vĐồng tin tức tài chính 365

Nữ sinh bị bạn học 'cướp thân phận'

2022-07-15 03:12

Năm 2004, La Thái Hà tốt nghiệp trường trung học số 1 Thiệu Đông ở huyện Thiệu Đông, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam.

Chỉ đạt 514 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học, không đủ điểm nguyện vọng hai, nữ sinh 18 tuổi quyết định không ôn thi lại một năm vì nhà nghèo. Cô điền nguyện vọng ba vào một trường cao đẳng, muốn học xong trong ba năm rồi nhanh chóng đi làm phụ giúp gia đình.

Sau nhiều ngày chờ đợi, Hà hỏi giáo viên về giấy báo nhập học, nhưng phía nhà trường nói không nhận được giấy báo của cô. Thông thường, điều đó có nghĩa là Hà không được nhận học.

Gia đình chỉ còn cách cố gắng tiết kiệm tiền cho Hà học lại một năm. Nhờ chăm chỉ ôn tập, Hà trúng tuyển vào Đại học Sư phạm Thiên Tân năm 2005 với mong ước trở thành giáo viên.

Nhưng khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, Hà bỗng gặp phải hai chuyện kỳ lạ.

Năm 2008, Hà cùng các bạn thi đỗ chứng chỉ giáo viên, nhưng khi nộp đơn vào ngày 9/7, Hà được thông báo rằng thông tin của cô đã được đăng ký ở tỉnh Quý Châu, phải chờ xem xét lại.

Đến 1/3/2009, Hà vẫn chưa xin được chứng chỉ giáo viên. Sau khi tham dự hội chợ việc làm tại trường, cô ra Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc mở tài khoản trực tuyến để tiện cho việc thanh toán lương sau này. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng cho biết thông tin thẻ căn cước của Hà đã được sử dụng ở chi nhánh Quảng Châu.

Đề nghị ngân hàng cho xem lại, Hà ngỡ ngàng khi thấy tên và thông tin là của cô nhưng ảnh lại là người khác. Nhìn kỹ, Hà phát hiện cô gái này chính là Vương Giai Quân, bạn học cấp ba.

Hà liên lạc với các bạn học cũ để hỏi thăm tình hình của Quân. Cô được cho biết trong kỳ thi đại học năm 2004, Quân chỉ đạt 335 điểm nhưng lại vào được Đại học Sư phạm Quý Châu. Bạn bè trong lớp đồn đoán rằng gia đình Quân dựa vào quan hệ để được nhận vào trường.

Ngày 5/3/2009, Hà nhận được tin đơn xin cấp chứng chỉ giáo viên bị hủy bỏ. Cơ quan cấp chứng chỉ xác nhận La Thái Hà đã được đăng ký thông tin và lấy chứng chỉ giáo viên ở thành phố Quý Dương (Quý Châu), vì vậy họ chỉ có thể hủy bỏ đơn xin cấp chứng chỉ sau.

Hà không thể chấp nhận kết quả này. Là sinh viên sư phạm, việc không lấy được chứng chỉ giáo viên đồng nghĩa với việc cô không thể làm công việc giảng dạy. Hà nhận ra rằng nếu Quân thực sự đánh cắp danh tính của cô, không chỉ chứng chỉ giáo viên mà cả chứng chỉ tốt nghiệp cô cũng sẽ không lấy được.

La Thái Hà cầm ảnh của Vương Giai Quân. Ảnh: China Youth Daily

La Thái Hà cầm ảnh của Vương Giai Quân. Ảnh: China Youth Daily

Tháng 3/2009, Hà đệ đơn trình báo bị đánh cắp danh tính ở đồn cảnh sát quận Tây Thanh, thành phố Thiên Tân, nơi cô theo học. Cảnh sát đề nghị Hà trình báo ở quê nhà vì việc điều tra giữa các khu vực khác nhau sẽ khó khăn hơn.

Ngày 18/3/2009, Hà ủy quyền cho bố trình báo vụ việc tại đồn cảnh sát huyện Thiệu Đông, nhưng không thành công. Nguyên nhân chính là khi điều tra qua hệ thống, thông tin danh tính của Hà và Quân vẫn bình thường, không bị mất hay có sự trùng lặp bất thường. Thiếu chứng cứ, cảnh sát địa phương không đồng ý lập hồ sơ.

Biết chuyện, Hà vội trở về quê để cùng gia đình tìm cách thu thập chứng cứ. Trong thời gian này, Hà cũng lấy được bằng chứng mẹ của Quân, bà Dương Vinh Hoa, từng thừa nhận hành vi mạo danh.

Bố của Quân là ông Vương Tranh Vanh, quan chức công an huyện, đến tìm Hà, đề nghị cô thay đổi số thẻ căn cước, sau đó ông ta sẽ giúp cô giải quyết vấn đề chứng chỉ tốt nghiệp và chứng chỉ giáo viên, đồng thời bồi thường 20.000 nhân dân tệ. Ông Vanh bày tỏ đây là cách giải quyết đôi bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, Hà và bố mẹ kiên quyết từ chối. Ông Vanh tức giận nói: "Quen biết tôi là vinh hạnh của cô, để tôi xem xem cô có tài cán thế nào".

Thấy thái độ vênh váo của ông Vanh, Hà quyết tâm đi tìm công lý. Cô tham khảo ý kiến của các luật sư, được biết rằng vụ việc này liên quan đến nhiều thành phố, khó thu thập bằng chứng nên rất khó khởi tố.

Tháng 3/2009, Hà trình báo Cục Quản lý Dân số và Xuất nhập cảnh thuộc Sở Công an tỉnh Hồ Nam, giao nộp tất cả bằng chứng đã có. Khác với tình huống trước đó, vụ việc thu hút sự quan tâm lớn của cảnh sát địa phương và nhanh chóng được lập hồ sơ điều tra.

Sau khi lần lượt kiểm tra thông tin đăng ký hộ khẩu của Hà và Quân, cảnh sát nhận thấy có sự khác thường trong quá trình thay đổi hộ khẩu.

Trước 2005, hộ khẩu của Hà ở Thiệu Đông, sau 2005, hộ khẩu của cô được chuyển đến Thiên Tân để học đại học và không thay đổi kể từ đó. Còn hộ khẩu của Quân vẫn luôn ở Thiệu Đông, vậy Quân đang sử dụng hộ khẩu của ai để làm việc ở Quảng Châu?

Theo điều tra, hộ khẩu của "La Thái Hà giả" được chuyển từ Thiệu Đông đến Quý Dương bốn năm, trùng với thời gian Quân đi học tại Đại học Sư phạm Quý Châu. Sau đó, hộ khẩu này lại được chuyển về Thiệu Đông rồi mới chuyển đến Quảng Châu, không trực tiếp chuyển từ Quý Dương đến Quảng Châu. Là nơi trung chuyển, Thiệu Đông được xác định có nghi vấn lớn nhất.

Sau khi xác nhận Quân đánh cắp thông tin hộ khẩu của Hà, cảnh sát triệu tập gia đình Quân để thẩm vấn.

Trước bằng chứng, bà Hoa cho biết mọi việc đều do một tay bà thực hiện. Khi con gái trượt đại học, bà nhận được một cuộc gọi nặc danh hứa giúp Quân vào được một trường đại học hạng hai. Bà Hoa đồng ý trả 50.000 nhân dân tệ làm giao dịch. Bà đổi tên thành La Vinh Hoa, nói với người ngoài rằng con gái theo họ mình, tên là La Thái Hà. Lời khai của bà Hoa đổ hết tội lỗi lên một người xa lạ với một số điện thoại không thể liên lạc được.

Để nộp đơn kiện, Hà nhiều lần đến tòa án ở ba quận khác nhau của Thiên Tân. Tuy nhiên, cô gặp nhiều khó khăn vì vụ việc liên quan đến bốn thành phố, có lượng lớn bị cáo, ngoài Quân và gia đình còn có các cơ quan, đơn vị đã xử lý thông tin hộ khẩu của hai người.

Hà quyết định nhờ đến sức mạnh của công chúng. Cô đăng tải câu chuyện lên mạng, thu hút sự chú ý của dư luận, nhiều phương tiện truyền thông bắt đầu theo dõi quá trình điều tra.

La Thái Hà nhận phỏng vấn của CCTV năm 2009. Ảnh: Toutiao

La Thái Hà nhận phỏng vấn của CCTV năm 2009. Ảnh: Toutiao

Ngày 5/5/2009, tờ China Youth Daily đăng tải phóng sự đặc biệt về việc Hà bị mạo danh thế chỗ học đại học, đẩy dư luận lên cao, gây áp lực lớn cho cảnh sát.

Ngay hôm sau, thành phố Thiệu Dương thành lập một tổ điều tra đến huyện Thiệu Đông xử lý vụ việc Ngày 7/5, đội điều tra của Sở Công an tỉnh Hồ Nam cũng đến Thiệu Đông.

Cảnh sát thu thập được giấy chuyển hộ khẩu gốc ở Quý Dương, hồ sơ cá nhân của "La Thái Hà giả" tại Đại học Sư phạm Quý Châu, cùng con dấu và giấy tờ đăng ký hộ khẩu ở đồn cảnh sát huyện Thiệu Đông.

Cảnh sát phát hiện con dấu trên giấy chuyển hộ khẩu sai phạm giống hệt con dấu của đồn cảnh sát huyện Thiệu Đông.

Ngày 9/5, cảnh sát hủy bỏ hộ khẩu giả mạo của Quân, có nghĩa là tất cả những gì Quân có được dựa trên hộ khẩu giả này, bao gồm chứng chỉ tốt nghiệp và chứng chỉ giáo viên, đều không có giá trị.

Ngày 10/5, cảnh sát bắt giữ bố mẹ Quân. Sau nhiều lần thẩm vấn, ông Vanh khai nhận mọi chuyện.

Theo đó, tháng 8/2004, lợi dụng chức vụ tại công an huyện, ông Vanh tìm gặp giáo viên chủ nhiệm của con gái, mua thông tin liên quan về Hà. Sau đó, ông ta có được một giấy chuyển hộ khẩu để trống nhưng đã đóng dấu, tự điền thông tin của Hà vào. Ông ta tiếp tục lấy hồ sơ tuyển sinh đại học của con gái rồi thay đổi thông tin trong một cửa hiệu in ấn. Cuối cùng, thông qua mối quan hệ với bạn học cũ, ông Vanh giúp con gái được Đại học Sư phạm Quý Châu nhận với số điểm thấp hơn điểm chuẩn 20 điểm. Bị Quân lấy mất danh tính, Hà không có cơ hội vào trường cao đẳng.

Hà kiện ông Vanh ra tòa dân sự, đòi bồi thường 100.000 nhân dân tệ tổn thất tinh thần với cáo buộc xâm phạm quyền được giáo dục. Nhưng do không có căn cứ pháp lý rõ ràng, ông Vanh chỉ bị tuyên phạt bồi thường 45.000 nhân dân tệ.

Ngày 11/5/2009, ông Vanh bị bắt giữ vì nghi nhận hối lộ, giả mạo, sửa đổi tài liệu, chứng từ và con dấu của cơ quan nhà nước. Ngày 26/10/2009, ông Vanh bị tuyên án bốn năm tù. Những người liên quan cũng nhận trừng phạt.

La Thái Hà nhận giải thưởng  Công dân tiêu biểu năm 2011. Ảnh: Rednet

La Thái Hà nhận giải thưởng "Công dân tiêu biểu" năm 2011. Ảnh: Rednet

Tháng 8/2010, Hà trở thành phóng viên của đài truyền hình Thành Đô với mong muốn nói lên tiếng nói của công chúng. Hành trình dũng cảm đi tìm công lý giúp cô được Xiaoxiang Morning Herald bình chọn là "Công dân tiêu biểu" năm 2011. Đến tháng 2/2012, Hà chuyển công tác đến Đài truyền hình trung ương Trung Quốc.

Tuệ Anh (Theo Toutiao)

Xem thêm: lmth.1537844-nahp-naht-pouc-coh-nab-ib-hnis-un/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nữ sinh bị bạn học 'cướp thân phận'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools