi các bị hại và hứa sẽ trả lại toàn bộ số tiền mà Huê đã chiếm đoạt.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Dương Thị Huê 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị Xuyến đã nhận hồ sơ và tiền của người lao động, nhưng sau đó đã chuyển hết cho Huê. Chị Xuyến không chiếm đoạt nên không có dấu hiệu đồng phạm với Huê. Do đó CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự với Xuyến.
Còn bà Hộ đã nhận tiền, hồ sơ của 18 người và cũng chuyển hết cho Huê. Tuy bà này có giữ lại 930 triệu đồng (theo bà đó là số tiền hoa hồng được hưởng), nhưng sau khi Huê bị khởi tố, bà đã trả lại số tiền trên, còn 2,4 triệu đồng. Mặt khác bà Hộ cũng đã tự bỏ ra 65 triệu đồng nhờ Huê làm thủ tục cho cháu và bị Huê chiếm đoạt. Xét thấy bà này không có ý thức lừa dối để chiếm đoạt tài sản của người lao động, do đó, hành vi của bà Hộ không có giấu hiệu đồng phạm với Huê, mà thực chất bà Hộ cũng là nạn nhân nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự.