Trái cây được bày bán tại một chợ đầu mối ở TP.HCM
Ngày 15-7, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết qua công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, cho thấy một số mẫu rau, củ, thủy sản, thịt... có chứa chất cấm, kháng sinh, kim loại nặng...
Theo đó Ban quản lý an toàn thực phẩm và cơ sở sản xuất - kinh doanh đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia "chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra. Trong đó ghi nhận còn có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng.
Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản.
Qua kiểm tra sản phẩm rau, quả, trái cây tại 3 chợ đầu mối ở TP.HCM, cơ quan này phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng (hoạt chất carbendazim) với tỉ lệ khá cao.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm rau quả phát hiện cùng lúc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nhiều hoạt chất, trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất. Cụ thể, phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhóm mặt hàng rau, trái cây là 271/570 mẫu (chiếm tỉ lệ 47,54%), trong đó có nhiều mẫu vượt mức giới hạn cho phép.
Với sản phẩm thịt, và thủy hải sản, số mẫu nhiễm chất cấm, kháng sinh, vi sinh... ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, với sản phẩm bánh trung thu, có 18 mẫu không đạt chất lượng trong tổng số 91 mẫu được lấy.
"Việc quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau quả đặc biệt tại các tỉnh tuy có nhiều chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao, việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật của người nông dân chưa được kiểm soát. Nhiều hoạt chất được phát hiện với hàm lượng cao nhưng chưa có quy định mức giới hạn tối đa cho phép theo thông tư số 50/2016/TT-BYT và chưa có quy định mức giới hạn chung đối với các hoạt chất chưa có quy định đối với sản phẩm cụ thể", Ban quản lý an toàn thực phẩm nhận định.
Từ kết quả phân tích kiểm nghiệm trên, Ban quản lý an toàn thực phẩm cho biết đã có văn bản thông báo cho cơ sở được lấy mẫu có kết quả giám sát không đạt và thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm của cơ sở, đồng thời yêu cầu cơ sở có báo cáo giải trình. Trong đó nêu rõ nguyên nhân và hành động khắc phục nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đạt chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn.
Hoàn thiện đề án thành lập Sở Quản lý an toàn thực phẩm
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết về cơ bản, mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đã đạt được những mục tiêu đề ra, trong đó cụ thể nhất là số vụ, số người bị ngộ độc giảm. Tuy nhiên, mong muốn nhất là được sự chấp thuận của Chính phủ về việc chính thức hóa mô hình này để khâu tổ chức, hoạt động được đầy đủ, hiệu quả hơn.
"Trong thời gian sắp tới, tôi đề nghị lãnh đạo ban tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Sở Quản lý an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chúng ta cần lắng nghe, góp ý của các cơ quan chính phủ, bộ ngành, người dân... để phát huy, làm tốt hơn nữa", ông Đức nói.
Đồng quan điểm đó, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết việc vẫn chỉ dừng lại ở mức thí điểm, và chỉ là cấp ban nên không đủ cơ sở pháp lý đã khiến cho nhiều hoạt động thanh kiểm tra, kết nối của đơn vị không thể phát huy được hết hiệu quả.
Hơn 590 chuỗi thực phẩm an toàn được cấp phép
6 năm qua, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã cấp phép 590 chuỗi thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, thiết lập cơ sở dữ liệu của 1.833 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản tươi sống tại 22 tỉnh thành cung cấp vào TP.HCM đạt các chứng nhận an toàn GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000, VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận hữu cơ... Ngoài ra, từ giai đoạn đầu thí điểm hoạt động và đến khi được gia hạn đến nay, Ban quản lý đã cấp 208.575 giấy chứng nhận/giấy xác nhận trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm.
TTO - Thông tư mới của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định có 1.679 hoạt chất với 4.071 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật được buôn bán, sử dụng tại Việt Nam kể từ đầu tháng 2-2022.