Cụm từ “Tôi xin lỗi” có cả ưu và nhược điểm, đặc biệt tại nơi làm việc. Quan điểm trên được đưa ra bởi Maurice Schweitzer, một giáo sư trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Ông cho rằng dù chúng thể hiện trọn vẹn sự quan tâm, đồng cảm và hối cải, song lại không phải cách hiệu quả nhất khi bản thân người nói muốn chịu trách nhiệm trước một việc gì đó.
“Nói lời xin lỗi là điều nên làm, song nó cũng có thể đẩy bạn vào vị thế khó xử”, Schweitzer chia sẻ với CNBC Make It. “Đôi khi, mọi người sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn nếu không nói lời xin lỗi.”
Một nghiên cứu hồi năm 2012 được công bố trên tạp chí Tâm lý Xã hội châu Âu cũng cho thấy những lợi ích tiềm ẩn mỗi khi bạn tránh nói lời xin lỗi. 95% những người tham gia khảo sát cho rằng điều này khiến họ cảm thấy “lòng tự trọng dường như lớn hơn và cảm giác quyền lực (hoặc kiểm soát) cũng vậy”.
Thông thường, lời xin lỗi được xem là cái cớ để biện minh cho một điều gì đó. Cụm từ này được sử dụng thường xuyên đến mức chúng ta chẳng thể nhớ nổi số lần mình đã nói từ này. Dĩ nhiên, việc nhất quyết không xin lỗi tại nơi làm việc cũng có thể gây phản tác dụng, song bạn nên biết rằng, cụm “Tôi xin lỗi” chỉ thực sự hữu ích khi việc làm của bạn ảnh hưởng trực tiếp đến một cá nhân nào đó.
Dù lời xin lỗi thể hiện trọn vẹn sự quan tâm, đồng cảm và hối cải, song lại không phải cách hiệu quả nhất khi bản thân người nói muốn chịu trách nhiệm trước một việc gì đó.
Lấy ví dụ khi khách hàng của bạn mua một sản phẩm không hoàn hảo hoặc tức giận vì hàng hóa không được giao ngay lập tức, hầu như phản ứng của chúng ta sẽ là xin lỗi. Đừng dễ dàng đưa ra lời xin lỗi như vậy vì bạn không trực tiếp gây ra những điều đó. Đôi khi khách hàng sẽ có những kỳ vọng chưa phù hợp với những gì họ bỏ ra.
Theo giáo sư Maurice Schweitzer, thay vì dùng cụm từ “Tôi xin lỗi”, bạn có thể nói “Tôi sẽ chịu trách nhiệm và cải thiện chúng”. Đây là một lời xin lỗi gián tiếp, song vẫn cho thấy bạn đã nhận ra những thiếu sót và sẵn sàng giúp mọi thứ trở nên hoàn hảo hơn.
“Nếu bạn nhận ra sai lầm của mình, bạn cần thể hiện điều đó”, Schweitzer nói. “Tôi nghĩ rằng việc trình bày cụ thể kế hoạch sửa sai của bạn là một việc mang tính xây dựng rất lớn”.
Schweitzer cho rằng điều quan trọng nhất là bạn phải thể hiện được trách nhiệm của mình khi đề xuất các giải pháp thay vì chỉ chú trọng những sai lầm trong quá khứ. Làm như vậy có thể giúp bạn giảm bớt áp lực phải trở nên hoàn hảo.
“Chúng ta nên học hỏi từ những sai lầm của mình và tìm cách hạn chế chúng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ mắc phải những sai lầm”, Schweitzer nói.
Thực tế, chúng ta thường xin lỗi vì nghĩ rằng mọi người sẽ đánh giá cao sự lịch sự và thái độ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta lại mong muốn nhận được sự ghi nhận của bạn về những gì họ đã làm. Lúc này, một lời cảm ơn sẽ mang lại rất nhiều giá trị.
Chẳng hạn như khi bạn đến muộn một cuộc họp, thay vì xin lỗi, bạn có thể nói “cảm ơn vì đã kiên nhẫn đợi tôi”.
Đừng dễ dàng đưa ra lời xin lỗi như vậy vì bạn không trực tiếp gây ra những điều đó
Dẫu vậy, không chịu xin lỗi hoặc đưa ra lời xin lỗi nửa vời sẽ chỉ khiến các mối quan hệ xấu đi. Điều này khiến bạn trở nên tách biệt và dần không còn cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với mọi người nữa.
Theo: CNBC Make it
http://tintuc.vdong.vn/07/1427455.htm
Vũ Anh
Theo Nhịp Sống Kinh Tế