Chặng đường tỷ giá của Euro/USD
Nhìn vào chặng đường dài gần 20 năm, nếu không tính những năm đầu tiên đồng Euro tồn tại, vào thời điểm đó đồng Euro cũng giảm gần mức tương đương với đồng USD, thì suốt thời gian qua, tỷ giá hối đoái của đồng Euro luôn vượt hơn USD, nhưng kỷ nguyên Euro thịnh vượng đó đã khép lại hôm 12/7 khi đồng USD và đồng Euro ở mức ngang nhau. Đồng Euro có thời điểm rơi xuống mức chỉ đổi được 0,99 USD, trước khi phục hồi nhẹ trở lại.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã lao dốc không phanh, mất gần 12% giá trị so với đồng bạc xanh.
Từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã mất gần 12% giá trị so với đồng USD. (Ảnh: Getty Images)
Giống như tất cả các loại tiền tệ khác, đồng Euro chỉ mạnh bằng niềm tin của mọi người vào nó. Khi đứng trước triển vọng kinh tế ảm đạm của châu Âu, hay cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến sự tại Ukraine trong những tháng gần đây.
Ngoài ra, sự khác biệt về mức lãi suất ở Mỹ và châu Âu cũng khiến dòng vốn đầu tư ngày càng có xu hướng đổ dồn vào các tài sản bằng đồng USD và rời bỏ đồng Euro.
Tất cả đã tạo ra một hiệu ứng hòn tuyết lăn khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái sâu và kéo dài.
Doanh nghiệp và người dân châu Âu chật vật vì lạm phát
Việc đồng Euro suy yếu đang tạo ra những ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 8,6% trong tháng trước, cao nhất từ trước đến nay. Doanh nghiệp và người dân châu Âu đều đang chật vật.
Kể từ khi có đồng Euro, chưa khi nào đồng tiền chung lại mất giá tới như lúc này. Giá năng lượng tăng vọt đã kéo lạm phát lên mức kỷ lục chưa từng thấy đối với đồng Euro, so với tầm này năm 2021 tăng tới 8,6%. Chi phí đầu vào đang là gánh nặng cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là những ngành thâm dụng năng lượng, như hóa chất, xi măng, sắt thép.
"Chúng tôi tất nhiên là rất lo lắng. Giá khí đốt đã tăng quá mạnh trong 12 tháng qua. Không có giải pháp nào khác, nếu có thì chỉ là ngừng sản xuất, vậy thôi. Bây giờ thì không thể di chuyển nhà máy được nữa", ông Daniel Jeschonowski, Giám đốc nhà máy sứ Kahla (Đức), chia sẻ.
Sản xuất nông nghiệp châu Âu cũng lệ thuộc trực tiếp nhiều vào năng lượng. Các nhà kính trồng rau quả cần nhiệt lượng, chủ yếu từ khí đốt, mà châu Âu phải nhập khẩu.
"95% cà chua trồng ở Pháp là trong nhà kính. Với chi phí đầu vào cứ như hiện nay, thì sẽ tới lúc không còn cà chua Pháp. Bây giờ cà chua Pháp đảm bảo 1/2 nhu cầu thị trường, nhưng có thể rồi sẽ chỉ còn được 1/10", ông Christophe Rousse, Chủ tịch Hội nông dân vùng Breton (Pháp), cho biết.
Người châu Âu cảm nhận hàng ngày sức nóng của lạm phát, mỗi khi đi ra chợ, vào siêu thị… Mọi thứ đều tăng giá, với mức độ khác nhau. Tính trung bình, giá cả lương thực thực phẩm đã tăng 7,5% so với tháng 7/2021, còn xa mới bằng giá xăng dầu, đã tăng gần 1,5 lần.
"Mọi thứ thuộc về tiêu dùng đều tăng giá khủng khiếp. Trước đây, mỗi lần mua xăng, tôi đổ đầy bình. Hôm nay chỉ dám đổ 16 lít. Tôi cũng phải giảm đi ô tô riêng, chuyển sang đi xe đạp hoặc giao thông công cộng. Mọi thứ đều rất đắt đỏ", ông Salhi Khalid, người Bỉ, cho hay.
Lạm phát quá cao làm cho việc điều hành tiền tệ trở nên phức tạp. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang chuẩn bị tăng lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên tăng lãi suất và siết tiền tệ cũng có nghĩa là thêm khó cho doanh nghiệp. Tìm điểm cân bằng nhằm duy trì tăng trưởng đồng thời kiểm soát lạm phát đang là bài toán nan giải đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng như đối với mỗi quốc gia trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro.
Với mức mất giá của đồng Euro là 12% cho đến thời điểm hiện tại, về lý thuyết, doanh thu xuất khẩu có thể giảm 10%. Ví như với một sản phẩm, nếu thông thường khi xuất khẩu sang châu Âu, doanh nghiệp có thể thu về 10 đồng nhưng do biến động tỷ giá, đồng Euro suy yếu, doanh nghiệp chỉ có thể thu về 9 đồng. Điều này đặt các doanh nghiệp xuất khẩu trước nhiều bất lợi.
Euro giảm giá gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu
Với các doanh nghiệp xuất khẩu như Công ty CP xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long, họ thường ký hợp đồng trước cả năm với các nước châu Âu. Chính bởi vậy, khi đồng Euro giảm so với đồng đô la Mỹ, tiền lãi thu được của họ ngay lập tức bị ảnh hưởng.
"Việc đồng Euro bị xuống giá so với đồng USD khoảng 10 - 12% thì vô cùng ảnh hưởng đến doanh nghiệp của chúng tôi. Giả sử như hợp đồng 100.000 Euro thì chuyển sang USD thành 112.000. Đến nay, nếu chúng tôi vẫn ký hợp đồng như thế, vì sang năm mới, thì khi ký hợp đồng 10.000 Euro chỉ chuyển đổi sang được 100.000 USD, tức là chúng tôi mất 12.000", ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu mỹ nghệ Thăng Long, chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lợi
Việc đồng Euro mất giá tác động không quá nhiều đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, bởi hiện chỉ có khoảng 15 - 20% doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ký hợp đồng thanh toán bằng Euro, còn lại chủ yếu bằng USD nên thiệt hại được giảm thiểu đáng kể. Nhiều doanh nghiệp vẫn bảo toàn lợi nhuận và có thêm lời từ biến động tỷ giá tăng.
Dù 30% lượng hàng của Công ty May 10 xuất sang châu Âu, mỗi năm giá trị thu về tương đương khoảng 60 triệu Euro, nhưng theo thông lệ quốc tế của sản phẩm may mặc, tiền thanh toán cho các doanh nghiệp Việt Nam lại không phải là Euro.
"Tất cả khách hàng châu Âu của chúng tôi đều ký hợp đồng thanh toán bằng đồng USD. Vì vậy, tỷ giá giữa USD và Euro có thay đổi, tăng hay giảm thì không ảnh hưởng. Còn đối với ảnh hưởng tích cực, tôi cho rằng hiện nay chúng tôi có thể nhập khẩu máy móc, thiết bị rẻ hơn nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu từ châu Âu để tạo ra thành phẩm may mặc cũng rẻ hơn", Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết.
Việc đồng Euro mất giá tác động không quá nhiều đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Là một doanh nghiệp chuyên bán đồ nhập khẩu từ châu Âu, Euro giảm giúp cửa hàng này giá có đầu vào tốt hơn, từ đó cũng giảm giá thành một số sản phẩm.
"Sau khi đồng Euro giảm, giá nhóm hàng hóa mỹ phẩm của Pháp đã giảm 20 - 30% so với thời kỳ trước", chị Âu Huyền Thu, Giám đốc công ty Âu Gourmet, cho hay.
Hiện có thể thấy những tác động với các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với châu Âu chưa nhiều, nhưng lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Mức độ mất giá tiền của các nước so với USD
Không chỉ đồng Euro, mà nhiều đồng tiền chủ chốt khác cũng đang mất giá trong bối cảnh đồng USD mạnh.
Theo thống kê của Economist, tới thời điểm này, đồng Ruble Nga là đồng tiền duy nhất tăng giá so với USD trong năm 2022. Chỉ số USD - đo sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền lớn khác - đang ở mức cao chưa từng thấy trong 20 năm. Kể từ đầu năm, chỉ số này tăng 8% và tăng 14% trong 12 tháng qua. So với Yen, USD tăng giá hơn 13% chỉ trong năm nay.
Người dân, doanh nghiệp Mỹ có thực sự được hưởng lợi từ đồng USD mạnh?
Về mặt lý thuyết, đồng USD tăng giá, nước Mỹ sẽ có lợi thế trong nhập khẩu hàng hóa. Hàng hóa nhập nhiều hơn, giá rẻ hơn, người dân sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi thế nào thì tùy thuộc vào các mặt hàng mà Mỹ nhập khẩu. Nếu Mỹ nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến sản xuất thì lại có độ trễ để các mặt hàng này có thời gian để đưa ra thi trường.
Còn người dân sẽ có lợi ngay nếu mặt hàng nhập khẩu đó là các hàng tiêu dùng hay năng lượng, bởi đây là những mặt hàng đang có độ tăng giá mạnh nhất tại Mỹ, vốn làm lạm phát của Mỹ tăng kỷ lục 9,1% trong tháng 6. Lạm phát tăng cao khiến người dân Mỹ hưởng lợi không nhiều khi đồng USD tăng giá.
Trên thực tế, cần phải có thêm thời gian để đánh giá mức độ hưởng lợi khi đồng USD chỉ mới tăng giá và liệu USD tiếp tục tăng hay không và tăng đến mức độ nào. Chưa kể, các quốc gia khác cũng sẽ có phương án đối phó để tránh bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá USD tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi thế xuất khẩu của họ.
Nhận định và động thái sắp tới của FED
Trước diễn biến hiện tại, hầu hết các bên tham gia thị trường đều dự đoán đà tăng của lãi suất Mỹ sẽ kéo dài cho đến ít nhất là cuối năm sau.
Có ý kiến cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có lộ trình tăng lãi suất trong cả năm 2022. Theo lộ trình đó, từ nay đến cuối năm, dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên mức 3,1 - 3,6%.
Về kỳ vọng thị trường, theo khảo sát, lãi suất điều hành của FED có thể tăng lên nhức 3,75 - 4%, tức cao hơn so với kịch bản của FED.
Trong cuộc họp cuối tháng này, các chuyên gia dự đoán khả năng FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên 75 điểm %.
Với mức độ lạm phát cao như hiện nay, kết hợp với những nhân tố bất ổn khác như xung đột Nga - Ukraine còn kéo dài, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hay dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt sẽ buộc FED khả năng vẫn duy trì đà tăng lãi suất trong thời gian tới.
Việc duy trì chính sách tăng lãi suất một mặt để kiềm chế lạm phát vốn là ưu tiên số 1 hiện nay của chính quyền Joe Biden, mặt khác để tránh cho nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, sẽ rất khó để dự đoán được mức độ tăng lãi suất tiếp theo của FED đến đâu, bởi điều này phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của thị trường.
Biến động tỷ giá của đồng Euro và USD trong thời gian tới sẽ như thế nào?
"Trong ngắn hạn, diễn biến của các đồng tiền sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỳ vọng của thị trường và giới đầu tư. Chẳng hạn lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ mật thiết, nên người ta sẽ đặt kỳ vọng lớn về động thái tiếp theo của FED, nếu họ "đặt cược" FED nâng 0,75 hay 1 điểm % thì họ sẽ đổ vào USD nhiều hơn và làm các đồng tiền khác tiếp tục xuống giá. Hoặc về khả năng suy thoái, nếu kỳ vọng là số liệu của các nền kinh tế kém đi và đi dần đến suy thoái, thì đồng tiền của nước đó cũng sẽ chịu áp lực giảm giá so với USD", tiến sĩ Lurion De Mello, Đại học Macquaire, Australia, đánh giá.
Ngoài việc lợi nhuận bị sụt giảm, còn những thách thức nào cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu trong bối cảnh đồng Euro suy yếu hiện nay?
Nếu đồng Euro tiếp tục suy giảm, thì giá hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu có thể đắt đỏ hơn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam so với các quốc gia khác ở thị trường trọng điểm này như thế nào?
Đồng USD tăng giá, nhiều đồng tiền chủ chốt khác mất giá, 2 trào lưu này tác động gì đến Việt Nam?
Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong mục Góc nhìn, chương trình Tạp chí Kinh tế cuối tuần (16/7) với sự tham gia của TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Mời quý vị theo dõi video trên!
VTV.vn - Theo các chuyên gia tài chính châu Âu, mức suy giảm tỷ giá đồng Euro những ngày qua có thể khiến ECB phải cập nhật mức tăng lãi suất dự kiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31750030161702202-ial-pehk-ad-gnouv-hniht-orue-neyugn-yk/et-hnik/nv.vtv