Công chức văn phòng UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) làm thủ tục hồ sơ cho người dân - Ảnh: HỮU HẠNH
Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không đề cập đến cơ chế đặc thù nào cho TP.HCM trong tổ chức bộ máy và quyết định biên chế công chức, viên chức.
Nghị quyết chỉ cho TP cơ chế để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm.
Bài toán nan giải
Hẳn khi đưa cơ chế này vào nghị quyết 54, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng mong có một chính sách mới tạo động lực cho TP.HCM. Sau gần 5 năm thực hiện, những điểm ách tắc về tổ chức bộ máy công chức, viên chức của TP vẫn chưa được giải quyết. Các chính sách đưa ra chưa thực sự trở thành động lực để TP vận hành bộ máy công quyền xứng tầm với phân loại một đô thị đặc biệt. Con số hơn 5.700 công chức, viên chức tạm gọi là "dôi dư" so với chỉ tiêu được giao đã khắc họa rõ những khó khăn của TP trong tổ chức bộ máy sao cho hợp lý, hiệu quả.
Theo quy định hiện nay, việc phân bổ biên chế công chức, chỉ tiêu viên chức được căn cứ theo quy mô dân số, diện tích tự nhiên của các địa phương theo đơn vị hành chính. Những căn cứ này có tính khoa học nhưng chưa đánh giá hết các đặc thù của một số địa phương trên cơ sở đầu công việc và mức độ phức tạp của công việc cần giải quyết khác với đa số các địa phương khác. Dù TP.HCM hiện có biên chế công chức và chỉ tiêu viên chức nhiều hơn những thành phố trực thuộc Trung ương khác nhưng việc bố trí công chức, viên chức sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn vẫn là bài toán khó giải.
Ví dụ, hiện nay ngành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp phát triển rất phổ biến tại TP.HCM. Trên toàn địa bàn TP có khoảng 8.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ này.
Theo quy định, UBND cấp huyện sẽ có một phòng y tế, trong đó có chức năng tham mưu cho UBND quản lý về phẫu thuật thẩm mỹ.
Riêng quận 10 đã có gần 600 cơ sở (khoảng 80 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, gần 400 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và rất nhiều các spa chăm sóc sắc đẹp) trong khi nhân sự của Phòng Y tế quận 10 trực tiếp thực hiện công tác này chỉ 2 công chức.
Tình trạng này xảy ra tương tự ở các phường đông dân, lượng hồ sơ hành chính về khai sinh, khai tử, đăng ký giấy phép hộ kinh doanh... nhiều, mà lượng công chức hạn chế dẫn đến quá tải.
Tự quyết biên chế sẽ gỡ được khó khăn
Nếu giữ như quy định hiện nay, việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào tổng chỉ tiêu biên chế Trung ương giao, TP không có quyền tuyển thêm, dù quỹ lương TP có thể đủ để chi trả thêm.
Chính vì vậy, cần mạnh dạn xin thí điểm cơ chế trên cơ sở phân cấp mạnh mẽ cho TP.HCM, để TP.HCM tự chủ quyết định về biên chế công chức, viên chức căn cứ trên đầu công việc, mức độ phức tạp và quỹ lương tự cân đối của TP.
Mới đây, thông tin từ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết mục tiêu đến năm 2026, cố gắng chuyển thêm một bước mới là hoàn toàn biên chế công chức quyết định dựa trên vị trí việc làm, chức năng nhiệm vụ từng cơ quan, tổ chức và khi đó số biên chế mới chuẩn mực. Để có cơ sở và căn cứ thực hiện việc này, thiết nghĩ phải thí điểm ở một số địa phương đặc thù, mà TP.HCM là phù hợp nhất.
Khi Bộ Chính trị sẽ quyết định tổng biên chế hệ thống chính trị, sau đó giao lại cho thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị toàn quyền quyết định về biên chế sẽ tháo gỡ được chút vướng mắc, tạo ra sự linh hoạt.
TP.HCM sẽ phát triển mạnh mẽ những lĩnh vực mạnh cần lượng lớn công chức, viên chức giải quyết công việc nhưng hiện vẫn bị giới hạn tổng số biên chế hoặc chỉ tiêu được phân bổ. Vì vậy bài toán tổ chức bộ máy hợp lý, hiệu quả vẫn không được giải quyết căn cơ và không thể tạo động lực mới cho sự vận hành, phát triển TP như kỳ vọng về một "đầu tàu" tăng trưởng.
TTO - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao đổi như vậy về tổng biên chế của toàn bộ hệ thống chính trị, tại Hội nghị trực tuyến về bồi dưỡng kiến thức cho báo chí về xây dựng Đảng, sáng 14-7.
Xem thêm: mth.2025047051702202-ehc-neib-teyuq-ut-meid-iht-mchpt-ohc-nen/nv.ertiout