Kinh tế toàn cầu đang chao đảo, tăng trưởng suy giảm khi phải đối mặt với nhiều rủi ro, như đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, cộng thêm bất ổn địa chính trị đẩy giá dầu, kéo theo đó là lạm phát tăng cao, buộc các NHTW trên thế giới phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất để ứng phó. Tất cả những điều đó đã tác động tới nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN nói riêng.
Tuy nhiên theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn CSTT quốc gia, đến thời điểm hiện tại NHNN vẫn điều hành CSTT chủ động, linh hoạt để kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý; hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tích cực kinh tế phục hồi… “Qua kết quả tổng thể của nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng 6 tháng đầu năm nay cho thấy, điều hành CSTT của NHNN trong thời gian qua là rất tích cực”, TS. Thành nhận xét.
Chung quan điểm, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, mặc dù thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định. NHNN điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, kịp thời ứng phó với các cú sốc bên ngoài.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối lớn hơn nhiều so với các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.
“NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa. Qua đó tạo điều kiện cho hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Khoa nhìn nhận.
Tuy nhiên theo giới chuyên môn, trong 6 tháng cuối năm, sức ép lên điều hành CSTT NHNN sẽ ngày càng nhiều hơn, nhất là từ áp lực lạm phát. HSBC dự báo, lạm phát tại Việt Nam sẽ ở mức trung bình 3,5% trong năm 2022, nhưng đà lạm phát sẽ có thể tạm thời vượt “trần” 4% ở một vài thời điểm, tạo áp lực lớn đến công tác điều hành CSTT, nhất là việc duy trì ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Tuy nhiên theo TS. Võ Trí Thành, ngay cả trường hợp lạm phát năm nay có thể vượt 4% lên mức 5% cũng có thể chấp nhận. “Áp lực lạm phát lớn nhưng không đến mức sợ hãi quá. Nếu quá lo lắng, thận trọng mà bóp nghẹt tất cả dòng vốn sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của nền kinh tế”, TS. Thành đánh giá.
Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, CTCK VnDirect nhận định, lạm phát cao hơn dự kiến của Việt Nam có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến NHNN sẽ có ít dư địa hơn để duy trì CSTT phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng NHNN sẽ nỗ lực duy trì CSTT “phù hợp”, không thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường. Bởi cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch. Vì vậy NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.
Không phủ nhận sức ép lạm phát với nền kinh tế Việt Nam, nhưng theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), áp lực chưa phải quá lớn. Do vậy, TS. Độ nhận thấy, CSTT chưa cần thắt chặt. Thực tế, tuy mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dưới sức ép của lạm phát, nhưng hiện lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang ở mức thấp dù NHNN hút mạnh tiền về. Điều này cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào.
GS. TS. Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, điều hành CSTT không nên đi theo hướng thắt chặt vì sẽ có thể không đạt được mục tiêu về tăng nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế. Vấn đề của CSTT là phải song hành với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, nên NHNN phải quản lý chặt chẽ lượng cung tiền trên thị trường, để cân đối dòng tiền giữa thanh toán và cung ứng hàng hóa, dịch vụ. “Những vấn đề này đòi hỏi từ nay đến cuối năm, NHNN phải có biện pháp điều hành CSTT thực sự linh hoạt, để lượng cung tiền đi đúng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Sau chu trình luân chuyển của dòng tiền thì ngân hàng phải hút về, không để xảy ra tình trạng dòng tiền bị trôi nổi, đưa vào lĩnh vực đầu cơ, gây ra rủi ro lạm phát”, GS. Hoàng Văn Cường khuyến nghị.
Cùng quan điểm, theo TS. Võ Trí Thành, linh hoạt, cân đối một cách hài hòa trong điều hành CSTT để làm sao giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hệ thống tài chính ngân hàng và tạo dựng niềm tin của thị trường vào cách thức điều hành của mình là thách thức lớn nhất của NHNN trong thời gian tới. Bên cạnh việc uyển chuyển sử dụng các công cụ tiền tệ, TS. Võ Trí Thành đề xuất, NHNN phải phối hợp với các chính sách khác nhất là chính sách tài khoá; theo dõi sát diễn biến của thị trường, nền kinh tế cả trong và ngoài nước để có giải pháp ứng phó kịp thời trước rủi ro khó lường, bất định. Ông cũng tin tưởng với kinh nghiệm dày dặn ứng phó khá tốt trước những biến động, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt và giữ mặt bằng lãi suất phù hợp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tỷ giá trong kiểm soát…
Thống đốc NHNN khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của CSTT là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các TCTD tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, BĐS. Về tăng trưởng tín dụng, năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và 12,17% năm 2020. Tính đến 30/6/2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch COVID-19. Lạm phát đang chịu nhiều sức ép, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%. NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là diễn biến lạm phát, tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để có giải pháp điều hành phù hợp...
Xem thêm: lmth.60131000042210202-cul-pa-iaig-aoh-ed-taoh-hnil-gnod-uhc/nv.semitaer